Ký sự “collector”

Ký sự “collector”

(ĐTCK) Xử lý nợ là một lĩnh vực nóng trong ngành tài chính - ngân hàng, nhất là trong vòng 7 năm trở lại đây. Song hành cùng với những con số nợ xấu tràn lan trên các phương tiện truyền thông, đâu đó chúng ta cũng nghe về những con người này mà từ ngữ chuyên môn thường gọi  là “collector”.

Đó là cái nghề mà tôi làm việc suốt 2 năm nay tại VPBank. Tôi đến với nghề một cách rất ngẫu nhiên khi qua một người bạn cho biết “VPBank đang tuyển cộng tác viên thu hồi nợ”.

Đó là một nghề quá mới mẻ, bắt đầu quá trình tìm hiểu, lên mạng rồi qua sách báo tôi dần định hình công việc mình đang dự định đi phỏng vấn. Rồi đến một ngày, tôi nhận được mail nhân sự gửi về “Chúc mừng bạn gia nhập vào đại gia đình VPBank”. Niềm vui hân hoan cùng sự lo lắng, hồi hộp về công việc mình bắt đầu làm và tôi được phân công vào làm cộng tác viên thu hồi nợ SME/QTRR/VPBANK Hội sở.

Collector theo cách hiểu của tôi và nghĩa riếng Việt là người thu hồi nợ. Tuy nhiên, tùy theo tổ chức, mô hình mà lại có những cách gọi và định nghĩa khác nhau. Tựu chung, chúng tôi vẫn nói vui với nhau rằng mình là người đi đòi nợ giùm cho ngân hàng. Bạn có thể là một tele-collector, một field collector hay là một anh recovery collector. Còn rất nhiều vị trí nữa trong lĩnh vực nghề nghiệp này. Nghề của chúng tôi vui lắm, bạn có thể làm trong một tổ chức lên tới hàng ngàn nhân sự hoặc tổ chức chỉ có mỗi mình bạn phụ trách.

Chắc ai trong nghề cũng biết cái cảm giác chạy số ngày cuối tháng, cái cảm giác như là người chiến thắng và vui đến tột độ mỗi khi có một khoản đóng tiền. Tôi từng chứng kiến cảnh cả văn phòng cùng hò reo khi thu món cuối cùng là đạt được mục tiêu của tháng. Vui lắm, lúc ấy chúng tôi cảm thấy công việc của mình ý nghĩa biết dường nào và tự hào vô cùng...

Rồi những câu chuyện về những “thánh hứa”; những đoạn hội thoại vui; những cú lừa siêu ngoạn mục của các anh/chị khách hàng làm cho công việc của chúng tôi rất hồi hộp, gây cấn và đầy thách thức.

Tuy nhiên, nghề cũng mang lại cho chúng tôi những chiêm nghiệm. Chuyện kể, có anh collector khi đến nhà khách hàng đã khóc khi gặp mẹ khách hàng. Đứng trước hoàn cảnh quá khó khăn của cha mẹ khách hàng, bằng tất cả chân thành, anh ấy đã tặng bác vài kg gạo.

Rồi những câu chuyện với những “khách hàng bất đắc dĩ”: Họ từng là những cá nhân, công ty rất thành công, nhưng lúc ngồi làm việc với chúng tôi, họ đã thất nghiệp, kinh doanh thất bại và đầy bối rối. Bạn sẽ cảm nhận được sự bế tắc và tự hỏi tại sao họ lại không nghĩ về điều này mà quá liều lĩnh lao vào kinh doanh như vậy. Nhiều khi rất đồng cảm nhưng vẫn phải làm công việc của mình, có những lúc chúng tôi nghĩ rằng mình đã đánh mất cảm xúc từ khi nào.

Có một đợt ở phòng tôi, một bạn sinh viên mới ra trường vào làm nửa ngày, thấy mọi người làm việc kinh quá, thế là em ấy xin nghỉ, tìm một cơ hội khác. Thật buồn vì nghề này nó thế, mọi người phải cầm máy điện thoại tối thiểu 5 tiếng một ngày, gặp tối thiểu 200 khách hàng/ngày, không được để các khoản vay trễ hạn mới phát sinh. Khó lắm, mệt lắm, nhưng biết làm sao khi cả một tập thể đang cố gắng mà chúng ta lùi lại được.

Chúng tôi biết em đó sẽ có ấn tượng không tốt về nghề, nhưng đằng sau sự dữ dằn đó vẫn còn nhiều những cá nhân có trình độ, có kỹ năng giao tiếp, rất giỏi về nghiệp vụ… Thế nên, hãy tiếp tục gắn bó để hiểu và nhìn được nhiều hơn nhé các bạn trẻ.

Xã hội chúng ta từ lâu đã có những định kiến không tốt đối với nghề này, tôi không phủ nhận có một số thành phần có những biểu hiện không phù hợp trong xã hội. Tuy nhiên, với một góc nhìn khá phiến diện về toàn nghề là một thiệt thòi quá lớn cho chúng tôi.

Tôi vẫn còn nhớ có một ai đã nói “Đừng bận tâm ai đó nói về những việc bạn đang làm, hãy quan tâm đến kết quả và thứ bạn mang lại cho mọi người”. Hãy tự tin và sống với nghề các collectors nhé, nghề sẽ không bao giờ phụ các bạn đâu!

Tin bài liên quan