Nguồn vốn vay từ kênh ngân hàng tới hộ nghèo, cơ sở sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn sẽ góp phần quan trọng vào việc đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.

Nguồn vốn vay từ kênh ngân hàng tới hộ nghèo, cơ sở sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn sẽ góp phần quan trọng vào việc đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.

Nâng hạn mức cho vay để hạn chế tín dụng đen

(ĐTCK) Đó là một trong những đề xuất trong nhóm giải pháp của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) nhằm “chia lửa” với hệ thống ngân hàng và xã hội trong việc hạn chế vấn nạn tín dụng đen được bà Trần Lan Phương, Phó Tổng giám đốc NHCSXH cho biết. 

Xin bà cho biết kết quả cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (Nghị định 100) của Chính phủ tính đến cuối năm 2018; kế hoạch nguồn vốn dành cho chương trình này trong năm 2019 và lãi suất dự kiến?

Năm 2018, NHCSXH được ngân sách nhà nước cấp 500 tỷ đồng, cùng với 50% do NHCSXH tự huy động được đã tạo nguồn vốn cho vay trong năm 2018 là 1.000 tỷ đồng. Ngân hàng đã tích cực triển khai thực hiện đến tất cả các địa bàn xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Đến hết năm 2018, đã có 59 tỉnh, thành phố thực hiện cho vay và cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giao.

Bà Trần Lan Phương.

Đối với nguồn vốn dự kiến dành cho chương trình trong năm 2019, ngân sách nhà nước bố trí cho NHCSXH số vốn 663 tỷ đồng, cùng với 50% do NHCSXH tự huy động được, tổng nguồn vốn cho vay của chương trình là 1.326 tỷ đồng.

Theo quy định tại Nghị định số 100 của Chính phủ “Lãi suất cho vay ưu đãi tại NHCSXH do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Hội đồng quản trị cho từng thời kỳ”.

Trong năm 2018, Hội đồng quản trị NHCSXH đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức lãi suất cho vay ưu đãi năm 2019 đối với các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100 của Chính phủ là 4,8%/năm.

Đến nay, Văn phòng Chính phủ đang xin ý kiến của một số bộ, ngành liên quan và NHCSXH cũng hy vọng trong thời gian sớm nhất Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định mức lãi suất cho vay ưu đãi năm 2019 để NHCSXH thực hiện. 

Phản ánh từ các hội, đoàn thể và người vay về một số chương trình cho vay học sinh, sinh viên; giải quyết việc làm... là mức cho vay thấp. Thời gian tới, liệu mức vay này có được nâng lên?

Trong quá trình triển khai thực hiện tín dụng đối với học sinh, sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, NHCSXH đã báo cáo các bộ, ngành liên quan xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh nâng mức vay cho phù hợp với giá cả, mức chi phí học tập và biến động của thị trường (hiện nay đang áp dụng mức cho vay 1,5 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên).

Theo kiến nghị của hộ vay, các đoàn công tác, cử tri các địa phương, đại biểu Quốc hội đều đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh nâng mức cho vay để phù hợp với lộ trình tăng học phí và biến động của giá cả trên thị trường. Do đó, NHCSXH đã báo cáo với Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh. Đến nay, Bộ Tài chính đang xin ý kiến của một số bộ, ngành liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ.

Đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm, cũng như các chương trình cho vay cho mục đích sản xuất - kinh doanh khác mức cho vay hiện nay không phù hợp do biến động hàng năm của giá cả thị trường. Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, chỉ số CPI đã tăng hơn 12,85%. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất - kinh doanh có nhu cầu vay vốn với mức cao hơn để tương ứng với các dự án, mô hình phát triển sản xuất - kinh doanh.

NHCSXH đã đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ xem xét nâng mức cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm cho phù hợp với nhu cầu vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm trong giai đoạn hiện nay. 

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành ngân hàng và NHCSXH nghiên cứu đề xuất giải pháp như nâng mức vay cho hộ nghèo để không bị tín dụng đen bủa vây. Với nhiệm vụ này, NHCSXH sẽ có giải pháp ra sao?

Để tiếp tục hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng vay vốn đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, NHCSXH đã nghiên cứu và triển khai các giải pháp:

Thứ nhất, đề xuất nâng mức cho vay tối đa của nhóm các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh tạo sinh kế, tạo điều kiện cho hộ vay đầu tư dự án sản xuất - kinh doanh có hiệu quả; đồng thời kéo dài thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất - kinh doanh của các loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài; nâng mức cho vay chương trình học sinh, sinh viên lên mức 2,5 triệu đồng/tháng để phù hợp với mức tăng học phí và biến động giá cả thị trường.

Thứ hai, đề xuất điều chỉnh tăng lãi suất cho vay chương trình giải quyết việc làm bằng lãi suất chương trình cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (bằng 120% đến 125% lãi suất cho vay hộ nghèo) tạo sự công bằng, giảm áp lực cấp bù của ngân sách nhà nước; hàng năm bổ sung tăng nguồn vốn cho vay của chương trình cho vay giải quyết việc làm nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.

Thứ ba, đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành chức năng xem xét, giải quyết cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định (31/12/2020); đồng thời cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm.

Thứ tư, đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành chức năng xem xét, giải quyết sớm ban hành chính sách xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan phù hợp với đặc điểm, điều kiện đặc thù của hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng này có cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thứ năm, đề xuất các địa phương chủ động xây dựng chương trình, dự án, gắn kết giữa đầu tư các mô hình kinh tế gắn với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Thứ sáu, đề xuất các tổ chức chính trị - xã hội, tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt tại cấp xã và tổ tiết kiệm và vay vốn trong việc thực hiện một số nội dung công việc được NHCSXH ủy thác trong quy trình cho vay; chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền tín dụng chính sách, việc bình xét cho vay, quản lý và hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả.

Tin bài liên quan