Ngân hàng cho vay bất động sản: Gói 30.000 tỷ đồng ở đâu?

Ngân hàng cho vay bất động sản: Gói 30.000 tỷ đồng ở đâu?

(ĐTCK) Không chỉ nới rộng đối tượng được vay vốn gói 30.000 tỷ đồng, NHNN đã cho phép thêm 8 NHTM được tham gia cho vay gói vốn này, nâng tổng số nhà băng được phép cho vay gói hỗ trợ nhà lãi suất 5%/năm lên 13 đơn vị.

Để kích cầu tín dụng bất động sản, các NHTM từng bước mở cửa cho vay mua, sửa chữa nhà lãi suất cạnh tranh, nhưng lại chú trọng các gói tín dụng thương mại hơn đẩy mạnh hỗ trợ cá nhân vay gói ưu đãi trên.

Vay mua nhà dễ hơn

Để kích cầu tín dụng, các NHTM đang đẩy mạnh vốn cho vay khách hàng cá nhân, đặc biệt là cho vay mua nhà. Trong khi đó, việc nhiều dự án nhà ở đã và đang từng bước hình thành… cũng là cơ hội để ngân hàng đẩy vốn tính dụng cho mảng này.

VietBank hiện đang cho vay mua nhà với lãi suất 7%/năm trong 3 tháng đầu, sau đó, lãi suất cộng thêm biên độ khoảng 3 - 4%/năm. OCB cho vay mua nhà lãi suất 9,99%/năm ổn định trong 3 năm đầu giải ngân. VIB có gói tín dụng 2.000 tỷ đồng lãi suất cho vay 8,16%/năm cố định trong 30 tháng đầu, sau đó cộng thêm biên độ lãi suất khoảng 4%/năm. Vietcapital Bank cho cá nhân vay mua, sửa chữa nhà lãi suất chỉ từ 7,5%/năm trong 3 tháng đầu và 8,5%/năm trong 12 tháng đầu kể từ khi giải ngân.

Đáng chú ý, ở các NHTM cổ phần nhà nước, lãi suất cho vay mua nhà còn được ưu đãi hơn và liên kết nhiều hơn với các chủ đầu tư dự án để đẩy mạnh cho vay. Thậm chí, một dự án có nhiều ngân hàng tài trợ vốn cho khách hàng và ngược lại. Chẳng hạn, Dự án Cityland Park Hills (TP. HCM) có tổng mức đầu tư 6.281 tỷ đồng được Vietinbank tài trợ vốn cho khách hàng mua nhà, với hạn mức 70% trong vòng 15 năm; lãi suất dao động từ 8 - 9%/năm trong thời gian đầu.

Tại Vietcombank, khách hàng có nhu cầu vay vốn mua nhà đất, xây sửa nhà, mua ô tô hoặc bổ sung vốn kinh doanh ngắn hạn sẽ được hưởng mức lãi suất từ 7,99%/năm trong vòng 6 tháng đối với khoản vay từ 24 tháng trở xuống và lên tới 12 tháng với khoản vay trên 24 tháng.

Bên cạnh lãi suất ưu đãi, các ngân hàng còn tuyển dụng lượng lớn cộng tác viên tín dụng cho vay mua nhà, hay rút ngắn thời gian giải ngân vốn... để chiếm lĩnh thị phần, tăng tín dụng.

Nhưng không phải gói 30.000 tỷ đồng

Mặc dù đã rộng cửa hơn trước, đồng thời số lượng ngân hàng được tham gia gói vốn 30.000 tỷ đồng cũng được bổ sung thêm 8 ngân hàng (Eximbank, BaoVietBank, SCB, PVComBank, TPBank, OCB, VPBank, SeABank), thay vì chỉ có 5 ngân hàng như trước. Thế nhưng, qua tìm hiểu của ĐTCK, không phải nhà băng nào cũng mặn mà trong việc đẩy mạnh gói tín dụng có mức lãi suất vay ưu đãi này.

Lãnh đạo Eximbank cho biết, tiến độ giải ngân vốn của chương trình này không hơn so với các gói tín dụng thương mại cho vay mua nhà. Nguyên nhân được lãnh đạo Eximbank lý giải, những người muốn vay gói lãi suất ưu đãi 30.000 tỷ đồng mua nhà thường có mức thu nhập thấp và điều kiện căn hộ mua trị giá chỉ trên dưới 1 tỷ đồng, trong khi đó, phân khúc căn hộ để đáp ứng được các điều kiện trên trên thị trường còn khan hiếm. Vì thế, dư nợ giải ngân vẫn ở mức khiêm tốn.

Một trong những vướng mắc khiến ngân hàng không mặn mà trong việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi này chính là các thủ tục còn phức tạp. Đặc biệt là việc chứng minh chưa có nhà ở của khách hàng. Đây cũng là lý do được ông Võ Thanh Phong, Phó giám đốc BIDV chi nhánh Bắc Sài Gòn cho biết, đến nay số tiền giải ngân cho vay theo gói 30.000 tỷ đồng tại Ngân hàng mới đạt trên 307 tỷ đồng và cho một khách hàng DN. Còn đối tượng khách hàng cá nhân, mặc dù số lượng hồ sơ đề nghị được vay vốn nhiều, nhưng Ngân hàng cũng mới chỉ giải ngân được cho khoảng 20 khách hàng, với số tiền vài tỷ đồng.

Trên thực tế, đến nay vẫn rất khó để người mua nhà có thể chứng minh được tình trạng chưa có nhà và hoàn thành đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo đúng quy định đi vay, trong khi với ngân hàng, điều kiện về an toàn vốn vẫn được đặt lên hàng đầu.

“Ngân hàng chỉ tập trung giải ngân gói 30.000 tỷ đồng cho cá nhân vay mua nhà dành cho phân khúc căn hộ có giá trung bình, thấp, nhưng cũng không dễ kỳ vọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân vì phải kiểm soát kỹ và chứng minh được khả năng trả nợ của khách hàng”, một cán bộ Vietcombank chi nhánh TP. HCM nói và cho biết, ngoài gói 30.000 tỷ đồng, Vietcombank còn đẩy mạnh cho vay các gói tín dụng mua nhà thương mại khác, lãi suất cũng khá cạnh tranh.

Đáng chú ý, theo lãnh đạo các ngân hàng, kể từ khi Thông tư 01 được ban hành, việc cho vay thế chấp tài sản hình thành trong tương lai, thường rơi vào các đối tượng khách hàng muốn tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng, cũng gặp nhiều vướng mắc khi Thông tư đặt ra khá nhiều điều kiện đối với việc thế chấp trực tiếp nhà ở hình thành trong tương lai.

“Đây chính là rào cản lớn đối với ngân hàng trong việc đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ tín dụng bất động sản”, ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc VietA Bank nói.

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội được triển khai từ tháng 6/2013, nhưng tính đến 15/12/2014, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tổng số tiền đã cam kết cho vay là 9.417 tỷ đồng, đạt 31,39%; hiện đã giải ngân được 4.882 tỷ đồng, chỉ mới đạt 16,27% kế hoạch. Số liệu từ NHNN TP.HCM cũng cho biết, tính đến 31/12/2014, trên địa bàn cho vay 1.890 tỷ đồng với 3.200 khách hàng, chỉ 2 DN vay gần 500 tỷ đồng từ gói vốn hỗ trợ này.  

Tin bài liên quan