VPBank đã điều chỉnh một số cân đối trong hoạt động theo định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 17%, thay vì 15%

VPBank đã điều chỉnh một số cân đối trong hoạt động theo định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 17%, thay vì 15%

Ngân hàng chạy đua bán lẻ, tăng thu phí

Nhiều khả năng, tín dụng năm 2019 sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khống chế ở mức 14-15%. Điều này khiến các ngân hàng phải lên kế hoạch cắt giảm chi phí, đẩy mạnh mảng bán lẻ và chạy đua phát triển mảng dịch vụ, giảm phụ thuộc vào tín dụng.

Tín dụng ngày càng thắt chặt

Bất chấp việc có thêm vài ngân hàng được nới nhẹ room (theo Công ty cổ phần Chứng khoánBảo Việt - BVSC là MB và VPBank), tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống năm 2018 dự kiến vẫn không đạt chỉ tiêu. Số liệu của NHNN cho thấy, đến cuối tháng 11/2018, tín dụng mới tăng 12%.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, khả năng năm 2018, tín dụng chỉ tăng không quá 15%. Năm 2019, tín dụng cũng chỉ tăng ở mức này để đề phòng lạm phát và đảm bảo an toàn thanh khoản cho các nhà băng.

Hiện NHNN chưa công bố kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2019, song với dư nợ tín dụng/GDP ở nước ta đã ở mức cao (130%), lạm phát diễn biến khó lường, nhiều khả năng, NHNN sẽ siết chặt tăng trưởng tín dụng hơn trong năm tới. 

Thực tế, ngay cả khi NHNN không co hẹp chỉ tiêu, thì các ngân hàng thương mại cũng sẽ phải cân nhắc hơn tăng trưởng tín dụng trong năm tới do một số quy định mới có hiệu lực.

Cụ thể, quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ giảm từ 45% hiện nay xuống còn 40% từ đầu năm 2019 và việc áp dụng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel mới có hiệu lực từ đầu năm 2020 sẽ buộc nhà băng phải giảm vốn cho vay ra.

“Lãi suất có thể tăng nhẹ trong năm 2019 sẽ làm doanh nghiệp thận trọng hơn khi vay vốn”, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế dự báo.

Nhìn về khía cạnh tích cực, tín dụng tăng chậm lại trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mục tiêu đề ra cho thấy, dòng vốn ngân hàng đã được sử dụng hiệu quả hơn, đi vào những lĩnh vực mà NHNN ưu tiên, khuyến khích. Điều này cũng phát đi thông điệp cho các ngân hàng thương mại trong xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng năm 2019.

Liên quan đến kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2019, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho rằng, con số ở mức 14-15% là phù hợp với dự báo lạm phát và sức hấp thụ của nền kinh tế.

Ngân hàng đau đầu lên kế hoạch lợi nhuận 2019 

Dù không được nới room tín dụng vào nửa cuối năm như thường lệ, song lợi nhuận năm 2018 của ngành ngân hàng được dự báo khả quan. TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng phân tích, thu từ tín dụng của các ngân hàng vẫn đạt tốt, chiếm phần lớn lợi nhuận, thu từ dịch vụ phi tín dụng tăng mạnh. Xử lý nợ xấu được đẩy mạnh cũng mang về nguồn thu lớn cho ngân hàng... Dù vậy, lợi nhuận ngân hàng năm 2019 có thể không tươi sáng như năm nay do tín dụng bị thắt chặt.

Trước nguy cơ trên, nhiều ngân hàng đang lên kế hoạch cắt giảm chi phí, đẩy mạnh mảng bán lẻ và chạy đua phát triển mảng dịch vụ, giảm phụ thuộc vào tín dụng. “Năm nay, các ngân hàng đã giảm dần thu từ tín dụng, tăng dần thu từ dịch vụ và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2019 và 2020, khi Basel II được áp dụng ”, đại diện ABBank cho biết.

Hiện doanh thu từ tín dụng của nhiều ngân hàng đã giảm từ 80 - 85% xuống còn 70 - 75%. Lĩnh vực dịch vụ được nhiều nhà băng tập trung đẩy mạnh, nhất là liên kết bán bảo hiểm theo hình thức độc quyền. Một số lĩnh vực khác được ngân hàng dự kiến đẩy mạnh để giảm tác động tiêu cực từ việc siết tín dụng là: kinh doanh ngoại hối, chứng khoán, tư vấn bán trái phiếu cho khách hàng, tư vấn tài khoản cho khách hàng, đẩy mạnh thu hồi nợ xấu…

Riêng về lĩnh vực tín dụng, nhiều nhà băng cũng đang lập kế hoạch thay đổi mạnh mẽ cơ cấu cho vay theo hướng đẩy mạnh bán lẻ. “Tín dụng được tăng ít, nên phải tập trung vào những lĩnh vực sinh lời cao”, tổng giám đốc một ngân hàng đang nổi lên thời gian gần đây về lợi nhuận chia sẻ.

Theo nhiều ngân hàng, việc tập trung cho vay mảng bán lẻ thời gian qua giúp họ cho vay ít nhưng vẫn đạt lợi nhuận cao nhờ chênh lệch lãi suất huy động/cho vay được cải thiện mạnh mẽ (lên tới trên 3%, cao hơn gần 1% so với trước đây).

Nguồn thu tín dụng bị ảnh hưởng

Theo TS. Bùi Quang Tín, lợi nhuận ngân hàng năm 2019 có thể sẽ không còn sáng sủa như năm 2018. Việc NHNN siết chặt tăng trưởng tín dụng, nắn dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên có thể sẽ khiến tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc áp dụng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ đầu năm 2019 và áp dụng Basel II từ đầu năm 2020 cũng khiến nguồn thu của các nhà băng bị sụt giảm.

Tin bài liên quan