Kiều hối về TP. HCM năm nay dự kiến vượt con số 
5,5 tỷ USD

Kiều hối về TP. HCM năm nay dự kiến vượt con số 5,5 tỷ USD

Kiều hối bắt đầu chảy mạnh

(ĐTCK) Đã thành quy luật, quý IV là thời điểm nguồn kiều hối về nước tăng lên, do kiều bào ở nước ngoài có nhu cầu chuyển tiền về cho thân nhân trong nước chi tiêu dịp lễ, tết. 

Dòng kiều hối cuối năm nay được dự báo sẽ chảy mạnh hơn khi các kênh đầu tư trong nước hồi phục, nhất là thị trường bất động sản. 

Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM khẳng định, kiều hối chuyển về địa phương trong năm nay dự kiến sẽ vượt mục tiêu kỳ vọng 5,5 tỷ USD. 

Số liệu thống kê của NHNN TP. HCM cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 10, kiều hối chuyển về trên địa bàn Thành phố đạt mức 3,7 tỷ USD, tăng 450 triệu USD so với tháng 9. So với cùng kỳ, lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn Thành phố trong 10 tháng tăng 13-14%.

“Vào mùa cuối năm, mức tăng kiều hối qua từng tháng nhanh hơn. Thông thường, lượng kiều hối chuyển về trong quý IV bằng 6 - 7 tháng đầu năm cộng lại”, ông Minh cho biết thêm.

Lượng kiều hối về TP. HCM chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng lượng kiều hối cả nước, có năm chiếm tới 40 - 45% và năm 2015, có thể chiếm tới 50%. Theo thống kê của NHNN TP. HCM, tỷ lệ kiều hối chảy vào sản xuất - kinh doanh chiếm 70,6% tổng kiều hối chuyển về; tỷ lệ kiều hối chuyển vào bất động sản chiếm khoảng 20,7%.

Trước đó, năm 2011, bất động sản chính là lĩnh vực “hút” kiều hối nhiều nhất, với 4,7 tỷ USD, chiếm 52% trong tổng lượng kiều hối năm 2011. Vì vậy, theo các chuyên gia tài chính – tiền tệ, sự ấm lên của thị trường bất động sản được xem là cơ hội để các kiều bào gửi tiền về mua nhà cũng như bỏ vốn đầu tư.

Điểm đáng chú ý là, diễn biến dòng kiều hối về các tỉnh thành phía Bắc lại diễn biến trái chiều với khu vực TP. HCM, có sự sụt giảm mạnh. Theo thông tin từ một lãnh đạo trong ngành ngân hàng, một số khu vực thu hút kiều hối được cho là sụt giảm trong năm nay như Hải Phòng, Hà Nội và một số tỉnh miền Trung. Nguyên nhân được cho là lực lượng lao động của Việt Nam ở nước ngoài tại các địa phương trên có biến động nhất định trong thời gian qua.

Dòng vốn từ kiều hối hiện cũng không còn mặn mà với việc gửi tiết kiệm như trước đây, khi tỷ giá USD/VND vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN. Ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Long Điền (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho hay, kiều hối chuyển về qua Chi nhánh tăng trưởng tốt trong 11 tháng đầu năm 2015. Theo ông Tâm, nguồn ngoại tệ kiều bào chuyển về chủ yếu được thân nhân trong nước bán lại cho ngân hàng, thậm chí nhận luôn kiều hối bằng VND.

Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết, nguồn kiều hối về nước không còn mặn mà gửi tiết kiệm ngân hàng như trước đây khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm USD giảm về bằng 0%/năm, vì vậy nguồn tiền này bắt đầu xu hướng tìm kênh hiệu quả đầu tư. Trong đó, bất động sản được xem là lĩnh vực nổi trội có dấu hiệu hút kiều hối trở lại hiện nay.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra dự báo, kiều hối vào Việt Nam năm 2015 và 2016 sẽ tăng so với con số 11 tỷ USD năm 2014.

Nguồn kiều hối tăng mạnh được nhận định sẽ tác động tích cực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối, khi tỷ giá USD/VND đang chịu áp lực tâm lý của thị trường trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất đồng USD trở lại trong kỳ họp vào đầu tuần tới.

Theo tổng giám đốc một ngân hàng, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn thặng dư cao nhờ vào đầu tư nước ngoài, kiều hối, tình hình kinh tế vĩ mô vẫn đang thuận lợi cho việc giữ ổn định tỷ giá USD/VND. Việc Fed tăng lãi suất chỉ còn là vấn đề thời gian và điều này đã được phản ánh vào giá thị trường. Ngoài ra, do nền kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, nên nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất kiểu “nhỏ giọt”, để đảm bảo không gây sốc cho thị trường tài chính thế giới.             

Tin bài liên quan