TS. Nguyễn Trí Hiếu

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Làm gì để tránh cho VAMC “thua ngay trên sân nhà”?

(ĐTCK) Đánh giá cao về sự ra đời của Nghị định số 34/2015/NĐ-CP ngày 31/3/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cũng chỉ ra những điểm cần phải giải quyết để tránh cho VAMC “thua ngay trên sân nhà”.

Nghị định 34 được coi là bước tiến quan trọng trong việc xử lý nợ xấu của VAMC, ông có đồng tình với nhận định này?

Việc bán nợ cho VAMC là một cách bán tài sản có điều kiện vì sau 5 năm một món nợ đã bán không thu hồi được thì phần không thu hồi được sẽ được trả lại cho các tổ chức tín dụng (TCTD).

VAMC được xem như một bãi đỗ tạm cho món nợ xấu khổng lồ trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian tới, theo Nghị định 34, VAMC sẽ mua bán nợ theo giá thị trường, mua đứt bán đoạn và mua với “tiền tươi thóc thật”.

Do đó, VAMC được phát hành trái phiếu bình thường được chấp nhận trên thị trường mở để huy động vốn, chứ không phải trái phiếu đặc biệt như trước kia (trái phiếu đặc biệt chỉ được dùng để vay tái cấp vốn với NHNN).

Rõ ràng, VAMC đã sang giai đoạn mới trong việc mua nợ xấu từ các ngân hàng, một giai đoạn mang tính đột phá và quyết định sự thành công hay thất bại của mô hình VAMC.

Nghị định 34 có hiệu lực với một trong những điểm chính là tăng vốn điều lệ cho VAMC. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Vốn của VAMC tăng từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng là điều rất tốt. Tôi rất hoan nghênh động thái tăng vốn. Tuy nhiên, với mức 2.000 tỷ đồng, dù đã tăng nhưng vẫn như “muối bỏ biển”. Hiện tại, VAMC mua nợ từ các TCTD, tức là đã nợ lại các TCTD một khối tài sản nợ gần 140.000 tỷ đồng, con số này còn tăng thêm 70.000 - 80.000 tỷ đồng nữa, nghĩa là khối tài sản nợ có thể tăng hơn 200.000 tỷ đồng.

Với vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng nghĩa là VAMC sẽ có tỷ lệ đòn bẩy là 100/1, thể hiện mức độ rủi ro là rất lớn. Chỉ cần một vài món nợ lớn mà VAMC mua theo cơ chế mới hoàn toàn mất khả năng thu hồi thì lập tức vốn chủ sở hữu của VAMC sẽ bị triệt tiêu và đưa VAMC vào tình trạng phá sản kỹ thuật.

Trái phiếu do một tổ chức phát hành có tỷ lệ đòn bẩy lớn như thế khó có thể được thị trường đón nhận vì độ rủi ro quá cao cho bất cứ một tổ chức nào sở hữu trái phiếu này. Ngay cả khi tính tỷ lệ đòn bẩy của VAMC chỉ tính đến trái phiếu mới và loại trừ trái phiếu đặc biệt thì con số này đến cuối năm nay của VAMC cũng phải lên đến 35-40/1.

Để trái phiếu của VAMC có tính thanh khoản, tôi cho rằng, lối thoát ở đây sẽ là NHNN phải bảo lãnh các trái phiếu mới do VAMC phát hành ra. Từ đó, hệ số của trái phiếu này sẽ bằng 0. Điều này cũng đúng như nhà nước yêu cầu các TCTD phải dự phòng rủi ro bằng 0 cho các trái phiếu của VAMC. Còn nếu dựa vào thực lực tài chính của VAMC thì chẳng có TCTD nào dám dự phòng bằng 0 cho trái phiếu mới của VAMC và có lẽ phải áp dụng một hệ số rủi ro rất cao cho trái phiếu của VAMC.

Trong trường hợp không có bảo lãnh của NHNN thì vốn điều lệ của VAMC phải tăng lên cỡ 20.000 tỷ đồng mới có thể tạo điều kiện cho VAMC mua bán nợ và huy động vốn để giải quyết đống nợ xấu hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đây là con số khó tưởng trong thời điểm này. 

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 6/9/2013 đang được NHNN lấy ý kiến rộng rãi, có đặt vấn đề VAMC mua nợ của các NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro. Theo ông, điều này có nên và trong việc trích lập này có điểm nào khó khăn cũng như thuận lợi?

Tôi đồng ý với quan điểm này, VAMC đã mua nợ xấu thì có rủi ro và bất cứ tổ chức nào có tài sản rủi ro thì phải trích lập dự phòng. Đây là thông lệ về hạch toán thế giới, còn nếu tài sản đó được ngân hàng trung ương hay nhà nước bảo lãnh thì hệ số rủi ro sẽ bằng 0, khi đó mới không cần trích lập dự phòng.

Tôi cũng nghe luận điểm rằng, món nợ xấu mà VAMC mua đã được trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ trước đó và nay bán cho VAMC thì không cần phải trích lập dự phòng nữa. Tôi cho rằng nhận định này chưa đúng. Đối với TCTD sẽ bán nợ cho VAMC thì món nợ này là món nợ xấu và đã được dự phòng, nhưng khi bán cho VAMC thì món nợ này trở thành tài sản mới của VAMC và tài sản này là tài sản có rủi ro, và vì thế VAMC không thể tránh trích lập dự phòng.

Dự phòng giúp cho trường hợp bị thiệt hại thì có quỹ để bù đắp. Đây là cách hạch toán khôn ngoan và an toàn, được các công ước quốc tế quy định để bảo vệ TCTD và trong trường này là cả VAMC trước những rủi ro có thể xảy ra. Chính vì vậy, số vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng sẽ là chưa đủ để bù đắp việc trích lập dự phòng cho một số lượng nợ lên đến 70.000 - 80.000 tỷ đồng và càng không đủ khi số nợ tăng thêm. 

Một vấn đề khác, Nghị định 34 được coi là tháo gỡ nút thắt cho việc bán nợ theo giá thị trường. Liệu có kỳ vọng được việc đẩy nhanh câu chuyện bán nợ xấu của VAMC?

Muốn bán được nợ thì phải có thị trường, đây là khâu then chốt. Lối thoát cho VAMC phải là một thị trường mua bán nợ quốc gia, trong đó VAMC sau khi mua nợ từ các TCTD sẽ gấp rút bán ra cho các nhà đầu tư khác trên thị trường mua bán nợ. Nói thêm một điểm là VAMC không được thiết lập với chức năng đi thu nợ. Nếu không tiếp tục bán nợ cho bên thứ ba thì VAMC chỉ có cách bán lại nợ đó cho mấy ngân hàng đã bán nợ cho mình trước kia!

Vấn đề ở đây liên quan rất rộng, đầu tiên theo tôi Chính phủ phải hỗ trợ việc xây dựng một thị trường mua bán nợ quốc gia với bước đầu tiên là xây dựng một bộ luật xử lý nợ, sau đó hoàn thiện các luật khác liên quan đến phá sản, thanh lý tài sản thế chấp và đặc biệt là những luật liên quan đến bất động sản. Cần phải điều chỉnh để tạo thuận lợi cho việc sở hữu, mua bán, thanh lý và chuyển nhượng loại tài sản này. 

Tức là muốn mua bán nợ theo giá thị trường thì phải tính đến việc huy động toàn hệ thống chính trị và tài chính nhập cuộc, chứ không phải riêng nhiệm vụ mua bán nợ của VAMC?

Đúng vậy, muốn tạo ra một thị trường mua bán nợ thì các quy định về luật pháp liên quan đến vấn đề thế chấp, giải thể, phá sản, thanh lý tài sản bảo đảm… phải được giải tỏa. VAMC được tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng, nhưng dù VAMC có tăng vốn lên 10 lần nữa mà các quy định pháp lý không hoàn thiện thì vẫn “thua” ngay trên sân nhà.

Các nhà đầu tư sẽ không “ôm” nợ xấu và rất nhiều tài sản thế chấp khổng lồ, nhưng không sử dụng hay thanh lý được. Nếu không có quyết tâm từ các cấp cao nhất tới các bộ, ban, ngành thì khó giải quyết được vấn đề. Nợ xấu hoàn toàn có thể “nằm ỳ” thêm 10 năm nữa.

Tin bài liên quan