Bài 1: Tiền ảo, không chỉ cấm là xong
Cuối năm 2017, đầu năm 2018, từ khóa “đào bitcoin” được người dùng Việt Nam tìm kiếm nhiều nhất trên Google chỉ sau câu hỏi “bitcoin là gì?”. Ðiều này phần nào cho thấy sự thu hút của bitcoin nói riêng và thị trường tiền điện tử nói chung tại Việt Nam.
Ðào hy vọng - bán niềm tin
Theo ghi nhận của trang CoinMarketcap (một trang mạng uy tín, cập nhật thống kê liên tục giá trị vốn hóa của thị trường tiền điện tử), bitcoin thiết lập mức giá 19.978 USD vào ngày 17/12/2018, sau nhiều ngày tăng nóng - đỉnh cao nhất kể từ tháng 2/2018, khi đồng tiền ảo này liên tục mất giá và thậm chí xuống mức 3.300 USD.
Thông tin này khiến dân chơi “coin” chuyên nghiệp hào hứng và ngay cả thị trường mua bán máy đào coin cũng nóng trở lại, còn đa số người dân vẫn bán tín bán nghi về một “đồng tiền không có thực” lại có giá đến cả chục ngàn USD.
Thực tế, thị trường tiền ảo hiện nay không chỉ có bitcoin mà bao gồm hàng loạt đồng tiền khác, tạo nên một thị trường sôi động, đầy mạo hiểm và hấp dẫn.
Nói về các đồng tiền này cần bắt đầu từ khái niệm “đào coin”. Ðây là quá trình mà các đồng tiền ảo, tiền điện tử, tiền mã hóa hay tiền kỹ thuật số được tạo ra trên các mạng lưới blockchain bởi các cá nhân hoạt động độc lập hoặc một nhóm. Một thợ đào (miner) được biết đến như một nút (node). Có 2 mục đích chính của việc đào coin: tạo ra nhiều đồng tiền hơn và để xác nhận tính hợp lệ của các giao dịch sử dụng tiền trong lưu thông.
Từ công việc lắp máy lạnh cho các khách hàng đào coin có trang trại tại Buôn Ma Thuột, T.L.V (sinh năm 1993) bị cuốn vào cuộc chơi mà anh tự nhận là “đầy tốn kém”, “đào hy vọng - bán niềm tin”.
T.L.V, một trong những người đầu tiên tại Buôn Ma Thuột đào tiền ảo Ethereum (ETH) từ năm 2016. Thời điểm bắt đầu, T.L.V đầu tư 1 dàn máy với giá 60 triệu đồng, thu về lợi nhuận 300 USD Mỹ/tháng (khoảng 6,8 triệu đồng). Mặc dù chi phí bỏ ra ban đầu khá lớn (chưa kể chi phí thường xuyên như tiền điện) nhưng do lợi nhuận đạt được kỳ vọng nên T.L.V quyết định đầu tư trang bị thêm 9 dàn máy mới.
Ðược biết, ETH là một loại tiền mã hoá (cryptocurrency) được xây dựng vào năm 2013 bởi Vitalik Buterin, thường được gọi là bitcoin 2.0. Ðây không chỉ là một đồng tiền ảo mà nó còn là nền tảng tạo ra nhiều ứng dụng khác thông qua ngôn ngữ lập trình Solidity.
ETH hoạt động trên một blockchain tương tự như bitcoin. Không chỉ làm được những gì mà bitcoin đã làm được trước đó, ETH còn có nhiều cải tiến đầy mới mẻ nên đã thành công vang dội ở thời điểm này. ETH luôn sát theo sau bitcoin với vị trí thứ 2 trên CoinMarketcap.
Ưu điểm của ETH so với bitcoin có thể kể đến như có khả năng tạo khối nhanh (khoảng 14 giây), việc giao dịch diễn ra rất nhanh chóng, cùng với đó là số lượng ETH không giới hạn. Ngoài ra, phí giao dịch của ETH được trả bằng Gas (có thể quy đổi được ra ETH), được tính toán dựa trên độ phức tạp của thuật toán, có mức độ sử dụng băng thông và nhu cầu lưu trữ. Những người đầu tiên đào bitcoin nắm giữ lượng lớn số bitcoin đang phát hành, còn với ETH thì có 13% số ETH được bán cho những người đã tài trợ dự án lúc đầu.
“Tóm lại, bitcoin là đồng tiền khai sinh đầu tiên trong lĩnh vực tiền điện tử mang những đặc tính riêng như không có đơn vị, tổ chức nào kiểm soát được mạng lưới của bitcoin. Còn ETH - đồng tiền tôi đào được tạo thành dựa trên nền tảng bitcoin nhưng có hình thức bảo mật cao hơn, đào dễ hơn và hiện đang là đồng tiền cạnh tranh với bitcoin”, T.L.V nói.
Với “vũ khí” gồm 10 dàn máy, lợi nhuận mà T.L.V thu về đạt 100 USD/ngày vào thời điểm 2017 khi giá của ETH là 1.000 USD/ETH. Trừ đi chi phí tiền điện cho 10 dàn máy là 15 triệu đồng/tháng, số tiền thu về vẫn kha khá. Tuy vậy, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, bước sang năm 2018, giá ETH giảm đột ngột từ 1.400 USD/ETH xuống còn 80 USD/ETH.
Trong bối cảnh đó, T.L.V bán đi 2 máy, lợi nhuận thu về trong tháng chỉ vào khoảng 7,2 triệu đồng (tương đương đào được 3 đồng ETH/tháng), trong khi chi phí tiền điện là 12 triệu đồng/tháng. Vào thời điểm tháng 6/2019, giá ETH đã có sự khởi sắc, nhích lên mức 250 USD/ETH.
“100 đồng ETH là 3 bitcoin; hiện tôi có 2 bitcoin (1 bitcoin hiện có giá khoảng 9.000 USD), tương đương khoảng 80 đồng ETH. Mặc dù có thời điểm lỗ nhưng tôi vẫn tiếp tục cuộc chơi, đào để tích trữ cho tương lai xa”, T.L.V nói.
“Sốt” mua thiết bị đào tiền ảo
Quay trở lại thời điểm cuối năm 2013, năm bitcoin “đặt chân” tới thị trường Việt Nam thông qua việc Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam hợp tác với Bits of Gold, một pháp nhân có quốc tịch Israel, nhưng tất cả chỉ dừng ở đó và chỉ đến đầu năm 2014, những giao dịch đầu tiên mới xuất hiện.
Ðến tháng 6/2015, Bitcoin Việt Nam đã khai trương dịch vụ Cash2VN thực hiện chuyển tiền quốc tế đến Việt Nam bằng cách sử dụng bitcoin với mức phí cố định là 2 USD mỗi giao dịch. Lần đầu tiên dịch vụ này đã xử lý hơn 100.000 USD tiền chuyển về với các khoản thanh toán được thực hiện bằng đồng Việt Nam.
Cuối năm 2016 và năm 2017, cơn sốt bitcoin lan rộng trên toàn cầu khi có đến vài trăm triệu người trên thế giới đổ xô khai thác, mua bán đồng tiền điện tử này và Việt Nam không phải ngoại lệ. Theo đó, riêng ở Việt Nam, có khoảng 1 triệu người tham gia vào làn sóng “đào - mua bán” bitcoin. Ðây cũng là thời điểm mà phong trào mua thiết bị đào tiền ảo tại Việt Nam phát triển nóng. Số lượng linh kiện điện tử liên quan đến máy đào bitcoin, trong đó có thành phần chính là Card đồ hoạ nhập về Việt Nam tăng đột biến.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, đến đầu tháng 4/2018, cả nước có khoảng 15.600 máy đào tiền ảo, gồm máy tính kèm Card đồ họa GPU, máy đào chuyên dụng bitmain dựa trên công nghệ FPGA (Field of Programming Gate Array)… được nhập khẩu.
Cụ thể, năm 2017, lượng máy nhập về là hơn 9.300 bộ, trong đó hơn 2.300 bộ nhập về Hà Nội, khoảng 7.000 đưa về TP.HCM, sau đó là Ðà Nẵng. Năm 2018, chỉ riêng 4 tháng đầu năm, lượng máy đào nhập về Việt Nam đã đạt con số 6.300 bộ, tập trung chủ yếu tại Hà Nội (hơn 4.300 bộ) và TP.HCM (2.000 bộ).
Cùng với cơn sốt bitcoin trên toàn thế giới, Việt Nam chứng kiến sự tham gia sôi động của các cá nhân vào những giao dịch mua bán bitcoin, phát hành tiền ảo để huy động vốn. Trên một số sàn giao dịch bitcoin lớn của thế giới như Bittrex.com, Poloniex.com, Coinmarketcap.com, Wex.nz…, lượng truy cập của người Việt Nam luôn nằm trong Top 5 cùng với các quốc gia như Mỹ, Nga, Nhật Bản và tăng rất nhanh theo thời gian.
Dù số lượng người Việt Nam truy cập vào những sàn giao dịch kể trên trong những tháng đầu năm 2019 đã suy giảm nhiều nhưng vẫn luôn đứng trong tốp đầu so với các quốc gia khác trên thế giới.
Hệ lụy xuất hiện
Với sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của thị trường tiền điện tử, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, chưa kịp hoàn thiện khung pháp lý để điều chỉnh các hoạt động này, dẫn tới rủi ro cho các nhà đầu tư khi tham gia giao dịch mua - bán các loại tiền ảo.
Việc quản lý càng trở nên cấp bách khi đầu tháng 4/2018, vụ lừa đảo 15.000 tỷ đồng xảy ra tại TP.HCM đã cho thấy sự bất cập trong công tác quản lý khi có tới hơn 32.000 người bị lừa thông qua mô hình đầu tư tiền ảo iFan, Pincoin.
Cụ thể, ngày 21/5/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an chính thức vào cuộc điều tra vụ nhà đầu tư tố đường dây “tiền ảo” lừa 15.000 tỷ đồng liên quan đến Công ty cổ phần Modern Tech. Sự vụ như sau, ngày 15/11/2017 và ngày 5/12/2017 tại Hà Nội và TP.HCM, Hồ Xuân Văn, Diệp Khắc Cường, Lê Ngọc Tuấn và một số người đứng ra tổ chức sự kiện và phát hành iFan với giá khởi điểm 1,6 USD/iFan. Nhóm này hứa hẹn trả nhà đầu tư mức lãi suất ít nhất 48%/tháng và tùy theo từng gói đầu tư từ 100 - 100.000 USD mà có lãi từ 0,1 - 0,35%/ngày.
Ngoài ra, Modern Tech thực hiện chi trả hoa hồng môi giới với 8 cấp khác nhau, tương ứng mức 0,1 - 8% trên số tiền nhà đầu tư mới tham gia. Sau khi thu được món tiền lớn, nhóm thành lập iFan tuyên bố huỷ bỏ hình thức trả thưởng như đã hứa, thay vào đó, trả lại nhà đầu tư bằng các đồng iFan với giá tự quy định là 5 USD/iFan, trong khi giá trị thực trên thị trường tự do chỉ 0,01 USD/iFan.
Sau đó, thêm một vụ việc nữa khiến thị trường tiền điện tử Việt Nam dậy sóng. Ngày 19/7/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Hữu Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần VNCOINS, trước đó mang tên Công ty OTCMAX (trụ sở tại phường Ða Kao, Quận 1, TP. HCM); Phạm Việt Sơn, Tổng giám đốc; Nguyễn Hồng Quân phụ trách bộ phận kỹ thuật của Công ty để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Dù không có bất cứ hoạt động sản xuất - kinh doanh nào nhưng Nguyễn Hữu Tiến lấy danh nghĩa Công ty OTCMAX tổ chức nhiều buổi hội thảo quảng bá, kêu gọi các nhà đầu tư hợp tác góp vốn thực hiện nhiều dự án với số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng… Theo đó, OTCMAX lôi kéo các nhà đầu tư tham gia bỏ tiền thật để mua tiền ảo, là một dạng mã code hay còn gọi là mã đầu tư (dãy số ảo có 9 - 10 ký tự) với mệnh giá từ 2,5 - 250 triệu đồng. Công ty ký hợp đồng thoả thuận hợp tác đầu tư với cam kết trả lợi nhuận theo các gói đầu tư liên tục trong thời gian 90 ngày làm việc, mức lãi suất “khủng” 1,8%/ngày.
Ðáng chú ý, trong Top 5 vụ lừa đảo lớn nhất thế giới tại thị trường tiền điện tử, vụ việc của iFan, Pincoin tại Việt Nam xếp thứ nhất về quy mô và mức độ thiệt hại.
Tiến sĩ Ðặng Minh Tuấn, Trưởng phòng Lab Blockchain, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chia sẻ, trong lĩnh vực này, ai cũng có thể tạo ra một hệ sinh thái mới, một đồng tiền ảo mới rất nhanh chóng, dễ dàng, bởi tất cả nền tảng kỹ thuật số là mã nguồn mở. Ðiều này tạo nên rủi ro rất lớn cho những nhà đầu tư thiếu hiểu biết, khi tin tưởng vào những lời giới thiệu “tốt đẹp” của các đối tượng lừa đảo, rót tiền đầu tư. Chưa kể, khi sự cố xảy ra, nhà đầu tư thiếu sự hỗ trợ của pháp luật.
Những hệ lụy kể trên là một trong những lý do khiến Bộ Tài chính đề xuất áp dụng biện pháp tạm dừng nhập khẩu đối với các loại máy đào tiền ảo. Ðồng thời, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Ðiều này cho thấy, hành động của các cơ quan quản lý của Việt Nam với sự phát triển của thị trường bitcoin và các vấn đề liên quan tương đối kịp thời. Song đây vẫn là phản ứng bị động, thiếu tính hệ thống, nhất là khung khổ pháp lý liên quan đến tiền ảo và bitcoin còn hạn chế, thiếu đồng bộ.
Tiền ảo tạo nên một thách thức trong quản lý, nhưng những câu chuyện phía trên mới dừng ở mức có thể hình thành tệ nạn, tội phạm trong xã hội. Và nếu chỉ như thế thì vấn đề chưa thực sự quá lớn, điều mà nhà quản lý lo ngại nảy sinh với đồng tiền điện tử đó là nguy cơ làm biến dạng khả năng kiểm soát tiền tệ của ngân hàng trung ương, khiến giới chức quản lý cần tìm cách thức hóa giải.
Hiện có 2.318 đồng tiền kỹ thuật số (số liệu ngày 6/7/2019), với bitcoin đứng đầu. Tiếp theo là ETH, tỷ lệ đồng ETH/bitcoin = 0,029, tức là 1 đồng ETH = 0,029 đồng bitcoin, 100 đồng ETH = 2,9 đồng bitcoin.
Xếp thứ ba là đồng Dash, phát triển từ một mã nguồn mở peer to peer và hoạt động dựa trên nền tảng InstantSend (giao dịch tức thời) và PrivateSend (giao dịch có tính riêng tư). Dash cũng được sử dụng để giao dịch, mua các loại hàng hóa. Dash ra đời đã giải quyết được những khó khăn mà bitcoin gặp phải trước đây như tăng tốc độ giao dịch, tăng tính riêng tư tài chính tốt hơn và đồng thời phát triển hệ thống quản trị, kinh phí cũng được phân cấp rõ ràng.
Tỷ lệ đồng dash/bitcoin = 0,016, tức là 1 đồng dash = 0,016 đồng bitcoin hay 100 đồng dash = 1,6 đồng bitcoin. Xếp thứ tư là litecoin, ra mắt tháng 9/2011 bởi cựu nhân viên Google là Charles Lee như một sản phẩm thay thế bitcoin. Người dùng cũng có thể khai thác, sử dụng nó để trao đổi lấy sản phẩm và dịch vụ.
Ở thời điểm tháng 7/2016, giá trị của litecoin đạt 180 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 1,2 tỷ USD năm 2013. Tỷ lệ đồng litecoin (LTC)/bitcoin = 0,013, tức là 1 đồng LTC = 0,013 đồng bitcoin hay 100 đồng LTC = 1,3 đồng bitcoin. Xếp thứ năm là monero, được biết đến như một loại tiền ảo bí mật, sử dụng công nghệ chữ ký nhóm, tạo sự an toàn, bảo mật và không để lại dấu tích.
Với giá trị thị trường khoảng 138 triệu USD, monero chủ yếu được sử dụng bởi các cá nhân muốn ẩn danh trên mạng Internet. Tỷ lệ đồng monero (XMR)/bitcoin = 0,0107, tức là 1 đồng XMR = 0,0107 đồng bitcoin hay là 100 đồng XMR = 1,07 đồng bitcoin. (Tỷ lệ chuyển đổi giữa bitcoin và các đồng tiền khác tính theo trang Poloniex.com - một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, vào cuối tháng 6/2019).