Để những con tàu 67 vươn khơi hiệu quả, không chỉ vốn, mà còn cần nhiều giải pháp hỗ trợ khác

Để những con tàu 67 vươn khơi hiệu quả, không chỉ vốn, mà còn cần nhiều giải pháp hỗ trợ khác

Khi đồng vốn lênh đênh trên biển (Kỳ cuối): Để ngư dân, ngân hàng không phải tự “bơi” giữa biển

Nợ xấu đã bắt đầu dềnh lên, hàng chục chiếc tàu sắt vừa hoạt động vài năm đã hư hỏng nặng… đang đe dọa tính bền vững của chương trình “cho vay 67”. Việc sửa đổi Nghị định 67/2014/NĐ-CP với nhiệm vụ “bít kẽ hở” chính sách đang được đặt ra gay gắt.

Phải thay đổi hình thức hỗ trợ ngư dân bám biển

Có một nghịch lý trong hoạt động tài trợ vốn cho ngư dân đóng tàu mà những cán bộ tín dụng hàng chục năm gắn bó với ngư dân đã nhận ra.

Ông Trần Văn Đức, Phó giám đốc Ngân hàng Agribank Chi nhánh Nghệ An kể lại, năm 1997, Agribank Nghệ An giải ngân 56 tỷ đồng cho vay Chương trình khai thác xa bờ. Sau 6-7 năm triển khai, số nợ mà ngân hàng này thu về chỉ vỏn vẹn 7 tỷ đồng. Gần 50 tỷ đồng còn lại hiện vẫn “treo” tại ngân hàng.

Thế nhưng, cũng cho vay đóng tàu, sau khi Chương trình đánh bắt xa bờ kết thúc , doanh số cho vay đóng tàu tại Agribank Nghệ An lại lên tới hàng trăm tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu rất nhỏ. Ngư dân dù vay vốn thương mại vẫn vui vẻ trả nợ, hoàn toàn không có tâm lý “trốn nợ” như trước.

Nghịch lý trên khiến không ít ngân hàng “tâm tư” khi tình trạng nợ xấu đã bắt đầu xuất hiện với cho vay 67. Riêng tại Bình Định, theo ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Ðịnh, số nợ quá hạn của 30 ngư dân vay tiền đóng tàu 67 đã lên đến gần 25,4 tỷ đồng.

Cho đến nay, những câu nói thường gặp của lãnh đạo các địa phương hay của ngư dân khi nói về tín dụng 67 là: thủ tục rườm rà, ngân hàng vẫn đòi ngư dân thế chấp sổ đỏ, khó vay vốn… Không có ai lật ngược câu hỏi: nếu xảy ra thua lỗ, nợ xấu, ai sẽ gánh chịu rủi ro? 

Khi đồng vốn lênh đênh trên biển - Kỳ 1

Rõ ràng, tín dụng 67 là vốn vay hoàn toàn thương mại, người gánh chịu rủi ro cuối cùng chính là các ngân hàng. Chính vì vậy, việc yêu cầu ngân hàng nới lỏng tín dụng để cho vay, nhưng lại bắt buộc ngân hàng gánh 100% rủi ro là thiếu công bằng. Chưa kể, như đã phân tích, với giá vốn huy động 6,97%, lãi suất cho vay 67 ở mức 7% như hiện nay, ngân hàng đang lỗ nặng.

Rõ ràng, để tín dụng 67 có thể kéo dài, bền vững, điều quan trọng nhất là đồng vốn phải an toàn. Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khẩn trương xây dựng dự thảo lấy ý kiến về bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị định 67, dự kiến sẽ ban hành vào cuối năm 2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Để đảm bảo quyền lợi cho ngư dân, nhưng vẫn tạo yên tâm cho ngân hàng, nhiều ý kiến cho rằng, cần thay đổi hình thức hỗ trợ cho ngư dân. Cụ thể, thay vì hỗ trợ lãi suất như trước đây, sẽ hỗ trợ một lần sau đầu tư. Mức hỗ trợ có thể lên tới 35% tổng giá trị con tàu.

Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, việc hỗ trợ một lần sẽ thuận tiện cho cả ngư dân, ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời sẽ giúp hạn chế tiêu cực. Ngư dân được tự quyết định cơ sở đóng tàu, nhưng cơ quan quản lý nhà nước phải tham gia khâu giám sát, thẩm định để con tàu có chất lượng tốt nhất mà vươn khơi.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đề nghị, ngoài tài sản đảm bảo là chính con tàu, Nghị định 67 sửa đổi tới đây cần bổ sung thêm một phần tài sản thế, dù giá trị tài sản đảm bảo chỉ rất nhỏ so với giá trị khoản vay.

Quy định này không phải để đẩy hết rủi ro cho ngư dân, bởi nếu rủi ro xảy ra do khách quan, bảo hiểm phải có trách nhiệm bồi thường. Việc ràng buộc thêm tài sản đảm bảo chỉ nhằm tăng trách nhiệm trả nợ, giúp hài hòa lợi ích cả hai bên để tín dụng 67 có thể kéo dài, bền vững.

Ngư dân không chỉ cần vốn

Lâu nay, nói đến Nghị định 67, hầu như ngư dân và các địa phương mới chỉ quan tâm đến vốn, còn thực tế khai thác, vận hành con tàu đó như thế nào cho có hiệu quả chưa được quan tâm một cách đúng mức.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Thân, chủ tàu 67 ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa khẳng định, cá nhân ông luôn xác định vốn đóng tàu 67 là vốn vay, đã vay thì phải trả nợ. Thế nhưng, điều ông băn khoăn nhất là chính sách hỗ trợ bảo hiểm, chất lượng con tàu và đầu tư hạ tầng để tàu có thể dễ dàng cập bến.

“Tới đây, nếu ngư dân phải mua 100% phí bảo hiểm thì sẽ là gánh nặng rất lớn, vì toàn bộ vốn chúng tôi đã dồn hết cho con tàu, vốn lưu động cũng đang phải đi vay, nếu mỗi năm phải bỏ ra hàng trăm triệu tiền bảo hiểm nữa thì sẽ quá sức với ngư dân”, ông Thân nói.

Không chỉ ngư dân lo mà ngân hàng cũng e ngại, nếu tới đây bảo hiểm không đồng hành, tín dụng tàu 67 có nguy cơ mắc kẹt.  Ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tếTrung ương đề nghị, Bộ Tài chính cần chỉ đạo rà soát chính sách bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm thuyền viên, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ chương trình.

Được biết, trong Nghị định 67 sửa đổi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra đề nghị tiếp tục kéo dài chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho tàu và thuyền viên trong suốt vòng đời dự án. Ngoài ra, để tránh độc quyền của doanh nghiệp bảo hiểm, mỗi địa phương cần có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tham gia để ngư dân lựa chọn.

Khi đồng vốn lênh đênh trên biển - kỳ 2: Ngân hàng cho vay “3 không”, bảo hiểm nhùng nhằng muốn rút

Một vấn đề nóng bỏng nữa được ngư dân rất quan tâm là chất lượng tàu cá cũng như trách nhiệm của cơ sở đóng tàu và lực lượng đăng kiểm, giám sát. Việc 19 tàu sắt hư hỏng nặng, phải nằm bờ, gây thiệt hại tiền tỷ ở Bình Định là những bài học nhãn tiền cho chính ngư dân và cơ quan quản lý.  

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng chua chát nhận xét, nghị định 67 đến nay mới chỉ đạt được mục đích: tăng lượng tàu mới, nhưng lại bộc lộ quá nhiều kẽ hở. “Nghị định 67 có nhiều kẽ hở bị lợi dụng. Chưa kể, các cơ sở đóng tàu họ còn có kiểu là nâng khống giá tàu lên, để đảm bảo phần 10% đối ứng của ngư dân đã có trong đó, ngư dân không cần nộp tiền… Từ đó, họ bằng nhiều cách để “mua chuộc” ngư dân như đi tham quan này nọ, rồi giành lấy phần đóng tàu về họ”, ông Lĩnh nói.

Hiện nay, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các tỉnh khẩn trương rà soát lại chất lượng của các đơn vị đóng tàu. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng tàu cá, nhiều địa phương đề nghị, tới đây, cần phải ràng buộc trách nhiệm của cơ sở đóng tàu, đơn vị giám sát, đặc kiểm vào sửa đổi Nghị định 67 để bít những kẽ hở chính sách.

Cùng với nâng cao chất lượng tàu cá, hạ tầng nghề cá cũng cần phải được đầu tư đồng bộ. Thời gian qua,  nhiều tỉnh đầu tư đóng nhiều tàu lớn, nhưng cảng cá không mở rộng, khiến các con tàu 67 công suất lớn không thể cập bến, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu gặp khó khăn, hiệu quả thấp.

Thừa nhận thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, trong Nghị định 67 sửa đổi tới đây, Bộ sẽ đề xuất đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng (cảng cá, bến cá, khu neo đậu, 5 trung tâm nghề cá…) để đồng bộ với đội tàu hiện đại...

Rõ ràng, để những con tàu 67 vươn khơi hiệu quả, ngoài sự nhiệt huyết của ngư dân, sự tiếp sức về vốn ngân hàng thác còn cần sự hỗ trợ của rất nhiều giải pháp khác. Khi các giải pháp này được triển khai đồng bộ, ngư dân và ngân hàng mới yên tâm để đồng vốn lênh đênh trên biển.

Hơn 9.000 tỷ đồng đã được giải ngân, 1.005 tàu cá được hạ thủy sau 3 năm thực hiện thí điểm Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Thế nhưng, nhiều cán bộ tín dụng đang “ngồi trên lửa”, vì với suy nghĩ “vốn vay 67” là tiền nhà nước cho, lại không cần tài sản thế chấp, nhiều ngư dân đang có tâm lý trốn trả nợ, một số khoản vay đã biến thành nợ xấu. Trong khi đó, phía bảo hiểm cũng nhấp nhổm rút lui, nhường lại toàn bộ rủi ro cho các ngân hàng.

Tin bài liên quan