Các ngân hàng ngoại khi đổ bộ vào Việt Nam nhanh chóng mở rộng sang mảng dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ

Các ngân hàng ngoại khi đổ bộ vào Việt Nam nhanh chóng mở rộng sang mảng dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ

Ngân hàng 100% vốn ngoại “đổ bộ” thị trường nội

(ĐTCK) Thay vì mua lại cổ phần của nhà băng trong nước, hiện tại, các tập đoàn tài chính nước ngoài đã chuyển hướng sang thành lập ngân hàng con 100% vốn ngoại tại Việt Nam.

Mới đây, thị trường tài chính Việt Nam đón nhận thêm một nhà băng 100% vốn ngoại, khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận sơ bộ để Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) thành lập ngân hàng con. Đây cũng là ngân hàng Singapore đầu tiên nhận được chấp thuận này.

Trước đó, trên thị trường xuất hiện thông tin, nhiều khả năng UOB sẽ mua lại 100% vốn của GPBank để nắm quyền sở hữu và đẩy mạnh tái cấu trúc nhà băng này. Tuy chủ trương đã được chấp thuận, nhưng do nhóm cổ đông của nhà băng nội không đi đến đồng nhất nên thương vụ bất thành.

Cùng với đó, khoản đầu tư 20% của UOB tại SouthernBank trong nhiều năm trước không mang lại hiệu quả, thậm chí tỷ lệ sở hữu bị giảm xuống sau khi Sacombank hoàn tất việc sáp nhập SouthernBank vào cuối năm 2016.

Trước diễn biến này, một số ý kiến cho rằng, UOB đã không còn mặn mà việc góp vốn, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại nhà băng nội, thay vào đó chuyển hướng sang xúc tiến, xin phép thành lập ngân hàng con 100% vốn ngoại.

Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của UOB Wee Ee Cheong cho biết, Ngân hàng kỳ vọng sẽ tiếp tục hợp tác với các ban ngành tài chính địa phương để đóng góp cho quá trình phát triển và hội nhập, cũng như hỗ trợ hoạt động tài chính của doanh nghiệp và người dân Việt Nam, nhất là khi Tập đoàn được thành lập ngân hàng con tại đây.

Như vậy, UOB trở thành ngân hàng 100% vốn ngoại thứ 9 có mặt tại thị trường tài chính Việt Nam, sau những cái tên: Woori Bank (Hàn Quốc); Public Bank Berhad (Malaysia); ANZ Việt Nam; Hong Leong Việt Nam; HSBC Việt Nam; Shinhan Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam và CIMB Bank Berhad.

Trước đó, vào tháng 9/2016, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài của CIMB Bank Berhad tại Việt Nam, với mức vốn điều lệ 3.203 tỷ đồng. Đây là ngân hàng 100% vốn Malaysia thứ 2 được cấp phép thành lập. Sau đó, tới tháng 11/2016, Ngân hàng con Woori Bank Việt Nam đã chính thức ra mắt.

Ông Lee Kwang Goo, Tổng giám đốc Woori cho rằng, Woori Việt Nam sẽ tiến lại gần thêm một bước nữa với thị trường Việt Nam, giúp khách hàng tin tưởng và an tâm sử dụng dịch vụ của Ngân hàng.

Việc những ngân hàng con 100% vốn nước ngoài hiện hữu tại thị trường tài chính Việt Nam đang tạo nên sức ép cạnh tranh với nhà băng nội và sức ép này sẽ còn mạnh thêm khi sắp tới, số lượng ngân hàng vốn ngoại ngày càng gia tăng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận về nguyên tắc cho Tập đoàn Citi (Mỹ) mở ngân hàng tại Việt Nam, hay Ngân hàng E.SUN (Đài Loan) sau khi mở cửa tại tỉnh Đồng Nai, nếu trong tương lai có đủ điều kiện sẽ phát triển thành ngân hàng con 100% vốn nước ngoài.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính - tiền tệ, việc “đổ bộ” của ngân hàng con 100% vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam không những nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch hóa thị trường, mà còn thay đổi cơ cấu nguồn thu của ngân hàng trong nước.

Thực tế, do có lợi thế là mạng lưới rộng lớn, cùng nhiều kinh nghiệm hoạt động trên thị trường quốc tế, các ngân hàng ngoại khi đổ bộ vào Việt Nam nhanh chóng mở rộng sang mảng dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ, trong đó có HSBC và Standard Chartered. Các ngân hàng nội địa, hiện đang đối mặt với áp lực tái cơ cấu, sẽ cần nỗ lực nhiều hơn nữa để cạnh tranh.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, nếu không có sự chuẩn bị, đầu tư công nghệ, các nhà băng nội sẽ lép vế trong cuộc chiến này.

Thực tế, các ngân hàng trong nước đều đặt kế hoạch mở rộng khách hàng sang khối ngoại, song để thực hiện được không dễ. Bởi các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam hầu như nắm trọn khối doanh nghiệp FDI và đang vươn sang khách hàng trong nước.

Với nhóm khách hàng cá nhân, nhà băng ngoại “tấn công” bằng dịch vụ thẻ, tín dụng tiêu dùng, mua nhà... thông qua ngân hàng di động - mobile banking, ngân hàng điện tử - internet banking. Vì vậy, việc chưa có mạng lưới phủ khắp đất nước như ngân hàng nội không phải là rào cản đối với họ.

Tin bài liên quan