Lợi nhuận ngân hàng tăng nhờ nợ xấu giảm

Lợi nhuận ngân hàng tăng nhờ nợ xấu giảm

Nhiều nhà băng ồ ạt công bố con số lợi nhuận năm 2018 tăng mạnh, một phần là nhờ kiểm soát được nợ xấu, thu hồi nợ để hoàn nhập dự phòng rủi ro vào lợi nhuận. 

Năm 2018, Ngân hàng Quân đội (MBBank) cho biết đạt lợi nhuận trước thuế trên báo cáo tài chính riêng của ngân hàng mẹ hơn 7.000 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch và tăng 31% so với năm 2017. Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ tăng 78%, do đó, tỷ trọng thu dịch vụ trong tổng thu nhập cũng tăng cao.

Hiệu quả hoạt động của Ngân hàng nằm trong tốp đầu, với lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 18,73%, lợi nhuận trên tài sản (ROA) đạt 1,72%. Nợ xấu được quản trị chặt chẽ ở mức 1,21%. Chính điều này giúp MBBank đạt mức lợi nhuận cao trong năm qua, khi kiểm soát được nợ xấu ở mức thấp nên không phải trích lập dự phòng cao, thậm chí còn được hoàn nhập.

Năm 2019, MBBank đặt kế hoạch tổng tài sản đạt 390.000 tỷ đồng, huy động vốn tăng 12%, dư nợ tăng 15% (hoặc theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước), lợi nhuận trước thuế tăng 20% so với năm 2018, kiểm soát nợ xấu dưới 1,5%.

Tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), lợi nhuận năm 2018 tiếp tục xu hướng tăng, ước đạt trên 9.000 tỷ đồng. Với Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), trong năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng gần gấp đôi năm 2017. Còn Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) thực hiện vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2018, vượt mốc 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Một trong những nguyên nhân đem lại kết quả kinh doanh khả quan là ngân hàng kiểm soát và xử lý được nợ xấu, kể cả nợ đã bán cho VAMC trước đó (Techcombank, VIB… đã tất toán thành công trái phiếu VAMC). Tỷ lệ nợ xấu của VIB, Techcombank lần lượt được kiểm soát ở mức 2,5% và 2,05% tính đến cuối tháng 9/2018.

Ông Nguyễn Cảnh Vinh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết, ước tính lợi nhuận năm 2018 của Ngân hàng vượt kế hoạch (1.600 tỷ đồng), trong đó, một phần không nhỏ nhờ hoàn nhập dự phòng khi xử lý được nợ xấu.

Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lợi nhuận trước thuế năm 2018 lập kỷ lục mới, trên 18.000 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2017 và vượt 50% kế hoạch. Bên cạnh tăng thu từ lãi thuần, bán lẻ, dịch vụ, thì Ngân hàng lãi lớn có sự đóng góp của hoàn nhập dự phòng rủi ro vào lợi nhuận. Theo một lãnh đạo cấp cao của nhà băng này, Quỹ dự phòng rủi ro của Ngân hàng hiện gần 10.500 tỷ đồng.

Công tác xử lý nợ xấu của Vietcombank trong năm qua đạt kết quả tích cực. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được phân loại theo chuẩn mực quốc tế là 0,97%, mức thấp nhất trong các ngân hàng thương mại quy mô lớn, dư nợ xấu nội bảng gần 6.200 tỷ đồng.

Bên cạnh việc xử lý nợ xấu thành công, tác động tích cực lên lợi nhuận, thì năm qua, ngân hàng này thu được một khoản lợi nhuận lớn, trên nghìn tỷ đồng, từ thoái vốn thành công ở các tổ chức tín dụng khác (OCB, Eximbank, MB, Saigonbank…) theo quy định. Kế hoạch năm 2019, Vietcombank sẽ tăng tổng tài sản thêm 12%, huy động vốn tăng 13%, tín dụng tăng 15%, nợ xấu dưới 1% và lợi nhuận tăng 12%, tức đạt trên 20.000 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng khác đạt lãi trước thuế cao trong năm 2018 như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) lãi hơn 7.500 tỷ đồng, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) lãi 9.500 tỷ đồng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) lãi hơn 9.900 tỷ đồng.

Theo kết quả điều tra mới nhất của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước, năm 2019, có 77,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng tăng so với năm 2018. Hầu hết tổ chức tín dụng dự báo tình hình kinh doanh sẽ cải thiện so với năm 2018, trong đó số tổ chức tín dụng dự báo sẽ cải thiện nhiều vào khoảng 35%.

Dự báo về tốc độ trưởng tín dụng năm 2019, các tổ chức tín dụng kỳ vọng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng tăng trưởng bình quân 15,27%, trong đó tín dụng VND luôn được kỳ vọng tăng trưởng nhanh hơn tín dụng ngoại tệ.

Tin bài liên quan