Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2019, Ban lãnh đạo Ngân hàng Á Châu (ACB) đã trình cổ đông thông qua phương án bán 6,22 triệu cổ phiếu quỹ để thưởng cho các cán bộ, nhân viên. Giá bán dự kiến không thấp hơn giá vốn bình quân là 16.072 đồng/cổ phiếu, thấp hơn đáng kể so với thị giá hiện tại của cổ phiếu ACB là 29.900 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa ngày 17/4/2019).
Năm 2019, VIB đã "mạnh tay" hơn khi dùng 7,7 triệu cổ phiếu quỹ có giá trị khoảng 175 tỷ đồng tính theo thị giá hiện tại (19.200 đồng/cổ phiếu) để chia cho cán bộ nhân viên. Trong năm 2018, VIB đã dành ra gần 2 triệu cổ phiếu quỹ có giá trị sổ sách là 44,5 tỷ đồng để thưởng cho người lao động.
Ngày 26/4 tới, VPBank (mã VPB) sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2019. Một trong những nội dung dự kiến sẽ được mang ra thảo luận tại Đại hội là kế hoạch bán cổ phiếu quỹ cho cán bộ, nhân viên. Theo đó, VPBank dự kiến sẽ bán 31 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 73 triệu cổ phiếu quỹ đã mua trong năm 2018 với giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phiếu.
Nguồn vốn chủ sở hữu dùng để bù đắp chênh lệch giá mua/bán cổ phiếu quỹ lấy từ thặng dư vốn và quỹ đầu tư phát triển của Ngân hàng. Hiện tại, giá cổ phiếu VPB được giao dịch quanh mức 19.450 đồng/cổ phiếu.
"Mục đích của đợt bán cổ phiếu quỹ lần này là để thực hiện chính sách ưu đãi nhằm giữ chân nhân tài và người có đóng góp lớn trong sự phát triển của VPBank. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II/2019 hoặc tùy vào thời gian thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật".
Đại diện VPBank đã chia sẻ như vậy và cho biết thêm, số cổ phiếu quỹ bán ưu đãi sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm và được giải tỏa dần theo tỷ lệ 30% sau năm thứ nhất và 35% trong 2 năm còn. Các quyền lợi phát sinh từ số cổ phần được mua (nếu có) sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Tại Techcombank (mã TCB), thay vì trả cổ tức, ngân hàng này dự kiến phát hành tối đa 10 triệu cổ phiếu ESOP cho các cán bộ, nhân viên với giá bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần vào quý II hoặc quý III/2019, tổng giá trị phát hành là 100 tỷ đồng.
Đáng chú ý, số cổ phần trong đợt phát hành này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Trên thị trường, cổ phiếu TCB đang giao dịch ở mức gần 25.000 đồng/cổ phiếu, tức gấp gần 2,5 lần mệnh giá. Như vậy, người lao động tại Techcombank có thể thu về gấp rưỡi nếu bán ra cổ phiếu ngay sau khi mua.
Trên thực tế, việc phát hành cổ phiếu ESOP hay thưởng cổ phiếu cho người lao động không phải là vấn đề mới, mà được nhiều nhà băng áp dụng trước đó. Theo đánh giá của giới chuyên gia, ESOP là chính sách tốt, vừa giúp ngân hàng có thêm vốn, lại vừa có thể giữ chân nhân tài. Dù vậy, phương pháp này chỉ thực sự hữu ích với người sở hữu cổ phiếu trong bối cảnh giá cổ phiếu tăng cao, thanh khoản tốt và hoạt động kinh doanh của ngân hàng ổn định.
Thống kê từ báo cáo tài chính 2018 của các ngân hàng cho thấy, có ít nhất 3 ngân hàng trong nước đã chi trả thu nhập bình quân cho người lao động trên 30 triệu đồng mỗi tháng là Vietcombank, Techcombank và MBBank, nhiều ngân hàng khác chi trả bình quân từ 20-30 triệu đồng/tháng có thể kể đến như VIB, VietinBank, BIDV, VPBank, HDBank… Ở một số ngân hàng nước ngoài hoặc liên doanh, mức thu nhập bình quân của người lao động tại đây đạt khoảng 50 triệu đồng/người/tháng như tại HSBC Việt Nam.
Trong thời gian qua, khi hoạt động kinh doanh khởi sắc trở lại, bên cạnh mức lương cao, nhiều nhà băng còn có các chính sách ưu đãi khác để giữ chân nhân sự giỏi, khiến cuộc cạnh tranh trong việc thu hút nhân sự nói chung và người tài nói riêng ở các ngân hàng ngày càng gay gắt.
Ông Lê Huỳnh Hoa - Giám đốc Nhân sự của Nam A Bank cho biết, hàng tháng, ngoài mức lương cơ bản, nhân viên các bộ phận kinh doanh Nam A Bank còn được tham gia nhiều chương trình với chính sách hấp dẫn để tăng năng suất lao động và thu nhập.
"Với một nhân viên kinh doanh giỏi, mức lương kinh doanh hàng trăm triệu đồng mỗi tháng là điều bình thường. Đây là mức thu nhập của nhân viên, chứ không phải lãnh đạo ngân hàng", ông Hoa chia sẻ.