Thói quen sử dụng tiền mặt đang dần thay đổi

Thói quen sử dụng tiền mặt đang dần thay đổi

Ngân hàng hái ra tiền từ dịch vụ

(ĐTCK) Các nhà băng đang ra sức đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, tăng cường bán chéo sản phẩm, mảng hoạt động có biên lợi nhuận cao, nhằm cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Những khoản lãi nghìn tỷ từ dịch vụ

Ngành dịch vụ tài chính đang trải qua thời kỳ thay đổi chưa từng có nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng cá nhân và tổ chức. Theo đó, thu nhập từ mảng dịch vụ của các ngân hàng cũng chứng kiến sự tăng trưởng rất nhanh trong thời gian qua. Theo số liệu được đưa ra từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ của hệ thống ngân hàng năm 2017 tăng 34,7% so với năm 2016.

Nếu tính riêng 15 ngân hàng, gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Sacombank, Techcombank, VPBank, MBBank, ACB, EximBank, HDBank, SHB, TPBank, VIB, NCB, LienVietPostBank, mức tăng trưởng của doanh thu hoạt động dịch vụ trong năm qua lên tới 48%. Đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Con số tuyệt đối của tổng thu nhập hoạt động dịch vụ của 15 ngân hàng này là hơn 34.724 tỷ đồng.

Nhìn xa hơn, 5 năm trở lại đây (2013 – 2017), thu nhập từ hoạt động dịch vụ của 15 ngân hàng này đạt mức tăng trưởng trung bình 38%/năm.

Tín dụng vẫn là hoạt động kinh doanh cốt lõi, đem về nguồn thu chủ yếu cho các ngân hàng. Song việc tăng trưởng tín dụng quá nhanh cũng đi kèm với rủi ro lớn cho chính ngân hàng và cả hệ thống tổ chức tín dụng. Trong khi đó, dịch vụ chỉ đóng góp tỷ trọng tương đối nhỏ trong tổng thu nhập của các ngân hàng, nhưng nhiều năm gần đây lại là mảng đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho nhiều nhà băng. Bởi đây là mảng kinh doanh “hái ra tiền” với biên lợi nhuận cao ngất ngưởng, chiếm tỷ trọng thu nhập từ 60 - 90%. 

 BIDV là ngân hàng có nguồn thu từ hoạt động dịch vụ lớn nhất trong hệ thống với 5.633 tỷ đồng năm 2017

Số ngân hàng đạt lãi từ dịch vụ trên 1.000 tỷ đồng năm qua đã đạt con số 9, trong khi năm 2016 chỉ có 5 ngân hàng. BIDV là ngân hàng có nguồn thu từ hoạt động dịch vụ lớn nhất trong hệ thống với 5.633 tỷ đồng năm 2017, tăng 19% so với năm 2016.

Bám sát BIDV là Vietcombank, với 5.381 tỷ đồng; trong đó, đóng góp chính là thu từ dịch vụ thanh toán với 3.452 tỷ đồng.

Năm qua, Techcombank đã vượt lên VietinBank chiếm vị trí thứ ba trong ngành ngân hàng về thu nhập từ hoạt động dịch vụ, với 4.520 tỷ đồng, tăng trưởng 77% so với năm 2016. Trong đó, dịch vụ ủy thác và đại lý của ngân hàng này có sự tăng trưởng đột biến, đem về khoản doanh thu tới 1.581 tỷ đồng. Đây cũng là nguồn thu chính của hoạt động dịch vụ Techcombank năm vừa rồi.

Tuy BIDV và Vietcombank đứng đầu về doanh thu, song so về lãi từ dịch vụ, Techcombank mới là ngân hàng có lãi cao nhất, với 3.812 tỷ đồng, bỏ khá xa so với BIDV (2.987 tỷ đồng). Nguyên nhân là chi phí cho dịch vụ của Techcombank thấp hơn rất nhiều so với BIDV, Vietcombank, VietinBank hay Sacombank. Cả năm 2017, ngân hàng này chỉ mất 708 tỷ đồng cho toàn bộ chi phí hoạt động dịch vụ, bao gồm dịch vụ thanh toán và tiền mặt, dịch vụ viễn thông, dịch vụ ngân quỹ, tư vấn… Trong khi đó, con số chi phí ở BIDV, Vietcombank, VietinBank, Sacombank lần lượt lên tới 2.646 tỷ đồng, 2.840 tỷ đồng, 2.447 tỷ đồng, trên 815 tỷ đồng

Dường như mạng lưới rộng lớn của 4 ngân hàng này đã đem lại ưu thế về lượng khách hàng, số thẻ phát hành..., giúp nguồn thu dịch vụ được dồi dào, nhưng cũng vì thế mà việc quản lý chi phí trở nên khó khăn hơn.

Nguồn thu của các ngân hàng từ mảng dịch vụ, theo dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, sẽ còn tăng lên trong tương lai. Trong đó, yếu tố hỗ trợ là việc tăng phí dịch vụ thanh toán ở một số ngân hàng và việc hợp tác độc quyền với công ty bảo hiểm lớn cũng sẽ đem lại nguồn thu phí và hoa hồng lớn trong thời gian tới.

Cải thiện chất lượng nguồn thu cho ngân hàng

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh ở nhiều ngân hàng là điểm sáng đáng ghi nhận, song mức đóng góp vào thu nhập thuần cũng như tổng lợi nhuận của mảng kinh doanh này tại các ngân hàng thực tế vẫn chưa cao. Lợi nhuận của ngành ngân hàng Việt Nam vẫn phụ thuộc quá nhiều vào mảng tín dụng. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi thuần từ hoạt động tín dụng vẫn chiếm tới 79,1% tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh của các ngân hàng năm 2017 (năm 2016 chiếm 76,4%).

Các ngân hàng đang từng bước chuyển dịch hoạt động theo hướng tăng cường cung cấp các dịch vụ tài chính để hạn chế rủi ro, nhưng còn gặp nhiều cản trở. Trong đó, hai yếu tố gây nhiều khó khăn nhất hiện nay là hạ tầng công nghệ và thói quen sử dụng dịch vụ của khách hàng.

Mức thu nhập bình quân hiện nay của người Việt Nam còn thấp (2.385 USD/người), thói quen thanh toán vẫn chủ yếu bằng tiền mặt và một phần dịch vụ của các ngân hàng chưa được chất lượng, đảm bảo khiến người dân còn e ngại trong việc bỏ tiền trả phí khi sử dụng cho các tiện ích. Tuy nhiên, các ngân hàng tin rằng, xu hướng này đã và đang thay đổi dần trước làn sóng số hóa ngân hàng.

Lãnh đạo Techcombank chia sẻ, trong quá trình làm việc với khách hàng doanh nghiệp trung và vừa, Ngân hàng phát hiện ra vấn đề băn khoăn chính của nhóm khách hàng này không phải là lãi suất cho vay cao, mà là chi phí tài chính từ bảo lãnh, chuyển đổi ngoại tệ... Vì thế, Ngân hàng không chú trọng tăng dư nợ tín dụng, mà tập trung giải quyết các nhu cầu tài chính của khách hàng.

Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017 của Techcombank cũng cho thấy hướng đi của Techcombank là đúng, khi mảng dịch vụ thanh toán và tiền mặt cùng với ủy thác và đại lý là hai mảng đóng góp nhiều nhất vào doanh thu dịch vụ của ngân hàng này, với tỷ lệ gần 70%. Đặc biệt, trong đó, mảng ủy thác và đại lý tăng gần 1.500 tỷ đồng trong năm qua.

Để phân tán rủi ro và gia tăng nguồn thu ngoài lãi, các ngân hàng đang đẩy mạnh phát triển dịch vụ, bán chéo sản phẩm. Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, kết quả kinh doanh của SCB năm qua đạt mức tăng trưởng phù hợp với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 164 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2016.

Điều đáng nói là nguồn thu ngoài lãi có mức tăng trưởng 76% so với năm 2016, đạt 1.516 tỷ đồng. Cụ thể, lợi nhuận từ hoạt động mua bán chứng khoán của SCB tăng 2,5 lần so với năm 2016, đạt 626 tỷ đồng; thu phí dịch vụ tăng 54%, đạt 871 tỷ đồng; hoạt động thanh toán quốc tế cũng tăng trưởng vượt bậc trong năm 2017 với phí dịch vụ đạt khoảng 153 tỷ đồng, tăng 2,55 lần so với năm 2016.

Những kết quả đạt được đã minh chứng cho sự tăng trưởng bền vững của nguồn thu phi tín dụng của SCB qua các năm và cho thấy, chất lượng nguồn thu của SCB ngày càng được cải thiện.

“Chính nguồn thu ngoài lãi tốt đã đóng góp tích cực vào lợi nhuận, giúp Ngân hàng có cơ hội xử lý nợ xấu, miễn và giảm lãi cho khách hàng. Do SCB đã chủ động giảm lãi cho khách hàng và thực hiện trích dự phòng nên lợi nhuận bị tác động. Thực tế, lợi nhuận của SCB trước khi giảm lãi cho khách hàng và trích dự phòng trong năm 2017 đạt 4.000 tỷ đồng”, ông Văn nói.

Với định hướng phát triển thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu, theo ông Văn, SCB đang thực hiện nhiều kế hoạch kinh doanh nhằm cải thiện cơ cấu thu nhập, tăng nguồn thu phi tín dụng và giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng. Theo đó, SCB đã đẩy mạnh việc bán chéo các sản phẩm với mục tiêu cung cấp những gói sản phẩm tài chính toàn diện và ưu việt nhất.

Tính đến cuối năm 2017, số lượng khách hàng cá nhân tại SCB đạt hơn 768.000 khách hàng, tăng 26% so với cuối năm 2016. Trong đó, số lượng khách hàng trung niên, cao tuổi từ 40 tuổi trở lên chiếm tỷ trọng 54% và số lượng khách hàng dưới 40 tuổi chiếm tỷ trọng 46%.

Cả hai phân khúc khách hàng này đều có mức tăng trưởng trong năm 2017; đối với nhóm khách hàng dưới 40 tuổi là 39% và nhóm khách hàng trung niên, cao tuổi là 17%.

Tốc độ tăng trưởng cao của nhóm khách hàng dưới 40 tuổi cho thấy SCB đã bắt kịp với nhu cầu luôn luôn thay đổi của nhóm khách hàng trẻ tuổi và phần nào thành công trong việc thu hút họ đến với những sản phẩm hiện đại của ngân hàng.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cũng cho biết, với các ngân hàng trên thế giới, dịch vụ đóng vai trò rất quan trọng vào lợi nhuận hàng năm. Nhưng tại Việt Nam, nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận vẫn là từ tín dụng.

Tỷ trọng nguồn thu từ dịch vụ trong cơ cấu nguồn thu cao nhất thuộc về Vietcombank, BIDV. Những cái tên xếp sau lần lượt là Techcombank với tỷ lệ 23%, SHB là gần 21% và ACB là trên 10%. Những ngân hàng còn lại đều chỉ ghi nhận dưới 10%. Tuy đóng góp một phần nhỏ vào tổng thu nhập ngân hàng, nhưng dịch vụ là mảng mà rất nhiều ngân hàng muốn hướng tới, bởi đây là hoạt động với biên lợi nhuận cao lên tới trên 80%.

Tin bài liên quan