Kinh doanh thiếu lối thoát, doanh nghiệp vàng phản ứng

Bị cấm vay mượn vàng, không cho nhập khẩu nguyên liệu, không được kinh doanh vàng tài khoản, nhiều doanh nghiệp vàng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không đề xuất sửa đổi, mà cần đề nghị bãi bỏ hẳn Nghị định 24/2012/NĐ - CP.

Huy động vàng vẫn âm thầm diễn ra

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, hoạt động vay vàng của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng vẫn đang diễn ra. Thực tế, hoạt động này không vi phạm pháp luật, bởi theo quy định hiện hành, NHNN chỉ cấm các tổ chức tín dụng được huy động vàng.

Nhưng theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ - CP đang được lấy ý kiến, hoạt động này sẽ bị cấm, bởi chỉ Nhà nước mới được độc quyền huy động vàng.

Kinh doanh thiếu lối thoát, doanh nghiệp vàng phản ứng ảnh 1

Doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng nguyên liệu, nên kinh doanh vàng trang sức đang teo tóp. Ảnh: Đức Thanh 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, không thể đánh đồng việc huy động vàng của nhà nước để đầu tư phát triển kinh tế với hoạt động vay mượn vàng của doanh nghiệp.

Lý do là, các doanh nghiệp chỉ vay mượn vàng (có trả lãi) để làm nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, chứ không cho vay lại, không thu phí giữ hộ. Nói cách khác, vay vàng là một công đoạn của quá trình sản xuất vàng trang sức và không phát sinh lợi nhuận.

“Việc vay vàng của doanh nghiệp để làm vàng nguyên liệu sản xuất vàng trang sức là phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật cho phép, không thể coi đây là hoạt động kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Hơn nữa, doanh nghiệp vay vàng của dân, nhưng vẫn trả lãi (mặc dù rất thấp) và không cho vay lại, nên đây không phải là hoạt động giữ hộ”, ông Đinh Nho Bảng lập luận.

Theo thống kê của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, những năm qua, số lượng vàng vay cho sản xuất trang sức, mỹ nghệ chỉ dưới 20.000 lượng (khoảng 750 kg vàng), chỉ chiếm khoảng 0,2% quy mô tổng thị trường vàng, hoàn toàn trong tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu so với thời điểm đỉnh cao các ngân hàng thương mại huy động trước đây là 35 tấn vàng, thì con số này rất nhỏ.    

Ngoài huy động vàng, việc NHNN tiếp tục độc quyền nhập khẩu và xuất khẩu vàng miếng cũng bị nhiều doanh nghiệp phản đối, bởi theo họ, chức năng của NHNN là quản lý, chứ không phải kinh doanh.

Hơn nữa, mấy năm gần đây, hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ đình trệ. Doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng nguyên liệu, cũng không thể mua vàng trôi nổi không rõ nguồn gốc trên thị trường, trong khi, nếu dùng vàng miếng chuyển đổi thành vàng trang sức càng lỗ nặng.

Không chỉ doanh nghiệp thiệt hại vì phải mua nguyên liệu trôi nổi giá cao, mà sự thiếu liên thông cũng khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lớn ngày càng lớn, hoạt động xuất lậu, nhập lậu vàng miếng diễn ra, khiến Nhà nước thất thu thuế.

“NHNN cần công bằng hơn với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng. Đừng vì sợ nỗi lo vàng hóa như trước đây mà đẩy doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng vào tình thế không lối thoát. Nếu chính sách của NHNN cởi mở hơn với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng, mỗi năm ngành vàng trang sức của Việt Nam có thể mang về cả tỷ USD”, Tổng giám đốc một doanh nghiệp vàng trang sức kiến nghị.

Hiện tại, NHNN vẫn chưa lên tiếng về đề xuất của Hiệp hội, song nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chưa cấp phép cho doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu, NHNN có thể cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện được vay vàng trong dân với hạn mức nhất định để làm nguyên liệu sản xuất, kinh doanh.

Sàn vàng: Con dao hai lưỡi

Bên cạnh độc quyền huy động vàng, độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng, vấn đề nữa khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn là, độc quyền kinh doanh vàng tài khoản được quy định trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 24. 

Ông Đinh Nho Bảng cho rằng, nên bỏ quy định “Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng tài khoản”, bởi quy định này không rõ ràng (NHNN sẽ giao dịch với tổ chức quốc tế hay tổ chức trong nước). Ngoài ra, quy định này cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, nỗi ám ảnh sàn vàng trong quá khứ đã khiến NHNN lo sợ. Trước mắt, việc NHNN độc quyền kinh doanh vàng tài khoản là phù hợp, giúp thị trường ổn định, hạn chế đầu cơ.

Nên bỏ quy định “Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng tài khoản”, bởi quy định này không rõ ràng

 - Ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, NHNN chỉ nên độc quyền trong vòng 5 năm. Một khi tình trạng đầu cơ trên thị trường đã giảm, thì cần xem xét cho phép các cá nhân, tổ chức được kinh doanh vàng tài khoản, đưa thị trường vàng Việt Nam “hòa nhập” với thị trường vàng thế giới. 

Dẫu vậy, theo đánh giá chung, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ - CP vẫn sơ sài. Các quy định về huy động vàng cũng như kinh doanh vàng tài khoản cần cụ thể hơn.

Cụ thể, có thể NHNN độc quyền kinh doanh vàng tài khoản trên các sàn thế giới, song với thị trường vàng trong nước, để huy động vàng, vẫn cần có sàn giao dịch và mở tài khoản cho người dân, doanh nghiệp có thể tham gia. Việc để ngỏ hành lang pháp lý để có thể triển khai ở thời điểm thích hợp là cần thiết.  

“Việc kinh doanh vàng phái sinh trong điều kiện hiện nay là chưa nên do có nhiều rủi ro, song tương lai, việc mở cửa cho hoạt động này tại Việt Nam cũng cần xem xét”, ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nêu ý kiến.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng cho rằng, trước đây sàn vàng có nhiều hệ lụy bởi kiểm soát không nghiêm. Nếu NHNN vận hành sàn vàng như một sàn chứng khoán, không chỉ có thể huy động được vàng mà còn tạo ra một kênh đầu tư mới cho người dân.

Tin bài liên quan