Lãi suất khó giảm trên diện rộng

Lãi suất khó giảm trên diện rộng

(ĐTCK) Ngược với quyết định giảm cắt giảm lãi suất cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên của Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, Techcombank và VPBank, các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần còn lại đang đẩy lãi suất lên và dự báo có thể tạo hiệu ứng lan rộng trong hệ thống.

Nâng lãi suất để hấp dẫn khách hàng

Ông Ngô Ðăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại hối Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, trong bối cảnh giảm lãi suất của hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa cụ thể hóa việc điều chỉnh lãi suất điều hành nhưng đã giảm lãi suất tín phiếu 25 điểm phần trăm xuống 2,75%/năm cho kỳ hạn ngắn 7 ngày.

Ðộng thái này được thực hiện khi thanh khoản tiền đồng trên thị trường liên tục dồi dào, đồng thời nhằm duy trì dư địa cho chính sách tiền tệ điều hành theo hướng linh hoạt, dễ dàng ứng phó với những bất ổn nếu có từ trong và ngoài nước. Trên thị trường 1, vào đầu tháng 8 này, một loạt các NHTM lớn trong nước cũng tuyên bố giảm lãi suất cho vay vào một số lĩnh vực ưu tiên.

Theo đó, 6 ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay từ thời điểm 1/8 đối với các khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN với lãi suất giảm từ 0,5-1 điểm phần trăm, dao động từ 5,5-7,5%/năm cho kỳ ngắn hạn. Tuy nhiên, phân tích của một chuyên gia kinh tế cho rằng, nhóm những NHTM có vốn nhà nước thuận lợi trong việc giảm lãi suất bởi có nguồn tiền gửi không kỳ hạn từ Kho bạc Nhà nước.

“Số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các NHTM ước tính tiếp tục được duy trì ở mức cao. Tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp cùng với việc ngân sách nhà nước được duy trì ở mức thặng dư đã khiến cho số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các NHTM liên tục được giữ ở mức cao kể từ đầu năm đến nay”, một báo cáo của Nhóm Nghiên cứu, Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ của BIDV thông tin.

Ðược biết, hoạt động giải ngân vốn ngân sách nhà nước vẫn khá ảm đạm, 6 tháng đầu năm chỉ đạt 36,8% kế hoạch năm và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước (năm 2018 lần lượt là 35,3% và 9,5%). Dự kiến, lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước trong quý III/2019 có thể chỉ giảm nhẹ khoảng 10.000-20.000 tỷ đồng khi vẫn chưa có nhiều dấu hiệu tích cực cho hoạt động đầu tư công trong thời gian sắp tới.

Trong khi đó, các NHTM cổ phần lại rộn ràng tăng lãi suất. Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết: “Nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh khởi sắc trong các tháng cuối năm, hiện nhiều ngân hàng trên thị trường đang đẩy mạnh huy động vốn, đặc biệt là các kỳ hạn dài. Nắm bắt xu hướng này, SHB triển khai chương trình ‘Kỳ hạn vàng tri ân khách hàng’ với lãi suất hấp dẫn để thu hút khách hàng”.

Với chương trình này, các khách hàng mở mới sổ tiết kiệm bậc thang theo số tiền tại quầy giao dịch SHB trên toàn quốc với kỳ hạn 9 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất lên tới 8,2%/năm. SHB đang là một trong những ngân hàng niêm yết mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường ở kỳ hạn 9 tháng.

Bên cạnh lãi suất huy động tiền gửi tăng, lãi suất phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng tăng theo. Viet Capital Bank phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao nhất lên đến 10,2%/năm cho kỳ hạn 60 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Khách hàng lĩnh lãi 6 tháng 1 lần, lãi suất tiền gửi Viet Capital Bank áp dụng 9,7%/năm. Bên cạnh đó, kỳ hạn 24 tháng đến 48 tháng, lãi suất dao động 9,5-10%/năm.

VIB cũng vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất trên 9,1%/năm. Cụ thể, từ ngày 8/8, VIB đã phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng, trả lãi 12 tháng với lãi suất 9,1%/năm. Số tiền gửi tối thiểu chỉ 10 triệu đồng. Mức lãi suất 9,1%/năm cũng đang là mức lãi suất huy động của ngân hàng cao nhất hiện nay.

Mặt bằng lãi suất đi ngang hoặc tăng nhẹ

Chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Khoa nhận định, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất trên thị trường tiền tệ linh hoạt, đặc biệt thông qua công cụ tín phiếu và OMO nhằm điều tiết dòng tiền thị trường. Mặt bằng lãi suất bình quân liên ngân hàng mặc dù cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn được duy trì tương đối ổn định nhằm tránh gây áp lực lên tỷ giá và lạm phát.

Ðộng thái NHNN cắt giảm lãi suất tín phiếu 25 điểm phần trăm xuống 2,75%/năm cho kỳ hạn ngắn 7 ngày được nhiều nhà phân tích đánh giá là nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, về lý thuyết, các chuyên gia kinh tế cho rằng, có thể phần nào khuyến khích các ngân hàng tăng cường cho vay, giúp tăng cung vốn (do mua tín phiếu không được hưởng lãi cao như trước), nhưng tác động về mặt thực tế sẽ không lớn.

Quả thực, khác với ngân hàng trung ương các nước phát triển, việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam thiên nhiều về trần tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng cung tiền M2, chứ không điều tiết gián tiếp thông qua lãi suất. Cơ chế lan truyền từ lãi suất liên ngân hàng ngắn hạn đến lãi suất cho vay trên thị trường cũng rất hạn chế. Chưa kể thanh khoản hệ thống, dù dư thừa (thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp) nhưng không đại diện cho toàn bộ hệ thống. Thanh khoản giữa các ngân hàng hiện vẫn đang phân hóa mạnh, dẫn đến lãi suất huy động sẽ tiếp tục neo ở mức cao.

“Với các diễn biến trên thực tế, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam có thể được điều chỉnh giảm ở một số lĩnh vực ưu tiên, nhưng khó thiết lập được mặt bằng lãi suất mới thấp hơn hiện nay. Ðó là chưa kể mùa vụ kinh doanh cuối năm đang đến rất gần”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Thực tế khảo sát lãi suất của các ngân hàng cho thấy, lãi suất huy động tại các NHTM vẫn duy trì ở mức cao, đặc biệt là các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Các đợt phát hành trái phiếu gần đây cũng khiến chi phí huy động của ngân hàng tăng.

Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới dưới tác động cơ cấu lại nguồn vốn trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng. Theo đó, việc lãi suất tín phiếu và lãi suất liên ngân hàng giảm trong tháng 7 có tác động rất hạn chế đối với khả năng giảm mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường trong thời gian tới.

“Dự báo thanh khoản thị trường tiền Ðồng liên ngân hàng sẽ tiếp tục ổn định trong tháng 8. Mặt bằng lãi suất dự kiến có thể sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ so với mức cuối tháng 7, dao động trong biên độ 2,8-3,2% kỳ hạn qua đêm - 1 tuần. Lãi suất bình quân VND dự kiến vào khoảng 3,0-3,2% với kỳ hạn 1 tuần và khoảng 4,0 - 4,2% kỳ hạn 3 tháng”, một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định.

Tin bài liên quan