Với nhà đầu tư nước ngoài, tài chính - ngân hàng Việt Nam vẫn là lĩnh vực được quan tâm và mạnh tay rót vốn. Các nhà băng quy mô và tiềm năng (Vietcombank, HDBank, ACB, Techcombank, VietinBank, TPBank…) hầu hết đã cạn room từ lâu, tức tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đạt mức tối đa 30% theo quy định.
Vì vậy, để có thể sở hữu thêm vốn tại ngân hàng Việt Nam, không ít lần các nhà đầu tư nước ngoài đề xuất nâng room ngân hàng, trong đó có các quỹ đầu tư tài chính như VinaCapital, Dragon Capital.
Theo ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang nỗ lực tăng huy động vốn nhằm đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, Chính phủ nên cho phép room ngoại tại các nhà băng tăng từ 30% lên 49%.
Giám đốc điều hành VinaCapital, ông Andy Ho kiến nghị, ngành ngân hàng Việt Nam nên nới room để thu hút vốn ngoại trong bối cảnh cần vốn để đẩy mạnh tái cơ cấu. Tất nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng được nới room để có cơ hội sở hữu thêm cổ phần, nhất là trong bối cảnh hiện nay, cổ phiếu “vua” đang tăng giá theo xu hướng hồi phục của thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, các ngân hàng mong muốn thu hút thêm vốn ngoại. Chẳng hạn, Vietcombank và VietinBank từng đề xuất nới room lên lần lượt 35% và 40% để có thể tăng thêm vốn, nâng hệ số an toàn vốn (CAR) khi áp dụng chuẩn mực Basel II.
Mặc dù đã hoàn tất áp dụng các chuẩn mực quốc tế Basel II, song Vietcombank cho biết, Ngân hàng sẽ tiếp tục tăng vốn trong năm nay. Được biết, cuối năm 2018, nhà băng này đã phát hành riêng lẻ 111,1 triệu cổ phiếu với giá 55.510 đồng/cổ phiếu cho Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản và Quỹ GIC từ Singapore.
VietinBank cũng dự kiến tăng thêm vốn trong năm nay, trong đó có phương án hút thêm vốn từ cổ đông ngoại. Cổ đông lớn Nhật Bản là Ngân hàng MUFG sẵn sàng hỗ trợ VietinBank tăng vốn.
Tại TPBank, cuối năm 2018, ngân hàng này nâng room ngoại từ 24,9% lên 30%. Trước đó, BIDV đã thông qua việc phát hành hơn 603,3 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc, tỷ lệ cổ phần phát hành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là 15% quy mô vốn điều lệ sau khi phát hành (tương đương tỷ lệ 17,65% vốn điều lệ hiện tại).
Hiện các ngân hàng Việt Nam đang cố gắng tăng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước để chuẩn bị cho việc áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, bởi đảm bảo hệ số CAR tối thiểu 8% theo tiêu chuẩn Basel II là một thách thức không nhỏ.
Câu chuyện huy động vốn ngoại là dấu hiệu cho sự trở lại của ngành ngân hàng trong cuộc đua tăng vốn hướng tới đáp ứng chuẩn mực Basel II. Ngay cả 4 ngân hàng lớn nhất thị trường là Vietinbank, BIDV, Vietcombank, Agribank cũng gặp khó khăn trong quá trình tăng vốn cấp 1. Vì thế, nhiều ngân hàng thương mại liên tục bày tỏ mong muốn được nới room cho khối ngoại để tăng vốn, xử lý nợ xấu và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu tối đa của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam; tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30%.
Một số chuyên gia tài chính cho rằng, hiện việc đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài mới chỉ mang tính chất đầu tư tài chính, chứ chưa có sự tham gia mạnh mẽ vào việc quản trị, quản lý và điều hành ngân hàng.
Bởi lẽ, tỷ lệ sở hữu như vậy chưa đủ hấp dẫn các đối tác ngoại, khi tiếng nói của họ không thật sự có đủ trọng lượng để có thể hỗ trợ hoặc cải thiện tình hình tài chính của các nhà băng. Trong bối cảnh này, mong muốn nới room của các nhà đầu tư ngoại, cũng như bản thân ngân hàng trong nước là có cơ sở. Mức đề nghị là 35 - 40%, thậm chí một số nhà băng mong muốn được nới room lên 49% hoặc 51%.
Riêng đối với các ngân hàng yếu kém, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua lại 100% vốn của ngân hàng Việt đang trong quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, song đến nay vẫn chưa có thương vụ nào thành công.