Ngân hàng cam kết hỗ trợ 8.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Ngân hàng cam kết hỗ trợ 8.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

(ĐTCK) Sáng 11/12, tại Phú Thọ, UBND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Phú Thọ năm 2015.

Ông Bùi Minh Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, thời gian qua, kinh tế Phú Thọ phát triển khá, với tốc độ tăng GDP bình quân từ năm 2010-2015 đạt 6-7%/năm; Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người năm 2015 đạt 29,5 triệu đồng; thu ngân sách tăng 1,34 lần so với năm 2010, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn ổn định.

Đến hết tháng 11 năm 2015, toàn tỉnh đã thu hút 458 dự án, trong đó có 111 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư gần 603,3 triệu USD và 347 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư tăng trên 34.000 tỷ đồng.

“Phú Thọ cần có chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích các loại hình đầu tư vào tỉnh, đảm bảo theo quy hoạch phát triển bền vững, phát triển xanh bảo vệ môi trường cho người dân…” - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Đánh giá cao những kết quả Phú Thọ đã đạt được trong thời gian qua, nhưng phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Phú Thọ vẫn đang phát triển dưới tiềm năng, cần có hướng đầu tư nào để các doanh nghiệp tham gia đầu tư…

Theo Phó thủ tướng, Phú Thọ cần tập trung xử lý 4 đột phá tỉnh đặt ra, đó là kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển du lịch địa phương; phân bổ nguồn lực hợp lý, nhất là đất đai, kêu gọi đầu tư nguồn trong và ngoài nước; xúc tiến đầu tư mạnh mẽ hơn; tiếp tục cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, coi sự thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư là thành công tỉnh; đào tạo nguồn nhân lực tốt để người dân hưởng lợi từ đầu tư…

“Phú Thọ cần có chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích các loại hình đầu tư vào tỉnh, đảm bảo theo quy hoạch phát triển bền vững, phát triển xanh bảo vệ môi trường cho người dân…”, Phó thủ tướng nói.

Trao đổi tại Hội nghị, ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại Hà Nội đã chỉ ra những vấn đề mà Phú Thọ cần phải khắc phục để có thể thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.

Cụ thể, Phú Thọ cần có sự phát triển hơn nữa về cơ sở hạ tầng, bởi cơ sở hạ tầng của địa phương nhiều nơi đã xuống cấp. Đặc biệt, tỉnh còn thiếu những khu cư trú và môi trường sống phù hợp với người nước ngoài. Tỉnh cũng cần xây dựng các nhà máy cho thuê dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, Phú Thọ cần chú trọng hơn nữa tới công tác phát triển về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực được đào tạo trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo và thành thạo ngoạn ngữ.

Một vấn đề nữa là tỉnh cần có những quảng bá bằng tiếng Anh và tiếng Nhật cho nhà đầu tư nước ngoài và khách du lịch. Ngoài ra, tỉnh cũng cần quan tâm hơn nữa đến các nhà đầu tư hiện đang hoạt động tại tỉnh.

Là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Tập đoàn Mcleod Russel, đã có 20 năm xây dựng và phát triển tại Phú Thọ, ông Syed Nishat Hussanin, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chè Phú Bền kiến nghị: “Cơ quan chức năng nên cho phép làm thủ tục cấp C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa) tại điểm thông quan Thụy Vân. Nếu làm được việc này, thì toàn bộ các thủ tục liên quan đến xuất khẩu hàng hóa sẽ được kịp thời, có lợi cả cho doanh nghiệp, lẫn địa phương”.

Về vấn đề vốn, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank chia sẻ, tỉnh Phú Thọ là một trong những tỉnh trọng điểm mà VietinBank đẩy mạnh phát triển mạng lưới với 4 chi nhánh. Tổng dư nợ tín dụng đạt 5.988 tỷ đồng, chiếm 39% tổng dư nợ khách hàng doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng. Thời gian tới, VietinBank dự kiến ký kết cam kết tham gia tài trợ vốn và đồng hành cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong các chương trình thúc đẩy kinh doanh, các dự án trọng điểm phát triển kinh tế-xã hội của Phú Thọ.

Các dự án tiêu biểu được điểm tên như Dự án Nhà máy gạch của CTCP Gạch men Tasa tại Khu công nghiệp Thụy Vân với tổng mức đầu tư 1.350 tỷ đồng; Dự án đầu tư dây chuyền sản xuất giấy 25.000 tấn/năm của CTCP Giấy Việt Trì  với tổng vốn đầu tư 412 tỷ đồng; Dự án xây dựng Cảng tổng hợp Hải Linh với tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng; Dự án đầu tư chuyển đổi công nghệ sản xuất xuất theo công nghệ màng trao đổi ion 20.000 tấn/năm của Công ty Hóa chất Việt Trì với tổng vốn đầu tư 255 tỷ đồng; Dự án nhà máy linh kiện điện tử của Công ty TNHH Công nghệ Namuga Phú Thọ với mức đầu tư 20 triệu USD…

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng có các chương trình, chính sách cụ thể tham gia vào quá trình phát triển của tỉnh. Đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư tăng cường đầu tư cho vay phát triển kinh tế-xã hội gắn với quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hình thành các khu kinh tế, đẩy mạnh tập trung. Đồng thời, triển khai các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, nâng cao đời sống của nhân dân.

Tại hội nghị, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ ký kết cam kết hỗ trợ vốn giữa các ngân hàng thương mại trong nước với tổng trị giá hơn 8.000 tỷ đồng. Đồng thời, ngành ngân hàng cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ thông qua việc tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

 

Phú Thọ là tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, giáp ranh với 5 tỉnh, thành là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Yên Bái và Tuyên Quang. Với vị trí này, Phú Thọ đóng vai trò là trung tâm vùng, cửa ngõ phía Tây Bắc của Vùng Thủ đô Hà Nội, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Đồng bằng sông Hồng, nằm trên trục hành lang kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Côn Minh.

Với vị trí địa lý đó, Phú Thọ hội tụ các điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao thương với các vùng trong nước và quốc tế; song sự phát triển trong những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Tin bài liên quan