Lập ngân hàng mới: chưa thể “vội vàng”

Lập ngân hàng mới: chưa thể “vội vàng”

(ĐTCK-online) Vào đầu tuần này, câu chuyện thành lập ngân hàng mới lại được "khuấy động" trở lại khi một số thông tin được đăng tải cho biết, khả năng sẽ có khoảng 7 ngân hàng cổ phần mới được cấp phép vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Những cái tên như Ngân hàng Bảo Việt, Liên Việt… đã được đề cập, tuy nhiên nguồn tin từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan phụ trách vấn đề này lại không hoàn toàn như vậy, và việc cấp phép thành lập ngân hàng mới chưa thể vội vàng.

Theo NHNN, giấp phép lập ngân hàng cổ phần mới tại Việt Nam dự kiến sẽ chính thức được cấp vào quý I năm sau, còn cho đến cuối năm nay chỉ có một số đơn xin thành lập ngân hàng cổ phần mới được chấp thuận về nguyên tắc.

Theo một lãnh đạo NHNN thì quy trình cấp phép thành lập một ngân hàng mới bao gồm hai giai đoạn, giai đoạn đầu là đồng ý về nguyên tắc và giai đoạn sau là cấp phép chính thức sau khi NHNN xem xét kỹ hơn về đề án hoạt động cũng như tình hình tài chính.

"NHNN hiện chưa phê duyệt bất cứ hồ sơ xin thành lập ngân hàng mới nào", vị lãnh đạo này cho biết.

Như vậy, sau gần 6 tháng quy chế cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần được ra đời, chưa một ngân hàng cổ phần mới nào được thành lập tại Việt Nam . Trên thực tế, ngay sau khi quy chế trên được ban hành, NHNN dự kiến sẽ cấp phép cho 1 - 2 ngân hàng vào cuối năm nay, nhưng kế hoạch này đã không thể thực hiện trên thực tế.

Động thái này được cho là dễ hiểu sau khi NHNN được Chính phủ cho phép bổ sung một số điều khoản về quy định cấp phép thành lập ngân hàng mới, nhằm tạo ra sự minh bạch tài chính trong hoạt động ngân hàng. Cụ thể, yêu cầu những tổ chức xin thành lập ngân hàng phải nộp báo cáo kiểm toán tài chính trước 3 tháng, thể hiện vốn góp và kê khai tài sản của các cổ đông cá nhân. Việc bổ sung hồ sơ được giải thích là một nguyên nhân quan trọng khiến việc cấp phép phải chậm lại.

"Việc bổ sung hồ sơ thành lập ngân hàng mới cũng sẽ mất ít nhất 2 tháng để cho các tổ chức hoàn thiện, như vậy việc cấp phép chính thức chưa thể thực hiện vào cuối năm nay", vị lãnh đạo trên cho biết.  

Theo những động thái gần đây có thể thấy, một số ngân hàng sẽ được cấp phép thành lập sớm, như việc Chính phủ chấp thuận cho Tập đoàn Bảo Việt được nắm giữ 40% cổ phần trong Ngân hàng Bảo Việt sẽ được thành lập, gấp đôi số lượng nắm giữ của một nhà đầu tư có tổ chức tại một ngân hàng. Trong khi đó, Petro Vietnam chỉ được nắm giữ 20% cổ phần tại ngân hàng của mình…

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng được sự chấp thuận của Chính phủ về việc nắm giữ 23% vốn trong Ngân hàng Công nghiệp; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nắm giữ 20% tại Ngân hàng Ngoại thương châu Á. Như vậy, sau Quyết định 24/2007/QĐ-NHNN về quy chế cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần, tài chính của một ngân hàng mới thành lập sẽ buộc phải minh bạch hơn và bị thắt chặt hơn.

Theo quyết định này, nguồn vốn góp thành lập ngân hàng phải là nguồn hợp pháp, không được sử dụng tiền vay dưới bất cứ hình thức nào để góp vốn thành lập ngân hàng. Một ngân hàng được thành lập có tối thiểu 100 cổ đông tham gia góp vốn, trong đó có tối thiểu 3 cổ đông sáng lập là tổ chức có tư cách pháp nhân, có khả năng tài chính để góp vốn thành lập ngân hàng.