Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 0,5-1%/năm.

Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 0,5-1%/năm.

Lãi suất cho vay giảm, cơ hội vay vốn giá rẻ

(ĐTCK) Sau động thái giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhiều ngân hàng trong nước đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay...

Lãi suất cho vay đang "hạ nhiệt"

Ngày 1/8 vừa qua, Fed chính thức công bố hạ lãi suất cho vay qua đêm chuẩn 25 điểm cơ bản xuống 2-2,25%/năm. Ðây là lần đầu tiên kể từ năm 2008 cơ quan này thực hiện cắt giảm lãi suất. Theo giới phân tích, mặc dù thị trường lao động Mỹ vẫn mạnh và kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức độ vừa phải, nhưng do lạm phát tại Mỹ vẫn ở dưới mức mục tiêu 2% và kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại nên Fed cắt giảm lãi suất để thúc đẩy lạm phát tăng tốc đạt mục tiêu, cũng như đạt trạng thái toàn dụng lao động.

Việc giảm lãi suất lần này của Fed không nằm ngoài dự đoán của thị trường cả về thời điểm lẫn mức độ. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, động thái giảm lãi suất của Fed được nhận định là điều sớm muộn gì cũng phải xảy ra khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy giảm rõ nét, thương mại toàn cầu sụt giảm mạnh bởi người dân tỏ ra bi quan hơn về tăng trưởng kinh tế, dẫn đến tiết kiệm tăng lên, tiêu dùng giảm đi.

Quyết định giảm lãi suất của Fed ngay lập tức tác động mạnh tới thị trường chứng khoán cũng như giá vàng thế giới, đồng thời gây áp lực nhất định đối với tỷ giá và lãi suất của Việt Nam trong tương quan với đồng tiền khác. Trước thực tế này, nhiều ngân hàng đã chủ động trong việc cắt giảm lãi suất cho vay.

Vietcombank vừa công bố áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam ở mức tối đa là 5,5%/năm, giảm 1 %/năm so với mức quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Thời gian áp dụng từ 1/8 đến 31/12/2019, dành cho tất cả các khoản cho vay hiện hữu cũng như vay mới thuộc các lĩnh vực như phát triển nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Theo lãnh đạo Vietcombank, việc giảm lãi suất lần này được triển khai trên phạm vi rộng với dư nợ cho vay tương đương 38% dư nợ cho vay ngắn hạn hiện hành và chiếm gần 20% tổng dư nợ cho vay nội tệ hiện hữu của Ngân hàng.

Tương tự, VietinBank giảm 0,5%/năm mức sàn lãi suất cho vay VND ngắn hạn đối với các nhu cầu vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo chuỗi liên kết, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

BIDV giảm trần lãi suất cho vay xuống 5,5%/năm đối với 3 nhóm khách hàng ưu tiên, mức này giảm 0,5%/năm và thấp hơn 1%/năm so với quy định. Bên cạnh đó, BIDV còn triển khai 2 gói tín dụng quy mô 70.000 tỷ đồng với lãi suất giảm 0,5%/năm so với hiện nay dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cơ hội được vay vốn rẻ

ACB vừa công bố gói vay 3.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm kể từ ngày 1/8/2019. Gói vay này bao gồm chương trình ưu đãi SME 2019 và chương trình tín dụng kết nối ngân hàng - doanh Nghiệp dành cho khách hàng doanh nghiệp.

Cụ thể, với chương trình SME 2019, những khách hàng thỏa mãn điều kiện sẽ được hưởng lãi suất vay ngắn hạn tối thiểu 7,5%/năm cùng với ưu đãi phí dịch vụ. Với Chương trình tín dụng kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, ACB hướng đến các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM đang hoạt động trong các ngành nghề trọng tâm của Thành phố, mức lãi suất vay ngắn hạn từ 7,5%/năm, trung - dài hạn từ 9%/năm.

"ACB tích cực thực hiện chủ trương của NHNN bằng nhiều gói vay ưu đãi, linh hoạt với từng nhóm đối tượng. ACB mong muốn thực hiện tốt vai trò hỗ trợ, giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn vốn, từ đó đẩy mạnh tăng trưởng trong kinh doanh”, ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB chia nói.

Lãi suất cho vay giảm, cơ hội vay vốn giá rẻ ảnh 1

Từ nay đến hết năm 2019, VPBank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các SME có nhu cầu vay để bổ sung vốn lưu động. Theo đó, khách hàng sẽ được giảm 1%/năm lãi suất với các khoản vay tín chấp và 0,5%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm.

Ðối tượng được hưởng chính sách là các SME hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật và VPBank.

Lãnh đạo VPBank chia sẻ, với chính sách này, VPBank kỳ vọng sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, khơi thông nguồn vốn trong giai đoạn hiện nay.

"Ngoài ra, VPBank còn giới thiệu tới các SME những sản phẩm cho vay tín chấp khác biệt, giúp các doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận với nguồn vốn lên tới 5 tỷ đồng mà không cần tài sản thế chấp, hoặc cấp cho các SME sản phẩm thẻ tín dụng doanh nghiệp VPBiz cho phép doanh nghiệp vay nhanh tới 2 tỷ đồng..." lãnh đạo VPBank nói.

Từ nay đến hết ngày 31/12/2019, ABBank cho vay với lãi suất từ 7%/năm nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính của các khách hàng cá nhân giai đoạn cuối năm, với hạn mức giải ngân 3.600 tỷ đồng. Ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank thông tin, với gói vay này, khách hàng sẽ vừa đảm bảo được dòng tiền khi nhu cầu sử dụng vốn đang tăng cao, vừa giảm bớt gánh nặng lãi suất trả nợ vào thời điểm cuối năm...

Lãi suất cho vay giảm mang lại cơ hội được vay vốn rẻ cho người cần vốn, đặc biệt với cá nhân có nhu cầu mua nhà để ở. Thực tế, ngôi nhà luôn là niềm ao ước của mọi người để có thể an cư và lập nghiệp. Tuy nhiên, để sở hữu một căn nhà tại thành phố là không dễ, nhất là với những người có thu nhập không cao. Do đó, việc được vay vốn giá rẻ sẽ giúp họ sớm được sở hữu ngôi nhà mơ ước.

Hơn nữa, các ngân hàng còn tạo điều kiện cho người vay được trả góp trong nhiều năm để giúp khách hàng giảm áp lực trả nợ. Ðiều này đặc biệt có ý nghĩa khi giá bất động sản thời gian qua liên tục tăng cao, nếu người có nhu cầu mua không "nhanh tay" thì chi phí phải bỏ ra càng lúc càng nhiều.

Chị Thanh Vy, nhân viên văn phòng tại TP.HCM cho biết, sau thời gian đi thuê trọ, chị đã quyết định vay vốn để mua 1 căn hộ theo hình thức trả góp. Chị tính toán, hiện nay, một phòng trọ dành cho 2 người, tiện nghi phù hợp có giá thuê khoảng 5 triệu đồng/tháng, tức chi phí thuê mỗi tháng là 2,5 triệu đồng/người.

Nhưng nếu mua được một căn hộ chung cư 2 phòng ngủ, chị sẽ ở 1 phòng ngủ và tiết kiệm được 2,5 triệu đồng tiền thuê cho bản thân, đồng thời cho thuê phòng còn lại với giá 5 triệu đồng/tháng. Ðiều này đồng nghĩa chị có thể tiết kiệm được tổng cộng 7,5 triệu đồng mỗi tháng. Nhiệm vụ còn lại chỉ là tiết kiệm thêm 2,5 triệu đồng/tháng để đủ khoản tiền trả góp ngân hàng khoảng 10 triệu đồng/tháng...

"Tôi thấy mình may mắn khi đưa ra quyết định vay vốn đúng lúc, vì nếu chần chừ chờ tích góp đủ tiền mới mua thì cơ hội sở hữu nhà càng lúc càng xa vời”, chị Vy hồ hởi.

Cần thực chất hơn

Một chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá, động thái giảm lãi suất cho vay phần nào phản ánh ngân hàng đang kinh doanh tốt và có đóng góp, hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung. Tuy vậy, việc giảm lãi suất cần thực chất hơn, thay vì chỉ mang tính kêu gọi.

Bởi thực tế, đầu năm 2019, các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối cũng đã giảm lãi suất cho vay ở mức 0,5%/năm, song chỉ dành cho 5 lĩnh vực ưu tiên (sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, SME), chứ không mở rộng cho nhiều ngành nghề. Mặt khác, việc giảm lãi suất cũng chỉ được phát động thời gian ngắn, sau đó trở nên trầm lắng và lãi suất vẫn theo xu hướng tăng, thay vì giảm như thời gian qua.

Lãi suất cho vay giảm, cơ hội vay vốn giá rẻ ảnh 2

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc giảm lãi suất của Fed sẽ khiến ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi phải thận trọng hơn trong các quyết định về lãi suất trong tương lai.

Tại Việt Nam, vào cuối tuần qua, NHNN cắt giảm lãi suất tín phiếu 0,25 điểm phần trăm từ mức 3%/năm về mức 2,75%/năm. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là chính sách nới lỏng tiền tệ hợp lý của NHNN ở thời điểm hiện tại, bởi trong bối cảnh cả thế giới đang rục rịch nới lỏng chính sách tiền tệ, nếu Việt Nam đứng ngoài xu hướng thì hoạt động thương mại quốc tế sẽ thiệt thòi trong tương lai.

Cũng theo BVSC, khác với ngân hàng trung ương các nước phát triển, việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam chủ yếu áp dụng chính sách trần tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng M2 (cung tiền), chứ không điều tiết gián tiếp thông qua lãi suất.

Cơ chế lan truyền từ lãi suất liên ngân hàng ngắn hạn đến lãi suất cho vay trên thị trường cũng rất hạn chế. Chưa kể, thanh khoản hệ thống dù dư thừa được thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp, nhưng không đại diện cho toàn bộ hệ thống.

Tin bài liên quan