Tỷ giá dự kiến sẽ tăng do lãi suất VND thấp và tác động gián tiếp của việc Fed nâng lãi suất

Tỷ giá dự kiến sẽ tăng do lãi suất VND thấp và tác động gián tiếp của việc Fed nâng lãi suất

Nếu Fed nâng lãi suất, tỷ giá ra sao?

(ĐTCK) Việc Ngân hàng Nhà nước neo tỷ giá trung tâm lên mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay đã thu hút sự chú ý của các thành viên thị trường. Theo nhiều chuyên gia, tỷ giá VND/USD dự kiến sẽ tăng vào nửa đầu tháng 6, trước khi được điều chỉnh giảm ổn định trở lại.

Diễn biến tỷ giá

Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã neo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức đỉnh của năm 2017: 22.406 VND/USD. Theo đó, với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng là 23.078 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.734 VND/USD. Bên cạnh đó, tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN là 22.675 - 23.058 VND/USD (mua vào - bán ra).

Trái ngược với diễn biến này, tỷ giá VND/USD tại một số ngân hàng thương mại lại được điều chỉnh giảm mạnh. Vietcombank và BIDV cuối tuần trước cùng niêm yết tỷ giá VND/USD ở mức 22.650 - 22.720 VND/USD (mua vào - bán ra), trong đó, Vietcombank giảm 25 đồng chiều mua vào và giảm 45 đồng chiều bán ra so với giá ngày 8/6. VietinBank giảm 15 đồng ở cả hai chiều mua vào - bán ra, xuống mức 22.655 - 22.725 VND/USD.

Tương tự, tại khối các ngân hàng thương mại cổ phần, ACB và DongABank đều giảm giá USD 10 đồng ở cả hai chiều mua - bán, xuống còn 22.650 - 22.720 VND/USD (mua vào - bán ra). Eximbank đang niêm yết tỷ giá VND/USD với giá 22.650 - 22.730 VND/USD (mua vào - bán ra), giảm 10 đồng ở cả hai chiều. Trong khi Techcombank giảm 30 đồng chiều mua vào và giảm tới 40 đồng chiều bán ra, giao dịch ở mức 22.640 - 22.735 VND/USD.

Tại thị trường tự do, theo khảo sát của Đầu tư Chứng khoán, giá USD mua vào phổ biến ở mức 22.630 VND/USD và cao nhất ở mức 22.655 đồng, trong khi giá bán ra dao động trong biên độ hẹp hơn 22.725 - 22.740 VND/USD. Đối với thị trường tự do tại Hà Nội, giá USD mua vào ở mức 21.820 - 21.830 VND/USD và bán ra ở mức 21.850 - 21.860 VND/USD.

Tỷ giá sẽ tăng trong tháng 6?

Báo cáo mới nhất của Nhóm Nghiên cứu, Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV cho rằng, tỷ giá trong tháng 6 được hỗ trợ giảm từ nhiều yếu tố thuộc cung cầu. Chẳng hạn, tính đến ngày 20/5/2017, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 6,15 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016. Theo đó, hệ thống ngân hàng tiếp tục đón nhận nguồn cung ngoại tệ trong bối cảnh các ngân hàng/tổ chức tài chính vốn đang nắm giữ một lượng USD dồi dào trong những tháng trước đó. 

“Ước tính các ngân hàng đang có nguồn dự trữ có thể lên tới 300 - 500 triệu USD. Đây là bệ đỡ hiệu quả cho nhu cầu ngoại tệ trong ngắn hạn của doanh nghiệp, hạn chế khả năng tăng của tỷ giá trong tháng 6”, một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định.

Đồng thời, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong tháng 6 dự kiến tiếp tục tăng trưởng và bổ sung tích cực cho nguồn cung ngoại hối khi FDI cam kết năm nay đã tăng 17% từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ năm 2016. Dự kiến việc giải ngân vốn FDI trong tháng 6 sẽ đạt khoảng 1,31 - 1,49 tỷ USD, tiếp tục là mức tích cực so với các tháng trước.

Nếu Fed nâng lãi suất, tỷ giá ra sao? ảnh 1

Ngoài ra, cán cân thương mại trong tháng 6 có thể thoát khỏi xu hướng thâm hụt của những tháng trước đó. Dự kiến trong tháng 6, cán cân thương mại sẽ chuyển về mức cân bằng hoặc thặng dư nhẹ khoảng 300 triệu USD, hỗ trợ nguồn cung ngoại tệ cũng như làm giảm lo ngại về vấn đề nhập siêu, tạo tâm lý tích cực cho thị trường.

Một lãnh đạo TPBank cho biết, thị trường hiện đang xuất hiện những thông tin về một số hoạt động đầu tư chiến lược của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp trong nước. Một số thương vụ đã diễn ra trong tháng 5 và có thể tiếp tục trong  tháng 6. Nếu hoạt động này được thực hiện sẽ bổ sung khoảng 500 - 700 triệu USD cho thị trường.

Trong khi đó, tại thị trường quốc tế, sức mạnh của đồng USD dự kiến duy trì ở mức thấp do các chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa tạo ra đột phá. Chưa kể, rủi ro chính trị tại Mỹ ngày càng gia tăng, trong khi các nền kinh tế lớn khác như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Trung Quốc đều có dấu hiệu tăng trưởng tích cực.

Mặc dù vậy, bên cạnh những yếu tố hỗ trợ, tỷ giá vẫn chịu áp lực mang tính thời điểm vào đầu tháng 6, theo chia sẻ từ lãnh đạo các ngân hàng, như lãi suất VND đang ở mức thấp, tác động làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ USD, hỗ trợ các tổ chức tăng cường nắm giữ ngoại tệ.

Trong cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhiều khả năng Fed sẽ đưa ra quyết định nâng lãi suất thêm 0,25%. Mặc dù khác nhau về mức độ, nhưng các chu kỳ nâng lãi suất của Fed trong những năm qua đều có tác động tăng tỷ giá, đặc biệt là vào giai đoạn trước khi quyết định nâng lãi suất được đưa ra.

Nếu Fed nâng lãi suất, tỷ giá ra sao? ảnh 2

“Bên cạnh đó, sự kiện cựu Giám đốc FBI Comey khẳng định Tổng thống Trump yêu cầu ông chấm dứt việc điều tra về mối liên hệ giữa ông Trump và Nga khiến các rủi ro chính trị tại Mỹ trở nên đáng lo ngại hơn. Thị trường toàn cầu sẽ theo dõi tiếp các diễn biến mới, đồng thời chờ đợi thông tin đến từ cuộc bầu cử tại Anh. Điều này sẽ phần nào khiến tỷ giá bị ảnh hưởng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Một lãnh đạo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, trong khoảng thời gian còn lại của năm 2017, tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu tăng cao.

Ngoài ra, theo BIDV, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng tỷ giá trung tâm là nhằm tạo ra tâm lý kỳ vọng tỷ giá có thể tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc trần tỷ giá đang có khoảng cách khoảng 1,5% so với tỷ giá mở cửa tháng (là mức khá cao theo lịch sử) cũng tạo ra kỳ vọng tỷ giá tăng trong tháng 6.

Điểm đáng lưu ý đó là diễn biến lãi suất USD liên ngân hàng trong tháng 6 sẽ có xu hướng tăng nhẹ so với tháng 5. Dự báo, mặt bằng lãi suất có thể tăng nhẹ thêm 0,1 - 0,2%/năm, lên quanh mức 1,3 - 1,5%/năm kỳ hạn qua đêm - 1 tuần. Theo nhận định của Ban Nghiên cứu BIDV, mặc dù thanh khoản ngoại tệ của hệ thống vẫn được đảm bảo, các yếu tố tạo áp lực tăng lên lãi suất có biểu hiện rõ nét hơn trong tháng 6.

Nguyên do của vấn đề này được chỉ rõ là tín dụng USD tăng trưởng tích cực trong 5 tháng đầu năm, đạt mức khoảng hơn 7% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng khi diễn biến tỷ giá được dự báo duy trì ổn định trong tháng 6. Trong khi đó, huy động vốn USD có xu hướng giảm trong tháng 5 và biến động khá mạnh theo thời gian kéo chênh lệch huy động vốn tín dụng ngoại tệ theo xu hướng thu hẹp, nhưng nhìn chung vẫn ở mức cao. Việc Fed nhiều khả năng tăng lãi suất trong phiên họp tháng 6 kéo theo xu hướng tăng của lãi suất USD trên thị trường quốc tế và phần nào tạo áp lực lên diễn biến lãi suất trong nước.

Trong khi đó, dự báo thanh khoản đồng Việt Nam trên thị trường tiếp tục dồi dào trong tháng 6/2017. Mặt bằng lãi suất có thể tăng nhẹ so với mức cuối tháng 5 nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp, dao động phổ biến trong khoảng 2,5 - 3,0%/năm đối với kỳ hạn qua đêm - 1 tuần.

“Trong tháng 6, tỷ giá dự kiến sẽ tăng do lãi suất VND thấp và tác động gián tiếp của việc Fed nâng lãi suất. Sau đó, tỷ giá sẽ giảm trở lại khi nguồn cung dư thừa. Dự đoán tỷ giá nửa đầu tháng 6 sẽ dao động trong biên độ 22.700 - 22.780 VND/USD, sau đó, trong nửa tháng tiếp theo, tỷ giá giảm về 22.675 - 22.750 VND/USD”, BIDV nhận định.

Tin bài liên quan