Để đảm bảo chuẩn quốc tế về an toàn vốn, các ngân hàng thương mại nhà nước đang đứng trước áp lực tăng vốn rất lớn.

Để đảm bảo chuẩn quốc tế về an toàn vốn, các ngân hàng thương mại nhà nước đang đứng trước áp lực tăng vốn rất lớn.

Ngân hàng chạy đua tăng vốn theo chuẩn Basel II

Mối lo lớn của các ngân hàng hiện nay là áp lực tăng vốn ngày càng lớn khi thời điểm áp dụng các chuẩn mực quốc tế đang đến gần.

CAR giảm

Triển vọng ngành ngân hàng năm 2018 được đánh giá tích cực, với chất lượng tài sản và nguồn vốn ngày càng cải thiện, vận động cùng chiều với triển vọng tích cực của kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, các ngân hàng cũng đứng trước một số thách thức lớn, trong số đó có áp lực tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo các tiêu chuẩn của Hiệp ước Basel II.

Vì thế, đại hội đồng cổ đông năm 2018 của hầu hết nhà băng đều đặt mục tiêu tăng mạnh vốn điều lệ, tiến tới chuẩn Basel II.  

Trong khi đó, hệ số CAR của các nhà băng tiếp tục xuống thấp. Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 2/2018, tổng tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng bất ngờ giảm 70.000 tỷ đồng so với đầu năm, xuống còn 9,93 triệu tỷ đồng.

Trong đó, tổng tài sản của các ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, CBBank, Ocean Bank, GPBank) giảm từ 4,57 triệu tỷ đồng (ngày 31/12/2017) còn 4,55 triệu tỷ đồng cuối tháng 2/2018.

Các ngân hàng thương mại cổ phần giảm từ 4,028 triệu tỷ đồng, còn 3,978 triệu tỷ đồng. Ngân hàng liên doanh, nước ngoài giảm từ 954.000 tỷ đồng, còn 940.000 tỷ đồng. 

Cùng với đó, tổng vốn tự có của hệ thống tổ chức tín dụng giảm 0,63%, còn 709.608 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, vốn tự có của ngân hàng thương mại giảm mạnh nhất (giảm 2,95%, từ 254.655 tỷ đồng, còn 247.154 tỷ đồng).

Vốn tự có giảm cũng đã kéo theo hệ số CAR tiếp tục xuống mức thấp. CAR của hệ thống giảm từ 12,23% vào cuối năm 2017, xuống mức 11,98% vào cuối tháng 2/2018.

Trong đó, CAR của các ngân hàng thương mại nhà nước giảm xuống mức 9,36%; khối ngân hàng thương mại cổ phần đứng ở mức 11,03%. 

Theo nhận định của các chuyên gia CTCP Chứng khoán Rồng Việt, hệ số CAR phân hóa khá rõ giữa nhóm ngân hàng. Theo đó, CAR của các ngân hàng tham gia thí điểm Basel II (ACB, 

VPBank, MB, Techcombank, VIB, Maritime Bank) luôn ở mức rất cao. Do vậy, các ngân hàng này có thể sẽ không gặp nhiều trở ngại đối với lộ trình trên.

Ngược lại, CAR của khối quốc doanh khá thấp, nên các ngân hàng này sẽ phải chạy đua tăng vốn trong thời gian tới. 

Áp lực gia tăng 

Mặc dù việc tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II đã được NHNN tạo điều kiện bằng cách nới thời gian thực hiện đến năm 2020, nhưng để chuẩn bị cho lộ trình trên, các ngân hàng thương mại phải có định hướng dài lâu nhằm đảm bảo tính bền vững, tránh rủi ro không đáng có. 

VietinBank đã chủ động nghiên cứu nhằm đổi mới, sáng tạo trong quá trình triển khai áp dụng chuẩn Basel II vào hoạt động quản trị rủi ro. Tuy vậy, tăng vốn vẫn là bài toán khó đối với ngân hàng này cũng như các ngân hàng còn lại. 

Theo VietinBank, những năm qua, các ngân hàng thương mại nhà nước đều đề cập vấn đề tăng vốn, nhưng chưa thực hiện được. Thực tế, VietinBank đã triển khai nhiều biện pháp như bán bớt phần vốn nhà nước, cơ cấu lại vốn tự có…, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Vì vậy, năm 2018, vấn đề tăng vốn đã được VietinBank đẩy lên mức độ cấp bách và ngân hàng này đang gấp rút chuẩn bị một số phương án bổ sung vốn điều lệ và đã trình Chính phủ phê duyệt.

Tại Vietcombank (VCB), ngân hàng này đã triển khai 24/37 sáng kiến với mục tiêu đảm bảo là ngân hàng tiên phong trong việc tuân thủ các quy định và mốc thời gian theo yêu cầu của NHNN.

Đến nay, phần lớn sáng kiến triển khai đã có kết quả ứng dụng trong hoạt động quản trị - kinh doanh, nhưng mức vốn điều lệ vẫn chưa đủ.

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, Nhà nước đang nắm tỷ lệ sở hữu chi phối và có định hướng giảm ở mức độ cho phép tại VCB, việc bán cho nhà đầu tư nước ngoài là hướng khả dĩ nhất để tăng vốn điều lệ, cải thiện hệ số CAR. 

Mới đây, theo thông tin tại Hội nghị Triển khai kế hoạch năm 2018 của VCB, Chính phủ đã duyệt và NHNN cũng đã gật đầu kế hoạch này của VCB.

Đây là kế hoạch lớn, có tính nội bộ trước khi công bố và triển khai trên thị trường, nhưng tinh thần chung là VCB sẽ phát hành riêng lẻ 10% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Cơ chế mới đã linh hoạt, mở rộng hơn, VCB có cơ hội để sớm hoàn thiện miếng ghép còn lại cho yêu cầu tăng trưởng và bứt phá từ năm 2018. 

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã có yêu cầu các ngân hàng này từ nay đến năm 2020 phải xây dựng và triển khai quyết liệt lộ trình tăng vốn tự có, đảm bảo đến cuối năm 2020 có mức vốn tự có và tỷ lệ an toàn vốn đáp ứng theo chuẩn mực vốn Basel II.

Như vậy, hầu hết nhà băng (cả lớn và nhỏ) đều phải nỗ lực tăng vốn điều lệ kể từ năm nay, song không phải nhà băng nào cũng có khả năng hoàn thành được kế hoạch tăng vốn, dù đã triển khai trong nhiều năm.

Tin bài liên quan