Nhiều ngân hàng room tăng trưởng tín dụng hiện đã kịch trần

Nhiều ngân hàng room tăng trưởng tín dụng hiện đã kịch trần

Ngân hàng đồng loạt xin cấp thêm quota tín dụng

(ĐTCK) Mặc dù đã sang tháng cuối năm, một loạt ngân hàng vẫn xin thêm quota tín dụng. Một phần để có cơ hội gia tăng cho vay mùa cao điểm, một phần là để “hợp lý” số vốn đã giải ngân.

Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) vừa được NHNN chấp thuận cho nới room tín dụng lên 30%. Cùng với đó, Thống đốc NHNN yêu cầu Viet Capital Bank thực hiện tốt các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn hệ thống và góp phần ổn định thị trường tiền tệ.

Theo đó, Viet Capital Bank sẽ phải thực hiện việc cấp tín dụng đúng theo quy định, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn, chấp hành các quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn ngoại hối, quản trị rủi ro, hạn chế phát sinh nợ xấu, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Theo lãnh đạo Viet Capital Bank, cuối năm, đặc biệt là vào các ngày lễ tết, luôn là thời điểm mà nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng lên cao nhất, cho nên đây cũng là cơ hội để kinh doanh lớn nhất trong năm đối với mọi doanh nghiệp và ngân hàng cũng không là ngoại lệ. Vì thế, Viet Capital Bank đã xin nới room tín dụng để có thêm dư địa cho vay. Tuy nhiên, để đảm bảo điều kiện tăng trưởng tín dụng, Viet Capital Bank phải chuẩn bị tốt thanh khoản.

Từ nay đến hết năm 2016, Viet Capital Bank áp dụng ưu đãi thêm lãi suất từ 0,05-0,1%/năm dành cho các hợp đồng tiền gửi áp dụng cho mọi kỳ hạn, nhằm hỗ trợ tối đa cho các khách hàng, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Viet Capital Bank cũng là một trong những ngân hàng áp lãi suất huy động cao nhất trên thị trường trong thời gian qua, với mức kịch trần 8%/năm cho kỳ hạn 15 tháng.

Trước đó, dựa trên những kết quả hoạt động tích cực, Ngân hàng OCB cũng được NHNN cấp hạn mức tín dụng cao nhất 25% trong năm 2016.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, các hoạt động tín dụng năm 2016 của OCB được kỳ vọng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. OCB sẽ tăng cường các gói tín dụng ưu đãi cho cá nhân và doanh nghiệp.

Thế nhưng, kết thúc 6 tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng của OCB đã tăng đến 21%. Vì vậy, room còn lại cho hoạt động tín dụng trong 2 quý cuối năm không còn nhiều. OCB cũng là ngân hàng tích cực tham gia liên kết với nhiều dự án bất động sản tài trợ vốn cho khách hàng thời gian qua, bên cạnh đẩy mạnh vốn cho chủ đầu tư bất động sản và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Có không ít ngân hàng đã vượt room tín dụng cho phép trong cả năm nay.

Thực tế, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đã đạt mức khá cao trong hơn 3 quý đầu năm nay, nhất là tại các nhà băng nhỏ. Chẳng hạn, tại TPBank, dư nợ cho vay khách hàng 3 quý đầu năm đạt gần 37.800 tỷ đồng, tăng 33,8% so với thời điểm cuối năm trước; huy động tiền gửi khách hàng đạt gần 45.800 tỷ đồng, tăng 15,9%. Hay tại Nam A Bank, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 9/2016 tăng 24%...

Tăng trưởng tín dụng của VPBank trong 6 tháng đầu năm nay có phần chậm lại, khi cho vay khách hàng chỉ tăng 1,7%, còn tiền gửi khách hàng giảm 9%, nhưng đã có sự bứt phá trong quý 3/2016. VPBank cho biết, trong quý III, các yếu tố nội tại cũng như môi trường kinh doanh đã được cải thiện, nên Ngân hàng đã tăng cường huy động, thúc đẩy dư nợ, đảm bảo tăng trưởng tổng tài sản đạt mức dự kiến và qua đó tăng hiệu quả kinh doanh. Đến cuối tháng 9/2016, huy động VPBank tăng 9%, dư nợ tăng 11%.

Tuy nhiên, theo lý giải của lãnh đạo các ngân hàng này, mặc dù tỷ lệ tín dụng tăng cao, nhưng xét về con số tăng tuyệt đối thì không lớn. Bởi, số tuyệt đối về dư nợ tín dụng hiện mới đạt vài chục nghìn tỷ đồng, tức chỉ tương đương với dư nợ của một chi nhánh ngân hàng quy mô, nên tỷ lệ tín dụng có tăng vài chục phần trăm cũng là bình thường.

Vì thế, một số ngân hàng dự kiến mức tăng trưởng tín dụng năm nay có thể lên tới hàng chục phần trăm. 

Đã vượt room cho phép

Song thực tế cũng cho thấy, không chỉ với các nhà băng nhỏ, mà các ngân hàng lớn cũng dự kiến tín dụng sẽ tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành đưa ra cho năm nay là từ 18-20%, nhất là khi điều kiện thị trường đang tác động tích cực lên tín dụng như hiện nay.

Tại ACB, 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng đạt 17%. Năm 2016, ACB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 18-20%, tương đương toàn ngành, trong đó tín dụng cá nhân tăng 25%, doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 15%, doanh nghiệp lớn (chọn lọc) là 5%. Ngoài ra, dư nợ tín dụng của một số ngân hàng lớn khác như Vietcombank, BIDV, Vietinbank cũng cải thiện tích cực trong 3 quý đầu năm nay.

Theo thống kê, tín dụng của toàn nền kinh tế tính đến ngày 22/9/2016 tăng trưởng 10,64% so với thời điểm cuối năm trước. Trong đó, tín dụng nội tệ tăng 11,65% và  tín dụng ngoại tệ tăng 1,62%. NHNN cho rằng, các mức tăng này phù hợp với chủ trương của Chính phủ.

Trên thực tế, có không ít ngân hàng đã vượt room tín dụng cho phép trong cả năm nay. Trước tình trạng này, một số ý kiến cho rằng, không cần thiết phải duy trì room, tuy nhiên, với cơ quan quản lý, room tín dụng vẫn được xem là một trong những thước đo hiệu quả hoạt động ngân hàng.

Dự kiến trong các tháng cuối năm 2016, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm ổn định lạm phát, thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 từ 18-20% đã đề ra, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trước đó, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, tăng cường kiểm tra, giám sát dự án được Chính phủ bảo lãnh, kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng vượt giới hạn, cấp tín dụng đối với khách hàng có dư nợ lớn.

Tin bài liên quan