Lại kiến nghị nới room ngân hàng

Lại kiến nghị nới room ngân hàng

(ĐTCK) Đây là vấn đề được nêu ra tại Hội thảo “Cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam” vừa tổ chức ngày hôm qua. Mức giới hạn 30% góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá là quá nhỏ.  

Hội thảo “Cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam” do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) phối hợp với Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức sáng 18/3.

Nhiều nội dung đã được các chuyên gia đề cập, nhưng nổi lên là những câu hỏi đâu là giới hạn, rào cản và làm cách nào để khắc phục những vấn đề này để thu hút nhiều hơn đầu tư nước ngoài?

Trên thực tế, các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) thời gian qua đã diễn ra thường xuyên, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, mở ra cơ hội phát triển không chỉ cho các tổ chức trong nước mà còn là cơ hội để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Eurocham, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động M&A tại Việt Nam phát triển khá nhanh trong những năm gần đây. Trong đó, Luật Đầu tư có hiệu lực đã công nhận danh mục đầu tư gián tiếp là một kênh đầu tư chính thức, tạo sân chơi bình đẳng cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Thực tế, trong 5 năm qua, giá trị các thương vụ M&A liên tục tăng trưởng, bất chấp giai đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên, việc quy định sở hữu nước ngoài trong các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là sở hữu trong các tổ chức tín dụng, đang là rào cản cho các nguồn vốn gián tiếp này.

Nghị định 01/2014/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 69/2007/NĐ-CP hướng dẫn việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại các định chế tín dụng Việt Nam, chính thức có hiệu lực từ ngày 20/2/2014, đã làm rõ giới hạn sở hữu nước ngoài đối với lĩnh vực ngân hàng. Theo đó, tỷ lệ cổ phần sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào định chế tín dụng Việt Nam không vượt quá 5% vốn pháp định đối với cá nhân; không quá 15% đối với tổ chức; không quá 20% đối với đối tác chiến lược, nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức liên kết; không quá 30% tổng tất cả đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp đặc biệt tái cấu trúc các định chế tín dụng yếu kém để đảm bảo an toàn hệ thống, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định tỷ lệ sở hữu với từng trường hợp.

Đánh giá về quy định này, quan điểm của Eurocham cũng như ý kiến của đại diện một số ngân hàng nước ngoài có mặt tại Hội thảo đều đồng tình cho rằng, 30% là tỷ lệ quá nhỏ để các tổ chức nước ngoài có thể can thiệp vào hệ thống tổ chức tín dụng và tham gia vào các quyết định quan trọng, qua đó có thể giúp mang lại hiệu quả hơn trong kinh doanh.

“Tỷ lệ 30% có nên là giới hạn?”, ông Nicolas Audier, Giám đốc điều hành của Audier & Partners Viet Nam LLC, Ủy viên Ban điều hành Eurocham đặt câu hỏi và cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là ở các ngân hang nhỏ, là vấn đề nợ xấu. Giải pháp sáp nhập không giải quyết được vấn đề nợ xấu, mà chỉ tạo ra một ngân hàng có quy mô lớn hơn. Vì thế, một phần giải pháp có thể nằm ở việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò lớn hơn, đó là việc tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Đồng tình với quan điểm này, ông Mạc Quang Huy, Giám đốc điều hành CTCK Maritime (MSBS) kiến nghị, nên cởi mở và cần cân nhắc vấn đề nới room sở hữu nước ngoài. Theo ông Huy, hiện nợ xấu, không kiểm soát được rủi ro và hoạt động kém hiệu quả đang là những tồn tại trong hệ thống ngân hàng, vì thế, nếu có sự hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài, vấn đề này sẽ được cải thiện hơn.

Chia sẻ những quan ngại của nhà đầu tư nước ngoài về những rào cản liên quan đến sở hữu nước ngoài, ông Hoàng Xuân Hòa, quyền Vụ trưởng Vụ kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, những kiến nghị trong Sách trắng thường niên có giá trị nhất định đối với môi trường kinh doanh, cũng như đối với các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, đặc thù của ngành ngân hàng là có nền tảng rất lớn và có tác động rất mạnh mỗi khi có sự thay đổi, gây tổn thương cả thuận chiều lẫn trái chiều cho nền kinh tế. Do vậy, mỗi khi có một chủ trương chính sách bao giờ nó cũng cần trải qua một vòng đời để có thể có những tổ chức, cân bằng lại.

Liên quan đến câu hỏi của các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần bao nhiêu thời gian để có nâng tỷ lệ này lên và nếu nâng sẽ là bao nhiêu? Ông Hòa cho rằng, để có thể tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn cho cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, cần có thời gian nhất định để hoàn thiện khung pháp lý, tạo ra môi trường kinh doanh tương đối ổn định.

Về tỷ lệ bao nhiêu là vừa, theo ông Hòa, còn phụ thuộc vào khối lượng nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào thị trường và chất lượng tín dụng của nền kinh tế. Hai yếu tố này sẽ quyết định room sở hữu nước ngoài như nào là phù hợp.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Viện chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, hiện tại, room cho nhà đầu tư nước ngoài trong hệ thống ngân hang vẫn còn nhiều. Tính đến đầu năm 2013, room nhà đầu tư nước ngoài trong hệ thống ngân hàng Việt Nam mới là 6% tổng vốn điều lệ, trong đó chỉ có 1 - 2 ngân hàng hết room này.

Đại diện Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PGS.TS Bùi Tất Thắng cho rằng, Hội thảo là cơ hội thảo là cơ hội để các nhà đầu tư trong nước và nươc ngoài hợp tác. Vì thế, sau hội thảo, Viện sẽ có những kiến nghị lên lãnh đạo Bộ, cũng như Văn phòng Chính phủ. Trong đó, liên quan đến vấn đề sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trong các tổ chức tín dụng Việt Nam, ghi nhận đề nghị nâng trần sở hữu, trước hết là với nhà đầu tư chiến lược.

“Tỷ lệ sở hữu không chỉ đơn thuần là sở hữu về số lượng, mà liên quan đến vấn đề biểu quyết, liên quan đến sự minh bạch của thị trường, đến vấn đề quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng, rộng hơn là liên quan đến môi trường đầu tư tốt. Đó mới là ý nghĩa của kiến nghị này”, ông Thắng nói.

Tin bài liên quan