NCB được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 5.000 tỷ đồng

NCB được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 5.000 tỷ đồng

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có Văn bản số 9256/NHNN-TTGSNH, chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) tăng vốn điều lệ.

Theo đó, NHNN chấp thuận việc NCB tăng vốn điều lệ từ hơn 3.010 tỷ đồng lên hơn 5.004,6 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên NCB và cổ đông hiện hữu theo phương án tăng vốn đã được Đại hội đồng cổ đông NCB thông qua tại Nghị quyết số 25/NQ.ĐHĐCĐ 2018 ngày 26/4/2018 và được Hội đồng quản trị NCB thông qua tại Nghị quyết số 60/2018/NQ-HĐQT ngày 8/10/2018.

Đối với phương án xử lý cổ phiếu lẻ phát sinh và cổ phiếu không chào bán hết, NHNN sẽ xem xét, có ý kiến sau khi NCB trình phương án xử lý cụ thể, trong đó nêu rõ đối tượng, số lượng cổ phần dự kiến mua; tỷ lệ sở hữu cổ phần dự kiến của đối tượng này và người có liên quan tại NCB sau khi mua cổ phần.

NCB có trách nhiệm thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật, bao gồm việc tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông, cổ đông và người có liên quan theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng cùng các văn bản hướng dẫn liên quan của NHNN sau khi tăng vốn.

Các nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của cổ đông theo đúng quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng. Trong đó, lưu ý cổ đông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của nguồn vốn góp, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần tại các tổ chức tín dụng.

Không được sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của tổ chức tín dụng; không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp uỷ thác theo quy định của pháp luật. Sau khi hoàn tất các thủ tục tăng vốn, NCB có trách nhiệm nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi mức vốn điều lệ tại Giấy phép cho NHNN.

Văn bản này này có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký. Trường hợp việc tăng vốn điều lệ chưa hoàn tất trong thời hạn cho phép hoặc nếu Đại hội đồng cổ đông NCB thông qua việc thay đổi Phương án tăng vốn điều lệ đã được NHNN chấp thuận, văn bản này hết hiệu lực pháp lý.

Theo TS, Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập, chấp thuận của NHNN về kế hoạch tăng vốn của NCB lên 5.000 tỷ đồng là một điều tích cực cho NCB. Việc cho phép tăng vốn có thể xem như “giấy khám sức khỏe” tốt (Clean Bill of health) mà NHNN trao cho NCB.

“Việc cho phép tăng vốn mang ý nghĩa là NHNN đã xem xét khả năng tăng vốn và khả năng của NCB sử dụng vốn đó ra sao. Trên nguyên tắc, việc tăng vốn tạo điều kiện cho NCB mở rộng hoạt động kinh doanh và Ngân hàng tăng vốn phải có đủ điều kiện thích hợp để phát triển từ cơ sở hoạt động đến con người, chế độ quản lý rủi ro, mạng lưới…”, TS. Hiếu cho biết.

Mới đây, NCB cũng đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) riêng lẻ và hợp nhất quý III/2018 với lợi nhuận trước thuế lũy kế tăng 80% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế lũy kế cũng tăng 90% gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.273 tỷ đồng.

Theo BCTC hợp nhất, trong kỳ, nhìn chung các hoạt động đều có sự tăng trưởng, thu nhập từ các hoạt động dịch vụ nhận được tăng đột biến, lên đến gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tiền thu các khoản nợ được xử lý xoá bù đắp nguồn rủi ro cũng tăng đáng kể. Cho vay tăng gần 2.600 tỷ đồng so với đầu năm, huy động tăng gần 7.800 tỷ so với đầu năm.

Trên sàn chứng khoán, mã cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc Dân giá tăng mạnh mẽ, lọt Top 20 mã vốn hóa lớn trên HNX. So với trước khi có nhóm cổ đông mới, thì hiện nay, NVB là 1 trong những cổ phiếu đước các nhà đầu tư quan tâm nhất trên thị trường, tính thanh khoản của cổ phiếu tăng cả về giá và khối lượng giao dịch. 

Khối lượng giao dịch các phiên đạt cao, từ 1-2 triệu cổ phiếu/phiên. Điểm đặc biệt, có nhiều giao dịch thỏa thuận ở cổ phiếu này đã diễn ra từ tháng 8 tới nay, trong đó có tới 2 phiên lên đến 5 triệu cổ phiếu trao tay mỗi phiên (phiên 30/8 và 15/8) – gấp 3 lần so với bình quân giao dịch.

Tin bài liên quan