Làm gì để đảm bảo an toàn khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng?

Làm gì để đảm bảo an toàn khi gửi tiết kiệm tại ngân hàng?

(ĐTCK) Vấn đề an toàn tiền gửi là câu chuyện không mới, nhưng thời gian gần đây đã trở thành đề tài "nóng" khi xuất hiện một số vụ việc tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng "bỗng dưng biến mất". Hệ lụy là tâm lý người gửi tiền chịu tác động tiêu cực, trong khi uy tín của ngân hàng giảm sút.

Rủi ro lớn nhất chính là con người

Vụ việc gây xôn xao mới đây là vụ mất 245 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng Chu Thị Bình xảy ra tại Eximbank. Khách hàng này vẫn giữ các sổ tiết kiệm của Eximbank, nhưng số tiền trên đã "không cánh mà bay". Đại diện Eximbank cho rằng, vụ việc có yếu tố lừa đảo nên không hoàn trả ngay số tiền cho khách hàng, mà phải chờ phán quyết của tòa án.

 TS-LS. Bùi Quang Tín

Trong khi đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án, khởi tố các bị can về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã truy nã Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Eximbank - Chi nhánh TP.HCM (đã bỏ trốn ra nước ngoài) và khởi tố 5 nhân viên (2 tạm giam và 3 được tại ngoại) của chi nhánh này do có vai trò đồng phạm, giúp sức cho Lê Nguyễn Hưng chiếm đoạt 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình.

Từ vụ việc trên, cũng như những sự vụ xảy ra trước đó cho thấy, sai phạm gây nên rủi ro cho các giao dịch tiền gửi chủ yếu xuất phát từ yếu tố con người, mà cụ thể ở đây là cán bộ ngân hàng cố tình vi phạm quy định trong hoạt động gửi tiền, lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền gửi của họ.

Bởi vậy, các ngân hàng không thể lơ là với rủi ro con người và chỉ có thẳng thắn nhìn nhận đây là rủi ro lớn nhất, khó kiểm soát nhất để kịp thời đưa ra biện pháp xử lý, khắc phục. Đây cũng là bài học lớn cho các ngân hàng trong quá trình xây dựng, vận hành và tăng cường công tác quản lý rủi ro để bảo đảm an toàn cho người gửi tiền.

Không nên giao phó toàn bộ trách nhiệm cho ngân hàng

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, trong những vụ việc mất tiền thời gian qua, nguyên nhân còn đến từ sự chủ quan của khách hàng, đặc biệt là các khách hàng VIP, khi giao phó toàn bộ tài sản của mình cho cán bộ ngân hàng.

Vì sao lại có sự chủ quan này? Lý do là bởi khách hàng VIP là những khách hàng mang lại doanh thu cao cho ngân hàng, với mức tiền gửi lớn từ hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục, hàng trăm tỷ đồng trở lên.

Bên cạnh những ưu đãi lãi suất, phí giao dịch..., để chăm sóc những khách hàng này, ngân hàng thường cắt cử nhân viên cấp cao là các lãnh đạo chi nhánh, trưởng phòng giao dịch... để hỗ trợ khách hàng trong mọi giao dịch ngân hàng.

Bởi vậy, khách VIP thường không trực tiếp đến quầy ngân hàng để giao dịch, mà ủy quyền cho các cán bộ này thay thế họ thực hiện toàn bộ giao dịch gửi, rút tiền. Đây chính là kẽ hở để các cán bộ ngân hàng lợi dụng nhằm chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng.

Lấy ví dụ tại trường hợp của Eximbank. Theo quy trình giao dịch tại nhà đối với khách hàng VIP, thường có 2-3 nhân viên ngân hàng trở lên tham gia. Tuy nhiên, trong quá trình giao dịch, bà Chu Thị Bình không muốn tiếp xúc với người khác ngoài ông Lê Nguyễn Hưng. Vì vậy, khi nhân viên ngân hàng phát hiện có dấu hiệu bất thường và liên hệ, bà Bình đã trả lời bận. Chính sự chủ quan này mà Lê Nguyễn Hưng đã rút trót lọt 245 tỷ đồng trong một thời gian khá dài mà không bị phát hiện.

Vì thế, dù là khách hàng VIP cũng không nên chủ quan, tin tưởng tuyệt đối vào một cán bộ ngân hàng nào để tránh rủi ro.

Thực tế trên cho thấy, dù là khách hàng thông thường hay khách hàng VIP, sẽ vô cùng bất lợi nếu chủ quan, tin tưởng tuyệt đối vào một cán bộ ngân hàng. Bởi vậy, để phòng tránh rủi ro, khi thực hiện giao dịch ngân hàng, khách hàng không nên ủy quyền cho cán bộ ngân hàng, cũng như không ký "khống" hóa đơn, chứng từ. Bởi với các mẫu giấy trắng đã có chữ ký của khách hàng, nhân viên ngân hàng có thể điền thông tin vào đó nhằm rút tiền của khách hàng.

Cùng với đó, để đảm bảo an toàn, người gửi tiền cần thường xuyên kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi, việc kiểm tra nên thực hiện hàng tuần, hàng tháng để có thể sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường trong tài khoản, từ đó có biện pháp ngăn ngừa kịp thời.

Khi phát hiện bị mất tiền trong tài khoản, khách hàng cần báo ngay với ngân hàng hay cơ quan chức năng liên quan để có biện pháp xử lý khẩn cấp và phối hợp giải quyết. Bởi thực tế, sẽ rất khó khăn để khách hàng có thể thu hồi được số tiền bị mất, khi mà cơ quan chức năng và ngân hàng phải mất nhiều thời gian, công sức để điều tra, xét xử, ngay cả khi thi hành án thủ tục cũng phức tạp, đặc biệt khi người lấy tiền không còn tiền để trả lại cho khách hàng.

Cần phải nói thêm rằng, trong giao dịch gửi tiền, khách hàng nên giao dịch trực tiếp tại quầy giao dịch, không nên thực hiện bên ngoài, bởi dễ phát sinh rủi ro. Thực tế, khách hàng VIP thường không cần mở tài khoản và nộp tiền tại quầy giao dịch, mà được vào phòng VIP để thực hiện các thủ tục giao dịch gửi hoặc rút tiền, cũng như ký các giấy tờ có liên quan.

Việc này rất nguy hiểm, vì trong nhiều trường hợp, nhân viên ngân hàng không nộp tiền vào tài khoản của khách hàng, không đưa đầy đủ các giấy tờ cần thiết cho khách hàng ký, hoặc sau khi ký xong giấy tờ giao dịch, nhân viên ngân hàng vẫn có thể tráo hồ sơ giả. Hơn nữa, khi giao dịch tại quầy, khách hàng sẽ được camera ghi hình và đây là bằng chứng rất tốt khi có sự cố xảy ra sau này.

Ngân hàng tăng cường quản lý rủi ro

Lâu nay, người dân gửi tiền vào ngân hàng hoàn toàn dựa trên niềm tin, trong khi đa phần các ngân hàng lại rất thụ động khi tiếp nhận các sự vụ liên quan đến việc mất tiền của khách hàng. Vụ việc xảy ra tại Eximbank là một minh chứng.

Sau khi phát hiện số tiền 245 tỷ đồng của mình gửi tại Eximbank bị mất, khách hàng Chu Thị Bình đã báo cáo ngay cho lãnh đạo ngân hàng này. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, thay vì tiến hành hoàn trả, Eximbank đã trì hoãn việc bồi hoàn cho khách hàng với lý do vụ việc có dấu hiệu hình sự, cần phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.

Đây là điều gây bức xúc trong dư luận, bởi khách hàng đến gửi tiền tại ngân hàng thì đó là tài sản của ngân hàng. Khi ngân hàng để mất thì phải có trách nhiệm sớm bồi hoàn cho khách hàng. Thực tế, ở nhiều nước trên thế giới, khi xảy ra việc khách hàng bị mất tiền trong tài khoản, ngân hàng thường nhanh chóng hoàn trả lại số tiền đã mất cho khách hàng trước, rồi sau đó mới tiến hành tìm hiểu, xử lý vụ việc. Điều này vừa giúp củng cố niềm tin của khách hàng, vừa gia tăng uy tín cho ngân hàng.

Ngay sau khi có sự cố tại Eximbank, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện việc bảo đảm an toàn giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm. Trong khi đó, bản thân các ngân hàng cũng tiến hành kiểm tra, rà soát lại quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động này. Nhiều ngân hàng đồng loạt đưa vào sử dụng dịch vụ kiểm tra số dư sổ tiết kiệm trực tuyến.

Cần phải nói thêm rằng, không phải các ngân hàng “mất bò mới lo làm chuồng”, mà dịch vụ tra cứu số dư tài khoản đã được tất cả ngân hàng áp dụng từ lâu thông qua dịch vụ Internet Banking hay Mobile Banking. Tra cứu số dư sổ tiết kiệm chỉ là một dịch vụ phái sinh trong các dịch vụ ngân hàng trước đó. Tuy nhiên, chính sách tính phí tra cứu tại mỗi ngân hàng là khác nhau nên nhiều khách hàng không nắm rõ về việc ngân hàng có dịch vụ tra cứu số dư trong tài khoản tiết kiệm hay không.

Chính vì thế, việc các ngân hàng đưa thêm dịch vụ mới giúp người dùng dễ dàng tra cứu thông tin sổ tiết kiệm là rất cần thiết. Dù vậy, người gửi tiền vẫn cần thận trọng hơn trong các giao dịch ngân hàng, nâng cao ý thức về an ninh bảo mật, tuân thủ đầy đủ quy trình giao dịch với ngân hàng để tránh rủi ro mất tiền. 

Tin bài liên quan