Dòng vốn từ các quỹ đầu tư ngoại đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các ngân hàng trong nước

Dòng vốn từ các quỹ đầu tư ngoại đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các ngân hàng trong nước

Ngân hàng bán vốn ngoại, nhưng không còn “chiến lược”

(ĐTCK) Thu hút vốn ngoại vẫn là mục tiêu của nhiều ngân hàng trong năm nay, nhưng diễn biến có phần khác khi các nhà băng không còn đặt vấn đề tìm nhà đầu tư chiến lược.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2018 của VIB tổ chức giữa tuần qua, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, Ngân hàng đang thảo luận với 5 nhà đầu tư nước ngoài có trụ sở tại Mỹ, EU và Nhật Bản về việc bán cổ phiếu quỹ.

“Chúng tôi thấy thời điểm hiện tại thuận lợi cho việc bán cổ phiếu quỹ. Một số ngân hàng nước ngoài và một lượng lớn quỹ đầu tư đang xem Việt Nam là điểm đến. Họ thực sự rất quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam”, ông Vỹ nói.

Bên lề Đại hội, ông Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank chia sẻ: “Một quỹ đầu tư của Na Uy đã tìm hiểu và rất muốn mua cổ phiếu của LienVietPostBank với mức giá trên 30.000 đồng/cổ phần, nhưng Ban lãnh đạo chưa đưa ra quyết định”.

Giữa tháng 3 vừa qua, tại Đại hội đồng cổ đông, lãnh đạo VPBank cũng thông báo kế hoạch phát hành riêng lẻ với tổng số cổ phần tương đương với 15% cổ phiếu phổ thông của Ngân hàng được ghi nhận tại thời điểm diễn ra Đại hội cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2017, VPBank báo cáo 1,57 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, trong đó 1.497 tỷ đồng là cổ phiếu phổ thông.

Thu hút nhà đầu tư chiến lược ngoại không còn là xu hướng của các ngân hàng hiện nay. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, điều này cũng không khó hiểu khi thời gian qua, các nhà đầu tư chiến lược liên tục thoái vốn khỏi các ngân hàng.

Gần đây nhất, đầu năm 2018, cổ đông ngoại là Tập đoàn BNP Paribas đã thoái toàn bộ vốn góp khỏi OCB. Tuy nhiên, thông tin về bên nhận chuyển nhượng hơn 74 triệu cổ phiếu của BNP Paribas chưa được công bố. BNP Paribas là nhà chiến lược, đầu tư 10% vốn vào OCB kể từ năm 2007 và tăng dần tỷ lệ sở hữu lên 20% vốn điều lệ kể từ năm 2011.

Cũng đầu năm nay, Standard Chartered Bank đã chấm dứt vai trò nhà đầu tư chiến lược hơn 12 năm đầu tư tại ACB. Cụ thể, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã ra thông báo về việc 2 cổ đông lớn nhất của ACB là Standard Chartered APR Limited và Standard Chartered Bank (Hong Kong) Limited đã chuyển nhượng toàn bộ 154 triệu quyền sở hữu cổ phiếu sang các nhà đầu tư khác.

Năm 2017, thị trường cũng chứng kiến HSBC thoái vốn khỏi Techcombank sau gần 12 năm gắn bó. Trước đó, năm 2012, ANZ thoái vốn khỏi Sacombank…

TS. Hiếu cho biết: “Các quỹ đầu tư có nguồn vốn chủ yếu từ nhà đầu tư nhỏ lẻ, các quỹ này không tham gia vào điều hành mà đơn giản là đầu tư vào để tìm kiếm lợi nhuận. Xu hướng kinh tế chung của Việt Nam tốt trong thời gian qua được thể hiện qua các chỉ số kinh tế vĩ mô, nên hấp dẫn các quỹ đầu tư nước ngoài. Và thực tế cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài là khối chủ lực mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua”.

Techcombank vừa có thông báo về Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc triển khai phương án bán cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư trong nước/nước ngoài đợt 2. Theo đó, sẽ bán toàn bộ 64.411.157 cổ phiếu quỹ (5,58% tổng số cổ phiếu đang lưu hành). Đây là lượng cổ phiếu quỹ còn lại sau khi đã trừ đi số cổ phiếu quỹ bán cho người lao động theo chương trình ESOP và cổ phiếu quỹ bán cho nhà đầu tư trong đợt 1.

Ngay đầu tháng 3 vừa qua, Techcombank đã công bố khoản đầu tư hơn 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) từ hai nhà đầu tư pháp nhân độc lập được quản lý bởi Warburg Pincus - Công ty Quản lý Quỹ hàng đầu thế giới chuyên đầu tư vào các công ty có tiềm năng tăng trưởng dài hạn.

Theo Techcombank, giao dịch này được cho biết sẽ cung cấp vốn giúp Techcombank hiện thực hóa những mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng và tiếp tục củng cố vị trí ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam, đồng thời nâng tổng số cam kết đầu tư của các công ty do Warburg Pincus quản lý tại Việt Nam lên trên 1 tỷ USD.

Xu hướng vốn ngoại vào ngân hàng Việt Nam với mục đích đầu tư tài chính đơn thuần cũng có thể nhìn thấy rõ qua diễn biến trong những tháng cuối năm 2017, 76 nhà đầu tư nước ngoài là quỹ đầu tư và ngân hàng nước ngoài như Credit Saison (Nhật Bản), Deutsche Bank AG (Đức), JPMorgan Vietnam Opportunities Fund, CAM Bank (Nhật Bản), Dragon Capital, VinaCapital, Macquarie Bank (Úc), PYN Elite... đã chi 300 triệu USD, tương đương hơn 6.800 tỷ đồng để mua cổ phần HBBank, mỗi nhà đầu tư không sở hữu quá 3% vốn của ngân hàng này.

Tin bài liên quan