Hồ hởi báo lãi, ngân hàng vẫn lo trích lập dự phòng

Hồ hởi báo lãi, ngân hàng vẫn lo trích lập dự phòng

Các ngân hàng đua nhau báo lợi nhuận ở mức cao trong 6 tháng đầu năm, nhưng việc trích dự phòng rủi ro nợ xấu cũng là vấn đề không thể xem nhẹ.

Lãi lớn từ tín dụng, dịch vụ

VPBank lãi trước thuế 4.375 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, hoàn thành 40% kế hoạch năm. Tín dụng tăng trưởng 6,8%, còn huy động vốn tăng 8%. So với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận của VPBank tăng 34%.

Trong khi đó, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng MB đạt 6.797 tỷ đồng, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi từ dịch vụ phi tín dụng tăng mạnh, đóng góp 25% vào tổng thu nhập.

Nửa đầu năm, MB có lợi nhuận trước thuế đạt 3.829 tỷ đồng, tăng 51,7% so với cùng kỳ, hoàn thành 56% kế hoạch năm. Trong đó, ngân hàng mẹ mang về 3.516 tỷ đồng, đóng góp 92% ngân hàng hợp nhất. 

Đáng chú ý, Vietcombank (VCB) tiếp tục dẫn đầu hệ thống ngân hàng về lợi nhuận, đạt mức kỷ lục 8.071 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm.

Trong đó, lãi từ hoạt động kinh doanh khác và thu nhập góp vốn mua cổ phần tăng đột biến. Tuy nhiên, tổng tài sản của VCB sụt giảm nhẹ là do thu hẹp giao dịch trên thị trường liên ngân hàng.

Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 của TPBank đạt 1.024 tỷ đồng, gấp đôi con số đạt được cùng kỳ và hoàn thành 46,5% kế hoạch năm.

Tổng tài sản đạt 126.533 tỷ đồng, tăng 2% so với thời điểm đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 16,2%, đạt 72.918 tỷ đồng; huy động tiền gửi tăng 6,9% đạt 75.170 tỷ đồng.

LienVietPostBank lãi 666 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, thu nhập từ dịch vụ tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Huy động và cho vay đều tăng trưởng khá tốt theo định hướng bán lẻ, cơ cấu số dư đang chuyển dịch với tỷ trọng bán lẻ tăng, tỷ lệ tăng trưởng huy động và cho vay tăng lần lượt là 17% và 13% so với cùng kỳ năm ngoái; tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 0,98% từ mức 1,07% tại thời điểm đầu năm.

Trích lập dự phòng cho nợ xấu

MB cho biết, chi phí hoạt động của Ngân hàng trong nửa đầu năm là 3.549 tỷ đồng. Ngân hàng trích 1.659 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 25,6% so với cùng kỳ.   

Lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ được cải thiện nhờ tín dụng tăng và mảng dịch vụ đem lại thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, gánh nặng dự phòng rủi ro vẫn đè nặng.
Còn theo Phó tổng giám đốc thường trực VPBank, bà Lưu Thị Thảo, trong 6 tháng, ngân hàng đã thu hồi được 724 tỷ đồng nợ xấu ngoại bảng.

VCB đã trích 3.235 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 233 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Nợ xấu của TPBank đến cuối tháng 6/2018 là 862,7 tỷ đồng, chiếm 1,17% dư nợ cho vay của ngân hàng, tăng so với mức 1,09% thời điểm cuối năm 2017. Trong đó, nợ nhóm 5 chiếm hơn 50% tổng nợ xấu, tăng 69% so với đầu năm.

Điểm sáng trong kết quả kinh doanh quý II/2018 của LienVietPostBank là lợi nhuận từ mảng dịch vụ tăng mạnh, tăng gần 195% so với năm trước.

Tuy nhiên, kết quả lợi nhuận không đạt như kỳ vọng của LienVietPostBank khi quý II/2018 chỉ đạt gần 160 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm đạt 666,3 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch đặt ra.

Đến cuối tháng 6/2018, nợ xấu tuyệt đối tại VIB là 2.035 tỷ đồng, chiếm 2,33% tổng dư nợ.

Ngân hàng cũng đang còn 1.464 tỷ đồng trái phiếu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), trong đó đã trích lập dự phòng 746 tỷ đồng. Vì thế, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VIB tăng 5%, đạt 233 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2018.

Bên cạnh đó, VIB còn 1.464 tỷ đồng trái phiếu VAMC, trong đó đã trích lập dự phòng 746 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm VIB tăng vọt, gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 1.151 tỷ đồng, hoàn thành 57% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 921 tỷ đồng.

Tại Sacombank, sau năm 2017 xử lý được hơn 15.000 tỷ nợ xấu, nửa đầu năm 2018 tiếp tục thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng; nợ xấu cuối năm 2017 là 4,28%, hiện đã giảm xuống còn 3,3% và dự kiến sẽ giảm xuống dưới 3% vào cuối năm 2018.

Theo TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng, lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ được cải thiện nhờ tín dụng tăng và mảng dịch vụ đem lại thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, TS. Tín cho rằng, gánh nặng dự phòng rủi ro vẫn đè nặng các nhà băng khi quá trình phát mãi tài sản xử lý nợ xấu vẫn là một vấn đề khó.

Tin bài liên quan