Nâng tầm quản trị rủi ro ngân hàng theo thông lệ tiên tiến

Nâng tầm quản trị rủi ro ngân hàng theo thông lệ tiên tiến

(ĐTCK) Thông tư 13/2018/TT-NHNN (Thông tư 13) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 13/5/2018 đã đưa ra các yêu cầu cụ thể và toàn diện về hệ thống kiểm soát nội bộ cũng như quản lý rủi ro của ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam. 

Về phương diện quản lý rủi ro, Thông tư 13 là một bước tiến mới, tạo đà thúc đẩy công tác quản trị rủi ro ở các ngân hàng hướng tới thông lệ quản trị rủi ro tiên tiến. Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích mang lại từ việc thực hiện Thông tư 13, các ngân hàng có thể gặp phải một số khó khăn, thách thức nhất định.

Điểm mới về quản trị rủi ro trong Thông tư 13

Sau Thông tư 41/2016/TT-NHNN (Thông tư 41) tương đương với các yêu cầu tính vốn Basel II - Trụ cột 1 - phương pháp tiêu chuẩn, Thông tư 13 hướng tới các yêu cầu nâng cao hơn như xây dựng Hệ thống xếp hạng (Trụ cột 1 - Rủi ro tín dụng - Phương pháp mô hình nội bộ), hay Đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (tương đương ICAAP - Trụ cột 2).

Bà Nguyễn Anh Thơ, Phó tổng giám đốc Quản trị rủi ro, Deloitte Việt Nam.

Một là, tính toán xác suất vỡ nợ của khách hàng. Nếu như Thông tư 02/2013/TT-NHNN chỉ dừng lại ở việc đề cập đến hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ cần dựa theo các tiêu chí định lượng và định tính, chưa yêu cầu tính xác suất vỡ nợ của khách hàng thì trong Thông tư 13, NHNN yêu cầu hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ đảm bảo lượng hóa tiêu chí để đánh giá khả năng (xác suất) vỡ nợ.

Đây là một trong các tiêu chí lượng hóa quan trọng trong hoạt động quản lý tín dụng, mà để đạt được tiêu chí này, các ngân hàng sẽ cần xây dựng các mô hình thống kê xác suất và thu thập, lưu trữ dữ liệu thông tin khách hàng đầy đủ và chính xác.

Tính toán được xác xuất vỡ nợ của khách hàng là một bước đệm để các ngân hàng thực hiện tính vốn theo Basel II - Trụ cột 1 - Rủi ro tín dụng - Phương pháp mô hình nội bộ, là phương pháp nâng cao hơn so với phương pháp tiêu chuẩn được quy định trong Thông tư 41.

Hai là, khẩu vị rủi ro. Thông tư 13 cụ thể hóa yêu cầu về khẩu vị rủi ro, vốn vẫn còn là một khái niệm mới với nhiều ngân hàng. Khẩu vị rủi ro theo yêu cầu của Thông tư 13 bao gồm các chỉ tiêu với hướng dẫn cách tính toán cụ thể để các ngân hàng có thể thực hiện một cách đồng bộ trên toàn hệ thống.

Ba là, kiểm tra sức chịu đựng và đánh giá nội bộ về mức đủ vốn. Thông tư 13 yêu cầu các ngân hàng thực hiện kiểm tra sức chịu đựng với hai nội dung bắt buộc: kiểm tra sức chịu đựng thanh khoản (6 tháng 1 lần và đột xuất) và kiểm tra sức chịu đựng về vốn (hàng năm và đột xuất).

Thông tư cũng hướng dẫn phương pháp thực hiện kiểm tra sức chịu đựng yêu cầu và việc áp dụng kết quả kiểm tra sức chịu đựng.

Công tác đánh giá nội bộ về mức đủ vốn sẽ hỗ trợ các ngân hàng xác định mức vốn mục tiêu dựa trên rủi ro, xác định chênh lệch giữa mức vốn mục tiêu và mức vốn hiện có, từ đó lập kế hoạch vốn để ngân hàng có thể duy trì hoạt động trong điều kiện thị trường có diễn biến bất lợi.

Bốn là, quản lý rủi ro đối với sản phẩm mới, hoạt động trong thị trường mới. Đây là một nội dung mà các ngân hàng thanh toán quốc tế có yêu cầu và hướng dẫn trong nhiều tài liệu của họ, cũng là một thông lệ tốt về quản lý rủi ro hoạt động nói riêng và quản lý rủi ro nói chung.

Thông tư 13 cụ thể hóa yêu cầu này với các ngân hàng ở Việt Nam là một bước tiến xa hơn, tiếp cận với thông lệ quản trị rủi ro tiên tiến.

Lợi ích mang lại cho các ngân hàng

Lợi ích tổng thể dễ dàng nhận thấy nhất đối với các ngân hàng khi tuân thủ Thông tư 13 là hoạt động quản lý rủi ro được cải thiện, tiệm cận hơn với yêu cầu của Basel II và các thông lệ tiên tiến.

Thứ nhất, xác suất vỡ nợ của khách hàng là chỉ tiêu hết sức quan trọng để các ngân hàng đánh giá rủi ro của khách hàng mới (thông qua thẻ điểm hồ sơ xây dựng theo phương pháp thống kê), từ đó đưa ra quyết định cho vay và ứng dụng cao hơn là đưa ra mức lãi suất dựa trên rủi ro.

Xác xuất vỡ nợ giúp ngân hàng lựa chọn khách hàng đúng đắn hơn, hạn chế rủi ro từ đầu vào và tiến đến định giá các khoản vay dựa trên rủi ro, tối ưu hóa lợi nhuận điều chỉnh theo rủi ro của mình.

Dựa trên xác suất vỡ nợ của khách hàng mới, ngân hàng có thể áp dụng tự động hóa - tự động phê duyệt, tự động từ chối, nhất là với khách hàng cá nhân, từ đó tiết kiệm được chi phí và nhân lực, giảm thời gian phê duyệt, mang lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn.

Không chỉ dừng ở việc lựa chọn khách hàng mới, xác suất vỡ nợ còn là chỉ tiêu giúp ngân hàng giám sát liên tục rủi ro tín dụng cho từng khách hàng hiện có (thông qua thẻ điểm hành vi cho khách hàng cá nhân và hệ thống cảnh báo sớm cho khách hàng doanh nghiệp). Qua đó, hỗ trợ ngân hàng giám sát và quản lý theo phân khúc khách hàng, theo sản phẩm, thị trường hoặc toàn danh mục tín dụng của ngân hàng.

Thứ hai, yêu cầu của Thông tư 13 về khẩu vị rủi ro giúp gỡ rối cho nhiều ngân hàng muốn xây dựng khẩu vị rủi ro nhưng còn lúng túng trong việc thực hiện.

Có khẩu vị rủi ro, ngân hàng lượng hóa được rủi ro mà mình sẵn sàng chấp nhận để thực hiện hoạt động kinh doanh. Từ đó, ngân hàng có kim chỉ nam để giám sát hồ sơ rủi ro của mình theo khẩu vị rủi ro đã xác định và kịp thời có những điều chỉnh phù hợp.

Thứ ba, kiểm tra sức chịu đựng và đánh giá mức đủ vốn luôn là một nội dung khó, kể cả đối với các ngân hàng nằm trong tốp đầu. Với yêu cầu của Thông tư 13, các ngân hàng buộc phải thực hiện kiểm tra sức chịu đựng thanh khoản và vốn, nhờ đó xác định được tình hình thanh khoản và vốn của ngân hàng trong tình huống xấu, cũng như tính toán dự phòng thanh khoản và lập kế hoạch vốn phù hợp.

Thứ tư, việc quản lý rủi ro mới phát sinh liên quan đến sản phẩm mới, hoạt động trên thị trường mới là một trong những nội dung trọng yếu của quản lý rủi ro hoạt động.

Với yêu cầu của Thông tư 13, công tác này sẽ được các ngân hàng thương mại chú trọng thực hiện, từ đó nâng cao công tác quản lý rủi ro hoạt động theo thông lệ tiên tiến.

Do đó, hoạt động kinh doanh của ngân hàng trở nên minh bạch hơn, dễ so sánh với các ngân hàng cùng hạng trong nước hay trên thế giới và điều này hỗ trợ đẩy mạnh sự phát triển của thị trường tài chính. Từ đây, các ngân hàng sẽ mang lại nhiều giá trị cho khách hàng và thu hút nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.

Khó khăn khi thực hiện Thông tư 13

Khó khăn đầu tiên là về thời hạn. Ngoài nội dung đánh giá mức đủ vốn có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, các nội dung còn lại đều cần tuân thủ trước ngày 1/1/2019.

Như vậy, các ngân hàng hiện chỉ còn hơn 4 tháng để cải thiện cập nhật cơ cấu tổ chức, chính sách quy trình, công cụ phương pháp luận để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 13 (trừ phần đánh giá mức đủ vốn).

Đây là khối lượng công việc lớn, nhất là đối với các ngân hàng chưa thực hiện được nhiều nội dung liên quan đến quản trị rủi ro, hoặc có đội ngũ nhân sự quản trị rủi ro còn mỏng.

Chẳng hạn, đối với hệ thống xếp hạng tín dụng xây dựng theo phương pháp thống kê để có thể xác định được xác suất vỡ nợ của khách hàng, nếu ngân hàng chưa có hệ thống này thì thời gian còn lại (hơn 4 tháng) là rất khó thực hiện.

Khó khăn thứ hai là về kinh nghiệm thực hiện. Tuy Thông tư 13 đã hướng dẫn chi tiết và cụ thể, nhưng nếu đội ngũ nhân sự của ngân hàng chưa có kinh nghiệm thực hiện những nội dung tương tự thì bước đầu không tránh khỏi những khó khăn.

Ví dụ, thực hiện xây dựng mô hình xác suất vỡ nợ hoặc kiểm tra sức chịu đựng, các ngân hàng sẽ cần nhân sự có kiến thức chuyên môn phù hợp và kinh nghiệm thực tế để có thể thực hiện tốt các nội dung này.

Khó khăn thứ ba là về chi phí. Ngân hàng sẽ cần ngân sách cho việc tuyển thêm nhân sự có kiến thức và kinh nghiệm phù hợp, cũng như đầu tư vào xây dựng công cụ và hệ thống (như hệ thống xếp hạng tín dụng) và chi phí hỗ trợ của tư vấn nếu cần thiết.

Deloitte Việt Nam có đội ngũ tư vấn trong nước nhiều kinh nghiệm và các chuyên gia nước ngoài với chuyên môn sâu từ các thị trường phát triển hơn đã thực hiện nhiều dự án tư vấn quản trị rủi ro theo Basel II và thông lệ tiên tiến cho các ngân hàng.

Với Thông tư 13, Deloitte cung cấp dịch vụ hỗ trợ các ngân hàng xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng theo tiêu chuẩn tiên tiến, bao gồm thẻ điểm hồ sơ cho các khách hàng mới, thẻ điểm hành vi và hệ thống cảnh báo sớm cho các khách hàng hiện có; tư vấn triển khai quy trình đánh giá tính đầy đủ vốn nội bộ (ICAAP) với các cấu phần xác định và đo lường rủi ro trọng yếu, kiểm tra sức chịu đựng, xây dựng khẩu vị rủi ro, lập kế hoạch vốn, phân bổ vốn theo rủi ro…

Tin bài liên quan