Hình sự hóa kinh tế, thực thi pháp luật không ủng hộ ngân hàng

Hình sự hóa kinh tế, thực thi pháp luật không ủng hộ ngân hàng

(ĐTCK) Khuôn khổ pháp lý về dân sự, kinh tế, đầu tư, tài chính, ngân hàng còn chưa rõ ràng, đồng bộ; cơ chế thực thi pháp luật có nơi, có lúc chưa bảo đảm nghiêm minh, công bằng, đặc biệt chưa bảo vệ quyền của chủ nợ...

Con số nợ xấu và hoạt động tái cơ cấu được công bố cho thấy những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước tuy nhiên sự tăng trưởng về nợ xấu cũng như quá trình tái cơ cấu được nhìn nhận vẫn đang chậm chạp cho thấy, chặng đường xử lý còn nhiều chông gai… 

Khó khăn và thách thức

Ngân hàng Nhà nước cho biết, do khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, quản trị, thủ tục, trình tự xử lý và thương lượng giữa các nhà đầu tư mất nhiều thời gian. Việc tái cơ cấu xử lý những tồn tại, yếu kém ở một số tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chưa được triển khai quyết liệt. Sự an toàn lành mạnh của hệ thống ngân hàng được cải thiện rõ rệt nhưng chưa đồng đều giữa các tổ chức tín dụng.      

Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý về dân sự, kinh tế, đầu tư, tài chính, ngân hàng còn chưa rõ ràng, đồng bộ; cơ chế thực thi pháp luật có nơi, có lúc chưa bảo đảm nghiêm minh, công bằng, đặc biệt chưa bảo vệ quyền của chủ nợ. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản, tố tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài gây tốn kém thời gian và chi phí cho tổ chức tín dụng.

“Đặc biệt, việc hình sự hóa trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua làm giảm khả năng thu hồi vốn, tài sản cho Nhà nước và nhân dân, đồng thời có thể làm gia tăng chi phí cơ cấu lại”, Tổng Giám đốc một ngân hàng chia sẻ.

Ngoài ra, chương trình cơ cấu lại ngân hàng và xử lý nợ xấu, về cơ bản không sử dụng tiền từ ngân sách Nhà nước để xử lý những tổn thất, rủi ro của hệ thống, nhưng, cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cơ cấu lại ngân hàng và xử lý nợ xấu còn chưa đủ hấp dẫn.

“Đó là chưa kể tới sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan chức năng với Ngân hàng Nhà nước trong cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu chưa thực sự chặt chẽ và có hiệu quả. Việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu thời gian qua chủ yếu là những giải pháp nội bộ của hệ thống các tổ chức tín dụng, đã và đang làm cho năng lực tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng giảm, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn, vững mạnh của hệ thống tổ chức tín dụng”, một chuyên gia kinh tế nhận định.

NHNN chủ động giải pháp

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết cũng đã đề ra giải pháp cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống tổ chức tín dụng trong thời gian tới. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để triển khai đồng bộ các giải pháp như:

Chỉ đạo và giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện phương án cơ cấu lại của các tổ chức tín dụng theo đúng mục tiêu, lộ trình đã đề ra; đề xuất, triển khai các giải pháp hỗ trợ, xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư tham gia vào quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; những ngân hàng cổ phần yếu kém không có triển vọng phục hồi và phát triển thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật song vẫn bảo đảm sự an toàn của hệ thống ngân hàng.

Song song, tăng cường năng lực tài chính, quy mô, chất lượng vốn tự có của tổ chức tín dụng nhằm lành mạnh hóa hoạt động của tổ chức tín dụng thông qua việc tăng vốn điều lệ và xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng. Tăng cường năng lực quản trị của tổ chức tín dụng thông qua các cơ chế mới về công bố thông tin, khuyến khích tổ chức tín dụng cổ phần niêm yết cổ phiếu trên Thị trường chứng khoán, tăng tính đại chúng của các tổ chức tín dụng cổ phần, triển khai các quy trình...

Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 843/QĐ-TTg. Cùng với đó là triển khai xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng thông qua phối hợp với các Bộ, ngành triển khai việc thoái vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng; xử lý cổ đông sở hữu vượt quá giới hạn quy định của pháp luật; sáp nhập, hợp nhất tổ chức tín dụng cùng sở hữu của nhóm cổ đông lớn...

Hơn thế, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng để hỗ trợ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và tạo cơ sở cho tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả hơn. Triển khai áp dụng Basel II, quy chế quản trị rủi ro tối thiểu và áp dụng quy định mới về các giới hạn, tỷ lệ an toàn hoạt động ngân hàng...

Tin bài liên quan