Lợi nhuận ngân hàng quý III: Bức tranh sáng màu

Lợi nhuận ngân hàng quý III: Bức tranh sáng màu

(ĐTCK) Báo cáo chiến lược đầu tư của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây đưa ra nhận định, bức tranh tổng thể của ngành ngân hàng đã bớt màu tiêu cực. Trên nền tảng đó, các thông tin kết quả kinh doanh quý III sẽ giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng duy trì xu hướng tăng.

Những yếu tố nền tảng hỗ trợ

Điểm sáng đáng ghi nhận trong bức tranh hoạt động của ngành, theo VDSC,  là năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng được củng cố, thể hiện qua vốn điều lệ tăng nhanh dần qua các năm.

Cụ thể, tính đến 30/6/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống ước đạt 519.010 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ước đạt 720.430 tỷ đồng, tăng so với cuối năm 2017 và cuối năm 2016.

Quy mô nguồn vốn của các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng. Theo số liệu giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6/2018, tổng tài sản toàn ngành ngân hàng đạt 10,42 triệu tỷ đồng, tăng 4,2% so với năm 2017 và tăng 22,6% so với năm 2016.

Tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 6,67 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2017 và tăng 29% so với năm 2016.

Đặc biệt, nhờ các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh, chất lượng tín dụng được nâng cao, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng giảm.

Tính từ năm 2012 đến hết tháng 6/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 785.930 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2018, ước xử lý được 58.800 tỷ đồng, chủ yếu do các tổ chức tín dụng tự xử lý là 56.740 tỷ đồng.

Trước đó, từ năm 2015 - 2017, các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu chủ yếu thông qua việc bán nợ (bán cho VAMC chiếm tỷ trọng 38,64% tổng nợ xấu được xử lý) và khách hàng trả nợ (chiếm tỷ trọng 21,36%), sử dụng dự phòng rủi ro (chiếm tỷ trọng 21,52%).

Nghị quyết 42 của Quốc hội bước đầu đã tạo điều kiện quan trọng cho các tổ chức tín dụng trong xử lý nợ xấu, thu hồi vốn. Đến cuối tháng 6/2018, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống trên tổng nợ là 2,09%, giảm so với thời điểm 31/12/2016 (2,46%).

Đặc biệt, VAMC đã triển khai mua nợ theo giá trị thị trường. Cụ thể, đến 30/6/2018, VAMC đã thực hiện mua nợ theo giá trị thị trường với tổng giá mua nợ đạt 3.523,40 tỷ đồng và triển khai ngay các giải pháp xử lý nợ phù hợp để thu hồi nợ…

Tính đến 30/6/2018, VAMC đã thu hồi được 2.909,4 tỷ đồng, tương ứng với hơn 82% tổng giá mua nợ của các khoản nợ đã mua theo giá trị thị trường. 

Cơ hội với cổ phiếu ngân hàng

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III đã bắt đầu. Với kết quả kinh doanh được một số ngân hàng hé lộ, bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng được dự báo tích cực trong quý vừa qua.

 Số liệu thống kê cho thấy, cổ phiếu ngành này đã đạt mức tăng trưởng 3 con số trong 5 năm qua, trong khi VN-Index chỉ dừng ở mức hai con số. Cụ thể, ngành ngân hàng tăng 154,1%, trong khi VN-Index tăng 96,5%.

TPBank là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý III, với những con số rất ấn tượng.

Cụ thể, tính đến hết 30/9/2018, dư nợ cho vay đạt hơn 80.000 tỷ đồng; huy động vốn đạt hơn 113.000 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động của TPBank 9 tháng đạt 4.035 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2017. Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 440 tỷ đồng, tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2017, tương đương 314 tỷ đồng.

Nhờ vậy, lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Ngân hàng tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2017, từ 807 tỷ đồng lên 1.613 tỷ đồng. Với lợi nhuận hiện tại, TPBank đã hoàn thành xấp xỉ 75% mục tiêu kế hoạch cả năm.

Theo đà của kết quả kinh doanh này, đại diện TPBank tin tưởng, năm nay, nhà băng sẽ hoàn thành mục tiêu Đại hội đồng cổ đông đề ra đầu năm là 2.200 tỷ đồng.

Một loạt ngân hàng khác dù chưa công bố số liệu chính thức, nhưng với những con số ước tính được hé lộ cho thấy đã rục rịch chuẩn bị “cán đích” kế hoạch lợi nhuận năm sau 3/4 chặng đường. Đây là thông tin tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Báo cáo của StoxPlus cho biết, cổ phiếu ngân hàng thường có mức tăng trưởng tốt hơn so với toàn thị trường trong 5 năm qua (2014 - 2018).

Số liệu thống kê cho thấy, cổ phiếu ngành này đã đạt mức tăng trưởng 3 con số trong 5 năm qua, trong khi VN-Index chỉ dừng ở mức hai con số. Cụ thể, ngành ngân hàng tăng 154,1%, trong khi VN-Index tăng 96,5%.

StoxPlus cũng chỉ rõ ba nguyên nhân chính tạo đà cho sự tăng trưởng của giá cổ phiếu ngân hàng. Đó là: Thứ nhất, đóng góp từ cho vay tiêu dùng với những cái tên như VPBank và HDBank;

Thứ hai, gia tăng thu nhập từ hoạt động bảo hiểm của các ngân hàng với điển hình là Techcombank, MBBank, Sacombank; Thứ ba, câu chuyện tăng trưởng mạnh của dịch vụ ngân hàng bán lẻ, cho vay cá nhân.

Tất nhiên, sẽ có sự phân hóa về hiệu quả kinh doanh quý III cũng như đà tăng của các cổ phiếu ngân hàng. Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ:

“Các hệ sinh thái xung quanh ngân hàng bắt đầu phát huy lợi ích bên cạnh tăng trưởng của tín dụng cá nhân và dịch vụ ngân hàng bán lẻ vẫn sẽ là yếu tố tạo đà cho tăng trưởng lời nhuận của ngành. Dĩ nhiên, chất lượng lợi nhuận sẽ tùy thuộc vào danh mục sản phẩm mà ngân hàng đó có thế mạnh và tập trung”. 

Tin bài liên quan