Công ty xử lý nợ của VPBank hiện có gần 300 nhân sự

Công ty xử lý nợ của VPBank hiện có gần 300 nhân sự

Ngân hàng đang đơn thương độc mã giữa cuộc chiến xử lý nợ xấu

(ĐTCK) Nói về vấn đề thu hồi nợ, lãnh đạo SHB phải thốt lên: “Vô cùng bức xúc và mệt mỏi khi đi thu hồi nợ".

Một trong những vướng mắc khi xử lý nợ xấu được đại diện VPBank nêu ra liên quan đến quy trình, thủ tục thi hành án. Cụ thể, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008, thời gian tự nguyện thi hành án được ấn định là 15 ngày; theo Luật Thi hành án 2014, thời hạn này là 10 ngày.

Hết thời gian trên, nếu bên phải thi hành án không tự nguyện thi hành án, cơ quan thi hành án phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kéo dài thời gian cưỡng chế thi hành án diễn ra rất phổ biến, dẫn đến hậu quả là chính bên phải thi hành án (chủ yếu là con nợ của các tổ chức tín dụng) thường có tâm lý chây ì.

Đối với những vụ việc có nhiều tài sản bảo đảm cho việc thi hành án, lãnh đạo VPBank cho biết, hầu hết các chi cục thi hành án dân sự trên địa bàn Hà Nội đều yêu cầu người được thi hành án (thường là các tổ chức tín dụng), tòa án tách phạm vi bảo đảm của từng tài sản bảo đảm thì mới cho thi hành án bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Trong khi đó, hợp đồng bảo đảm, bản án/quyết định của tòa án đều tuyên, mỗi tài sản này đảm bảo cho toàn bộ nghĩa vụ trả nợ theo quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm. Đồng thời, tại các chi cục thi hành án dân sự trên địa bàn Hà Nội, khi bên được thi hành án và bên phải thi hành án tự thỏa thuận về việc nộp tiền giải chấp tài sản và rút một phần yêu cầu thi hành án thì thường bị cơ quan thi hành án gây khó khăn (!?).

Theo lãnh đạo SHB, quá trình giải quyết vụ án tại tòa án, tổ chức tín dụng còn gặp phải trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ kiện gửi đơn thu tố cáo tới cơ quan điều tra nhằm kéo dài việc giải quyết vụ án của tòa án, gây khó khăn cho tổ chức tín dụng.

Chẳng hạn, ông A ký hợp đồng ủy quyền cho bà B với nội dung bà B được toàn quyền chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của ông A để vay vốn ngân hàng.

"Việc xử lý nợ xấu vô cùng khó khăn do phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng đang đơn thương độc mã giữa cuộc chiến xử lý nợ xấu"

- Luật sư Trương Thanh Đức.

Trên cơ sở hợp đồng ủy quyền, bà B đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho bà C. Bà C dùng tài sản này để vay vốn ngân hàng. Do bà C không trả được nợ nên ngân hàng đã khởi kiện, đề nghị tòa án buộc bà C trả nợ, trường hợp bà C không trả được nợ thì đề nghị cơ quan thi hành án xử lý tài sản bảo đảm của bà C để thu hồi nợ cho ngân hàng. Tuy nhiên, ông A có đơn tố cáo bà B lừa đảo ông trong việc ký hợp đồng ủy quyền và gửi tới cơ quan điều tra. Vì vậy, tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự để chờ kết quả của cơ quan điều tra.

Về vấn đề này, tòa án có quan điểm xử lý khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, nếu hết thời hạn giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự mà cơ quan điều tra vẫn không có văn bản trả lời về việc có khởi tố vụ án, khởi tố bị can hoặc hành vi của người bị tố cáo hay không, có liên quan đến việc giải quyết vụ án hình sự khác hay không thì tòa án vẫn tiến hành giải quyết vụ án.

Quan điểm thứ hai cho rằng, cần phải đợi kết quả trả lời của cơ quan điều tra thì tòa án mới có thể tiếp tục giải quyết vụ án. Vì vậy, tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án.

“Vô cùng bức xúc và mệt mỏi khi đi thu hồi nợ”, lãnh đạo SHB nói.

Ngay cả “ông lớn” Vietcombank cũng gặp không ít vướng mắc khi thu hồi nợ. Lãnh đạo Vietcombank chia sẻ, Khoản 5, Điều 63, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định: “Trong quá trình tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, nếu bên giữ tài sản bảo đảm có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì người xử lý tài sản bảo đảm có quyền yêu cầu UBND xã, phường, thị trấn và cơ quan công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm”. Tuy nhiên, cơ quan công an chỉ có trách nhiệm giữ gìn an ninh, trật tự mà không có biện pháp hoặc chế tài để xử lý nếu bên giữ tài sản bảo đảm không hợp tác trong việc chuyển giao tài sản bảo đảm.

“Quy định về vai trò của cơ quan công an, UBND trong việc hỗ trợ tổ chức tín dụng trong việc thực hiện quyền thu giữ tài sản là chưa khả thi. Thêm vào đó, việc pháp luật chưa có quy định các biện pháp hoặc chế tài xử lý các đối tượng bất hợp tác, chây ì, trì hoãn việc chuyển giao tài sản cho tổ chức tín dụng để xử lý thu hồi nợ làm cho các tổ chức tín dụng khó khăn hơn trong thực hiện quyền thu giữ tài sản để xử lý nợ”, lãnh đạo Vietcombank nói.

Tại hội thảo “Xử lý nợ xấu - Những nút thắt cần tháo gỡ” do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Văn phòng Quốc hội vừa tổ chức, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, nhân sự xử lý nợ xấu tại ngân hàng không ngừng tăng trong những năm gần đây, bởi xử lý nợ xấu có quá nhiều vấn đề, buộc phải có người để “tải”, vậy mà tình hình vẫn thường xuyên “căng”.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico chia sẻ: “Thời tôi còn làm ngân hàng, toàn ngân hàng chỉ khoảng 300 người mà bây giờ một công ty xử lý nợ của VPBank cũng đã gần 300 người, cho thấy mức độ nóng của câu chuyện xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng như thế nào”.

Luật sư Đức nêu quan điểm: “Việc xử lý nợ xấu vô cùng khó khăn do phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng đang đơn thương độc mã giữa cuộc chiến xử lý nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu thật sự theo đúng chuẩn hiện nay khó có thể tin rằng chỉ là 1 con số, do đó nợ xấu vẫn đang là một nguy cơ lớn của nền kinh tế. Nếu không có một đạo luật hay một số điều luật đặc biệt để xử lý thì sẽ có nguy cơ kéo dài số năm giải quyết lên trên 1 con số. “Bảo bối” để sớm thoát hiểm nợ xấu đang nằm trong tay toà án, cơ quan thi hành án, Chính phủ và Quốc hội”.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một chuyên gia kinh tế tại hội thảo nhấn mạnh: “Những nút thắt trên thực tế đã xảy ra từ lâu, cũng được đề cập trong nhiều hội thảo về xử lý nợ xấu và đến bây giờ vẫn được các ngân hàng nhắc lại cho thấy, các nút thắt này chưa được giải quyết triệt để. Tôi cho rằng, nếu tình trạng hiện tại không được cải thiện, chúng ta sẽ còn được tham dự những hội thảo tương tự và công ty xử lý nợ xấu của VPBank không chỉ là 300 nhân viên mà có thể tăng lên gấp đôi trong thời gian tới. Điều này cũng cho thấy, không thể tiếp tục đòi hỏi mình hệ thống ngân hàng phải ráo riết tự xử lý nợ xấu”.           

Tin bài liên quan