Ngân hàng có kịp lên sàn cuối năm 2018?

Ngân hàng có kịp lên sàn cuối năm 2018?

(ĐTCK) Kế hoạch đưa ra tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) đầu năm nay, không ít ngân hàng đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán tập trung HOSE, HNX và cả giao dịch trên UPCoM. Thế nhưng, đến nay năm tài chính 2018 đã đi qua hơn 3 quý đầu năm, song vẫn còn khá nhiều nhà băng chưa triển khai kế hoạch trên.

Nhiều ngân hàng chưa lên sàn

 Ngoài các cổ phiếu ngân hàng đã niêm yết trên 2 sàn HOSE, HNX và UPCoM, với 17 mã hiện nay gồm: CTG, BID, ACB, VCB, EIB, STB, SHB, MBB, TPB, VPB, HDB, NVB, TCB, VIB, KLB, LPB, BAB, hiện còn khá nhiều ngân hàng chưa niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung theo quy định của Thông tư số 180/2015/TT-BTC.

Sau làn sóng lên sàn trong 2 quý đầu năm (HDB, TPB, TCB), thị trường có vẻ im ắng hơn khi giá cổ phiếu “vua” có dấu hiệu điều chỉnh và hạ “nhiệt” trong 2 quý giữa năm nay khiến cho một số nhà băng chùn bước trong kế hoạch niêm yết cũng như đưa cổ phiếu lên giao dịch sàn UpCom trước đó.

OCB, VietABank, VietBank, NamA Bank... là những nhà băng đang trong quá trình xúc tiến kế hoạch lên sàn.

Việc ngân hàng đua nhanh lên sàn để nâng cao thanh khoản cổ phiếu, minh bạch trong hoạt động kinh doanh và cũng được xem là cơ hội cho nhà đầu tư lựa chọn trong danh mục cổ phiếu “vua”.

Tuy nhiên, tiến độ niêm yết của các ngân hàng đang có dấu hiệu chững lại vì nhiều lý do. Trong đó, vấn đề hoàn tất thủ tục niêm yết đòi hỏi mất khá nhiều thời gian.

Các nhà băng cũng tranh thủ tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính trước khi lên sàn thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu và hút thêm vốn ngoại.

OCB cho hay, Ngân hàng đang trong quá trình hoàn tất thủ tục niêm yết, với nhiều thuận lợi. OCB đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng, hiện tại ngân hàng đã hoàn tất việc tăng vốn đợt 1 lên 6.599 tỷ đồng và đang tiếp tục tiến trình tăng vốn lên mức 7.500 tỷ đồng như đã được NHNN chấp thuận, nâng cao năng lực tài chính.

Đến nay, khi thị trường điều chỉnh, giá cổ phiếu “vua” hạ nhiệt và quan trọng hơn đó chính là khi các thủ tục niêm yết nếu chưa được hoàn tất thì kế hoạch niêm yết của OCB nói riêng và các ngân hàng khác nói chung sẽ lùi lại chậm hơn dự kiến.

Tương tự như trường hợp của VietBank, HĐQT của ngân hàng này cũng cho biết, về kế hoạch niêm yết, trước mắt nhà băng sẽ tăng vốn điều lệ đợt một khoảng 500 tỷ đồng và lên giao dịch sàn UPCoM. Đến năm 2020, ngân hàng sẽ niêm yết trên sàn HOSE.

Đối với Nam A Bank, đầu năm 2018, TTCK thuận lợi, HĐQT trình cổ đông thông qua việc niêm yết cổ phiếu, đồng thời giao cho HĐQT lựa chọn thời điểm thích hợp để niêm yết theo đúng trình tự và quy định của pháp luật, song đến nay Nam A Bank vẫn trong quá trình hoàn tất thủ tục đưa cổ phiếu lên UPCoM.

LienvietpostBank và VIB cũng cho biết, sẽ sớm chuyển sang niêm yết sàn HOSE.

Cũng cố nội lực trước niêm yết

 Trước làn sóng lên sàn của một số ngân hàng từ đầu năm 2018 và dự báo sẽ còn nhiều nhà băng niêm yết trong thời gian tới cũng được nhà đầu tư quan tâm, nhất là nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, do giá cổ phiếu ngân hàng cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả tác động từ thị trường lẫn nội tại bên trong của từng nhà băng.

Theo một nhà phân tích tài chính, giá cổ phiếu ngân hàng hiện đã tăng cao so với 1 năm trước, nhất là những cổ phiếu ngân hàng chào sàn trong thời gian gần đây. Đối với những cổ phiếu sẽ chào sàn trong thời gian tới, không phải mã nào cũng có tiềm năng tăng trưởng mà chắc chắn có sự phân hóa mạnh giữa các nhà băng.

 Ngày 6/12/2017, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã chính thức công bố hoàn thành dự án Basel II. 

Mặt khác, tính cấp bách và những lợi ích của việc tăng vốn như nâng cao năng lực tài chính, mở rộng tín dụng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, tiến tới Basel II... là cần thiết.

Trong Dự thảo Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Bộ kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng theo phân công của Chính phủ được công khai lấy ý kiến rộng rãi, có đưa các mục tiêu đẩy mạnh tái cấu ngành ngân hàng như cắt giảm nợ xấu, giảm số lượng NHTM yếu kém và đảm bảo 70% số ngân hàng thương mại thực hiện đầy đủ Basel II vào năm 2020…

Thế nhưng, đến nay, trong 10 ngân hàng thương mại được NHNN thí điểm vẫn chưa nhà băng nào công bố hoàn tất việc thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, ngoại trừ OCB là ngoại lệ khi sớm hoàn tất việc triển khai Basel II vào cuối 2017.

Bên cạnh đó, nhà băng này cũng từng bước nỗ lực xóa nợ xấu, kể cả nợ xấu đã bán cho VAMC.

Theo OCB, Ngân hàng đã mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC và quyết tâm xóa hết các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC từ những năm trước còn tồn đọng để làm sạch nợ ngoại bảng, hướng đến mục tiêu chất lượng tín dụng được kiểm tra chặt chẽ, giảm thiểu nợ xấu dưới mức 1,5%.

Với kết quả đạt được ấn tượng trong 9 tháng đầu năm 2018, lãnh đạo OCB tự tin sẽ vượt mức kế hoạch 2.000 tỷ đồng đề ra trong năm 2018.

Thậm chí, với nỗ lực xử lý nợ xấu mua lại từ VAMC, khả năng lợi nhuận nhà băng này còn vượt xa chỉ tiêu trên khi dự kiến hoàn nhập thêm 500 tỷ đồng dự phòng rủi do không còn phải trích lập cao khi nợ xấu giảm.

Cùng đó, OCB có kế hoạch mở rộng mạnh mẽ mạng lưới giao dịch năm 2018, tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Nếu kịp hoàn tất thủ tục, OCB sẽ trở thành ngân hàng tiếp theo niêm yết, sau HDBank, TPBank và Techcombank. Tuy nhiên, với diễn biến của thị trường chứng khoán hiện nay cũng giá cổ phiếu “vua” có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cho dù kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm tích cực, song trái ngược với 2 quý đầu năm 2018 khi nhóm cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm của thị trường, góp công lớn trong việc kéo VN-Index tăng mạnh nhờ kết quả kinh doanh tích cực thì gần đây, nhóm cổ phiếu này điều chỉnh, kể cả những mã lớn đạt lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng 3 quý đầu năm.

Tin bài liên quan