Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm

Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm

(ĐTCK) Mặc dù trần huy động đầu vào được dự báo sẽ khó có thể điều chỉnh giảm thêm so với mức hiện tại, bởi lạm phát mục tiêu năm nay dự kiến được kiểm soát như năm 2013. Nhưng với lãi suất cho vay, các nhà băng cho rằng, sẽ khó giữ nguyên, có thể giảm thêm 1 - 1,5%/năm...

Chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Lê Hùng Dũng cho rằng, cạnh tranh cho vay trong lúc này hết sức gay gắt, vì khách hàng tốt rất ít, trong khi nguồn vốn khả dụng dôi dư. Do đó, lãi suất cho vay hiện nay dù đã ở mức thấp, nhưng nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục điều chỉnh giảm thêm trong thời gian tới, mới có thể kỳ vọng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Lãi suất cho vay tại Eximbank hiện chỉ còn dao động từ 7 - 8%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp, thậm chí còn thấp hơn đối với những doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ông Dũng, điều quan trọng hơn đối với doanh nghiệp trong lúc này chưa hẳn là lãi suất, mà chính là làm thế nào để khơi thông được dòng chảy vốn. Bởi nếu không tìm được đầu ra cho hàng hóa, dù lãi suất có thấp, doanh nghiệp cũng sẽ không mặn mà vay vốn mở rộng sản xuất - kinh doanh. Điều này được chứng minh khi quý IV vừa qua, nhu cầu vốn không tăng.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, quyền Tổng giám đốc SCB nhận định, lãi suất trong năm nay vẫn trong xu hướng điều chỉnh giảm thêm. Nhưng mức giảm sẽ không thể kỳ vọng nhiều như trước đây, mà chỉ có thể trên dưới 1%, do chi phí huy động vốn đầu vào khó giảm thêm so với mức trần 7%/năm đang áp dụng.

Trong khi đó, theo ông Tay Han Chong, Tổng giám đốc MeKong Bank, để khơi thông dòng chảy tín dụng, việc giảm lãi suất cũng là điều cần thiết, nhất là khi tồn kho và sức mua vẫn là rào cản lớn trong quá trình tăng trưởng dư nợ tín dụng.

“Bản thân MeKong Bank đã tự điều chỉnh lãi suất cho vay theo hướng giảm dần để thu hút khách hàng vay vốn”, ông Chong nói và cho biết, mức lãi suất ưu đãi nhất hiện nay được MeKong Bank áp dụng cho xuất khẩu vào khoảng 9 - 10%/năm.

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cũng đưa ra nhận định, với chiều hướng lãi suất giảm dần là điều kiện tốt để kích cầu tín dụng, nhưng chưa thể kỳ vọng tín dụng tăng trưởng mạnh. Thực tế, trong thời gian qua, Sacombank đã giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp, thậm chí dưới cả trần huy động trong các chương trình bình ổn giá dịp Tết, lãi suất cho vay chỉ 6 - 6,5%/năm. Song theo ông Khang, dư nợ tín dụng vẫn khó đột biến.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP. HCM cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, lãi suất giảm sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí trong hoạt động, tạo điều kiện khôi phục sản xuất - kinh doanh. Do đó, theo bà Hồng, dù lãi suất huy động đầu vào khó kỳ vọng giảm nhiều so với trần 7%/năm hiện nay, nhưng với lãi suất cho vay, ngành ngân hàng cần xem xét để điều chỉnh giảm thêm, đặc biệt là đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (sản xuất - kinh doanh, xuất - nhập khẩu, cho vay DN vừa và nhỏ, nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ), lãi suất cho vay cần điều chỉnh giảm thêm.

Nói về xu hướng lãi suất tiết kiệm năm nay, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, có thể lãi suất huy động sẽ dần đi vào ổn định và không giảm nhiều so với mặt bằng các ngân hàng đang áp dụng. Nếu lạm phát được kiểm soát như năm qua, lãi suất huy động sẽ chỉ giảm rất ít. Tuy nhiên, với lãi suất cho vay, theo TS. Kiêm, muốn thu hút được khách hàng, chắc chắn ngân hàng sẽ phải điều chỉnh giảm thêm, nhưng có thể mức giảm sẽ không còn nhiều như thời gian trước đây.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho hay, trong một cuộc thăm dò ý kiến của các NHTM được NHNN thực hiện mới đây, các NHTM cũng có kiến nghị giảm thêm 1 - 1,5%/năm lãi suất cho vay trong năm nay, để kích cầu tăng trưởng tín dụng.

“Năm 2013 được xem là năm thành công của NHNN trong quá trình điều hành lãi suất khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Trong năm nay, NHNN tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, để khi có cơ hội, sẽ điều chỉnh giảm thêm lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, nhưng có thể chỉ giảm nhẹ”, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết.

Tin bài liên quan