Ngân hàng đua tăng lãi suất huy động

Ngân hàng đua tăng lãi suất huy động

(ĐTCK) Hàng loạt ngân hàng nâng lãi suất huy động, nhằm đảm bảo nhu cầu tiền mặt tăng đột biến dịp Tết Nguyên đán, cũng như cho kế hoạch tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2018.

Chuẩn bị thanh khoản dịp Tết

Đã thành quy luật, nhu cầu tiền mặt của người dân và doanh nghiệp tăng vọt trong tháng cuối năm. Để dự trữ thanh khoản đáp ứng nhu cầu này, các ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động. Cuộc đua ưu đãi lãi suất huy động năm nay khá sôi động. Điều thú vị là sau khi đội tuyển bóng đá U23 của Việt Nam lần đầu tiên lọt vào tận vòng chung kết AFC Cup, xuất hiện nhiều gói khuyến mãi liên quan đến sự kiện này.  

Chẳng hạn, VPBank nâng lãi suất tiền gửi 6 tháng lên 7,7%/năm, không phân biệt gửi online hay tại quầy giao dịch từ ngày 29 - 31/1. Mức lãi suất này tăng 0,6 điểm phần trăm so với hiện tại (7,1%/năm). VPBank tặng thêm 100.000 đồng để tặng 100 người đến giao dịch gửi tiền đầu tiên mỗi ngày, với tổng số tiền tặng là 1,5 tỷ đồng.

Tại NCB, khách hàng gửi tiền trong thời gian từ ngày 24 đến 31/1/2018 sẽ được ưu đãi lãi suất, tặng tối đa 0,15% trên lãi suất tiền gửi.

OCB tặng 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng người Hàn Quốc và khách hàng có tên Hải, Dũng, Thanh khi gửi tiết kiệm từ ngày 24 - 27/1.

SeABank sẽ cộng thêm lãi suất lên tới 2,3 điểm phần trăm cho Ban huấn luyện, cầu thủ U23 và người thân khi gửi tiền tại SeABank với kỳ hạn trên 6 tháng. Đồng thời, cộng thêm 0,23%/năm vào lãi suất tiết kiệm cho mọi khách hàng mang tên Quang Hải và Tiến Dũng từ ngày 25/1 tới  31/7/2018…

Trong Bản tin trái phiếu tuần từ 15/1 - 19/1/2018, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng nhẹ đối với các loại kỳ hạn qua đêm, đạt 2,09%/năm; lãi suất 1 tuần tăng 0,08%/năm, đạt mức 2,35%/năm; lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần tăng 0,12%/năm, đạt mức 2,64%/năm. Trong tuần, tỷ giá giao dịch trung bình tại các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng nhẹ (4 đồng) so với tuần trước đó, đạt mức 22.705 VND/USD.

Trước đó, trong Bản tin trái phiếu tuần từ 8/1 - 12/1/2018, BVSC cũng cho thấy, lãi suất liên ngân hàng trung bình tuần có xu hướng tăng khá mạnh đối với các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần với biên độ tăng ở mức 0,43 - 0,64%/năm. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 0,51%/năm, đạt mức 2,01%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần tăng 0,64%/năm, đạt mức 2,27%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần tăng 0,43%/năm, đạt mức 2,52%/năm.

… và kế hoạch dài hơi hơn

Bên cạnh việc chuẩn bị thanh khoản cho dịp cuối năm, theo Giám đốc tiền tệ một ngân hàng, việc tăng lãi suất nhằm thu hút nguồn tiền gửi còn nhằm chuẩn bị nguồn vốn cho kế hoạch kinh doanh trong năm 2018. Trong bối cảnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được giao cao liên tục trong những năm qua, các ngân hàng đã rút kinh nghiệm và tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, chứ không để dồn vào cuối năm như trước.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng của tháng 1/2018 sẽ tương tự tháng 1/2017. (Số liệu tính đến cuối tháng 1/2017, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt 4% và các ngân hàng thương mại khác cũng rất khả quan. Còn Báo cáo tình hình kinh tế tháng 2/2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tính đến 31/1/2017, cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 1% so với đầu năm).

“Dù thanh khoản của hệ thống được đảm bảo do Ngân hàng Nhà nước tăng cung tiền qua việc mua hơn 7,5 tỷ USD trong năm 2017, nhưng đó chỉ là nguồn tiền trong ngắn hạn. Huy động vốn trên thị trường là nguồn chính để đảm bảo thanh khoản đã không theo kịp với tốc độ tăng trưởng tín dụng cao liên tục trong các năm qua”, vị này cho biết.

Thông tin đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước, kế hoạch tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2018 vào khoảng 18,17%. Năm 2017, Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, năm 2017, mặc dù thanh khoản của hệ thống tương đối ổn định, nhưng nguồn vốn huy động của toàn hệ thống tăng thấp hơn năm 2016, ước tăng 16,9% (năm 2016: 19,3%); trong khi đó, tín dụng toàn hệ thống tăng tương đương với năm 2016 (ước tăng 19,3%).

Một nghiên cứu của BIDV cho rằng, thị trường tiền tệ VND liên ngân hàng trong năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục xu hướng ổn định so với năm 2017. Lãi suất giao dịch sẽ có xu hướng đi ngang ở kỳ hạn ngắn và giảm nhẹ ở kỳ hạn dài. Bình quân kỳ hạn 1 tuần vào khoảng 2,4 - 2,6%/năm và kỳ hạn 3 tháng vào khoảng 3,8 - 4,0%/năm. Các yếu tố chính tác động lên diễn biến lãi suất trong năm 2018 chủ yếu theo hướng hỗ trợ thanh khoản, cụ thể như sau:

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, thận trọng và chưa có nhiều biến động so với năm 2017. Trong bối cảnh triển vọng kinh tế vĩ mô khá tích cực, nhưng vẫn chưa bền vững, chứa đựng những rủi ro, đặc biệt là áp lực lạm phát có thể tăng lên, quá trình xử lý nợ xấu diễn ra khá chậm, hoạt động của doanh nghiệp trong nước còn nhiều khó khăn… Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt.

“Các công cụ mà Ngân hàng Nhà nước sử dụng có thể chưa có nhiều thay đổi so với năm 2017, điều hành tăng trưởng cung tiền và tín dụng ở mức độ phù hợp, chú trọng thúc đẩy xử lý nợ xấu nâng cao an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng”, nghiên cứu của BIDV nhấn mạnh.

Theo phân tích của BIDV, nhu cầu vốn để phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp duy trì ở mức cao trong bối cảnh tăng trưởng GDP năm 2018 dự kiến vẫn ở mức 6,5 - 6,7%. Ngoài ra, các ngân hàng còn chịu áp lực kiểm soát chất lượng tín dụng để đáp ứng một số chỉ tiêu an toàn như tỷ lệ an toàn vốn CAR, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn… sẽ có xu hướng gia tăng trong năm 2018.

Đồng thời, số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước dự kiến giảm khoảng 40 - 60 nghìn tỷ đồng so với mức hiện tại, nhưng nhìn chung vẫn ở mức khá cao khoảng 100 -120 nghìn tỷ đồng do tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy nhanh hơn trong năm 2018 nhưng vẫn chưa thực sự cải thiện mạnh mẽ khi Luật Đầu tư công sửa đổi chưa chính thức được ban hành. Bên cạnh đó, quá trình tái cấu trúc ngân hàng sẽ tiếp tục được đẩy nhanh theo quyết định 1058/QĐ-TTg/2017 của Chính phủ cũng góp phần nâng cao cải thiện sức khỏe hệ thống ngân hàng.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, một trong những vấn đề cần quan tâm, đó là thanh khoản của hệ thống phải luôn được duy trì ổn định. Để chủ động bảo đảm thanh khoản, các tổ chức tín dụng phải tính toán thận trọng việc duy trì khả năng thanh khoản cao, bảo đảm lượng tiền mặt, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu kinh doanh cũng như chi trả.

“Bên cạnh đó, mặc dù nguồn vốn trung và dài hạn tăng khá, song rủi ro về chênh lệch kỳ hạn vẫn còn lớn do tín dụng trung và dài hạn vẫn chiếm tỷ trọng cao (50%) trong tổng dư nợ, có thể sẽ tạo áp lực huy động lên huy động vốn trung, dài hạn, từ đó tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất trên thị trường tiền tệ”, vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.

Tin bài liên quan