Một trong những con tàu 67 được hạ thủy năm 2015. Ảnh: T.L

Một trong những con tàu 67 được hạ thủy năm 2015. Ảnh: T.L

Khi đồng vốn lênh đênh trên biển - Kỳ 1

Hơn 9.000 tỷ đồng đã được giải ngân, 1.005 tàu cá được hạ thủy sau 3 năm thực hiện thí điểm Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Thế nhưng, nhiều cán bộ tín dụng đang “ngồi trên lửa”, vì với suy nghĩ “vốn vay 67” là tiền nhà nước cho, lại không cần tài sản thế chấp, nhiều ngư dân đang có tâm lý trốn trả nợ, một số khoản vay đã biến thành nợ xấu. Trong khi đó, phía bảo hiểm cũng nhấp nhổm rút lui, nhường lại toàn bộ rủi ro cho các ngân hàng.

Kỳ 1: Nợ xấu hiển hiện

Cho vay đóng đội tàu khai thác xa bờ theo tinh thần Nghị định 67/2014/NĐ-CP là chủ trương lớn và đúng đắn của Chính phủ. Tuy nhiên, để chương trình có thể kéo dài và mang lại hiệu quả bền vững, tránh lặp lại vết xe đổ của chương trình đánh bắt xa bờ trước đây, điều đầu tiên là phải đảm bảo an toàn đồng vốn.

Chủ tàu liên tục khai lỗ

Toàn huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa hiện có 4 chủ tàu vay vốn tại Agribank để đóng tàu thép, công suất hơn 800 CV, tập trung ở xã Hoằng Trường và Hoằng Phụ. Tổng mức đầu tư mỗi con tàu là 15-16 tỷ đồng, trong đó tiền vay của Agribank là 14-15 tỷ đồng/tàu.

Cả 4 con tàu trên đã được đưa vào khai thác từ năm 2016, song các chủ tàu đều lần lượt báo lỗ. Cụ thể, ông Lê Văn Còng khai lỗ 612 triệu đồng, ông Trương Đình Sòng khai lỗ 585 triệu đồng, ông Lê Văn Lực báo lỗ 597 triệu đồng, ông Đỗ Quang Nam báo lỗ 482 triệu đồng. Điều đáng nói, mặc dù báo lỗ lớn, nhưng các chủ tàu này vẫn liên tục ra khơi. Tàu của ông Còng và ông Sòng ra khơi tổng cộng 15 chuyến trong vòng 11 tháng qua, trong khi ông Lực cũng có 10 chuyến biển trong 8 tháng hoạt động.

Tính đến ngày 31/8/2017, Agribank đã cam kết cho vay 4.858 tỷ đồng, dư nợ hiện tại là 4.110 tỷ đồng (chiếm hơn 50% tổng dư nợ đóng tàu cả nước). Số lượng tàu cá được đóng mới và nâng cấp nhờ vay vốn từ Agribank chiếm gần 53% tổng số tàu 67 của cả nước. 

BIDV đã giải ngân 4.000 tỷ đồng, dư nợ còn hơn 3.900 tỷ đồng vào thời điểm tháng 6/2017.

Với lý do thua lỗ, cả 4 chủ tàu trên đều không trả nợ đúng hạn cho ngân hàng. Ông Lê Văn Còng và ông Trương Đình Sòng, sau khi được bộ tín dụng vận động, giải thích, mới đây đã trả nợ theo phân kỳ cho ngân hàng, chỉ chậm 10 ngày so với hạn định. Trong khi đó, hai chủ tàu còn lại lấy lý do thua lỗ, không trả nợ cho ngân hàng, dẫn tới nợ quá hạn. Hiện hai khách hàng này đã được Agribank Hoằng Hóa cơ cấu lại nợ, lùi thời hạn trả nợ 6 tháng.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến ngày 15/7/2017, các ngân hàng quốc doanh đã cam kết cho vay đóng mới và nâng cấp tàu cá với số tiền gần 10.000 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng. Agribank và BIDV là hai ngân hàng cho vay chủ lực trong chương trình này.

Đáng lo là, nợ xấu của cho vay đóng tàu 67 đã bắt đầu xuất hiện. Ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, thời điểm này, nhiều chủ tàu không có nguồn thu để trả nợ ngân hàng, khiến nợ quá hạn và nợ xấu ngày càng gia tăng. 

Theo tổng hợp của NHNN, đến nay, đã phát sinh 50 khoản vay tàu 67 với dư nợ 726 tỷ đồng bị quá hạn, trong đó, 10 khoản vay bị chuyển nợ xấu với số tiền gần 136 tỷ đồng. Dù NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét gia hạn nợ đối với các tàu 67, đặc biệt là các tàu thép bị hư hỏng, phải nằm bờ, không hoạt động được, song theo quy định của Nghị định 67, các chủ tàu chỉ được gia hạn nợ 1 lần. Nếu tiếp tục chậm trả nợ, chủ tàu sẽ bị “cắt” các ưu đãi đối với “vốn vay 67”, mà phải trả lãi suất thương mại.

Câu hỏi đặt ra là, nếu các chủ tàu tiếp tục nợ quá hạn, ngân hàng siết nợ tàu thì con tàu này sẽ được xử lý ra sao? Hiện nay, Nghị định 67 chưa đặt ra quy định về chuyển nhượng với tàu 67. 

Vốn của ngân hàng - cá của ngư dân

Theo quy định, để được ngân hàng cho vay vốn, chủ tàu phải cam kết công khai các hợp đồng đầu tư cho ngân hàng giám sát để quản lý dòng tiền, đảm bảo khả năng thu hồi nợ. Song thực tế, rất nhiều ngư dân sau khi khai thác đã bán hết hải sản ở ngoài khơi hoặc bán ở tỉnh khác, khiến ngân hàng cho vay không thể giám sát dòng vốn, không có cơ sở thẩm định việc chủ tàu lỗ hay lãi. Dĩ nhiên, ngân hàng có cách thẩm tra “chéo” qua các tàu hậu cần thu mua, qua các tàu bạn, song chủ yếu việc trả nợ vẫn phụ thuộc vào ý thức tự giác của chủ tàu.

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Đầu tư, giám đốc chi nhánh của một ngân hàng cho vay tàu 67 ở miền Trung kể lại, sau khi chủ tàu liên tục báo lỗ, ngân hàng đã phải thuê một chiếc tàu sắt được trang bị đầy đủ máy quay và nhờ một số tàu hậu cần bí mật quay hình chủ tàu đang bán cá cho tàu khác và lấy làm bằng chứng để buộc chủ tàu phải trả nợ cho ngân hàng.

Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng làm được điều đó, vì tốn kém và không khả thi. “Chim trời, cá biển, không thể nào mà giám sát được. Chúng tôi run lắm rồi”, vị lãnh đạo ngân hàng này thở dài.

Ông Lê Nguyên Anh, Giám đốc Phòng giao dịch Agibank Hoằng Hóa thừa nhận, việc theo dõi dòng tiền từ hoạt động khai thác của ngư dân rất khó khăn, chủ yếu do ngư dân tự kê khai, nhưng tính trung thực chưa cao. Mặc dù ngân hàng thường xuyên thông báo các kỳ hạn trả nợ để ngư dân và gia đình biết và thực hiện, nhưng hầu hết ngư dân và gia đình thiếu hợp tác, chưa chấp hành đúng yêu cầu, có tư tưởng ỷ lại vào chính sách, chưa tích cực để trả nợ.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, tình trạng trên bắt nguồn từ chỗ nhiều người dân coi “vốn vay 67” là vốn tài trợ không hoàn lại của Chính phủ, dù ngân hàng đã giải thích kỹ trước khi cho vay. Chính vì vậy, nhiều ngư dân không quan tâm đến hiệu quả của việc đóng tàu, mà tìm mọi cách để vay vốn, thậm chí vay qua cò mồi, mà không nghĩ đến phương án trả nợ. Cũng có người hiểu rõ đây là vốn vay, nhưng lại làm với tâm lý “lời thì làm, lỗ thì trả tàu cho ngân hàng, coi như xóa nợ”, rất nguy hiểm cho an toàn vốn.

Chưa kể, nhiều lãnh đạo địa phương cũng có quan điểm sai lầm về “vốn vay 67”. Thậm chí, có lãnh đạo địa phương còn hỏi ngân hàng: Tại sao tiền của Nhà nước, rủi ro thiên tai đã có bảo hiểm lo mà ngân hàng không dám cho vay?

Một cán bộ tín dụng của Agribank tâm tư, trước đây giải quyết hồ sơ vay vốn cho hàng chục tàu cá mỗi năm mà không sợ vì nợ và lãi vẫn được ngư dân trả đều đặn. Nhưng từ khi “cho vay 67”, đặc biệt là tàu sắt, đêm nào cũng vắt tay lên trán nằm lo.

“Với những phòng giao dịch có dư nợ thấp, chỉ cần tàu 67 không trả nợ đúng hạn, thì nợ xấu của cả phòng giao dịch có thể vọt lên trên mức báo động, cán bộ bị hạ lương, mất thưởng đã đành, còn có nguy cơ dính vào vòng lao lý vì để mất vốn”, cán bộ tín dụng này lo lắng.

Trên thực tế, nguồn vốn ngân hàng đang cho vay thực chất là nguồn vốn do ngân hàng huy động từ các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế để cho vay lại. Những vấn đề nêu trên rất đáng lo ngại, là những rào cản lớn đối với các ngân hàng, vì nguyên tắc đầu tiên trong hoạt động cho vay là phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn. Nếu không khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, chắn chắn sẽ còn nhiều cán bộ ngân hàng chùn tay khi duyệt hồ sơ tín dụng “cho vay 67”.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan