Hệ thống ngân hàng tập trung vốn lớn cho Tây Bắc

Hệ thống ngân hàng tập trung vốn lớn cho Tây Bắc

(ĐTCK) Sáng nay (1/4), Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu về Hội nghị xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc diễn ra tại Mộc Châu (Sơn La) vào ngày 3 và 4/4 tới.

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, NHNN đã chỉ đạo các NHTM tập trung nguồn vốn để phát triển kinh tế xã hội cũng như làm tốt công tác an sinh xã hội ở các tỉnh trong khu vực Tây Bắc.

Riêng năm 2014, tổng dư nợ của ngành ngân hàng đối với các tỉnh Tây Bắc đạt trên 149.000 tỷ đồng tăng 17,1% cao hơn so với tỷ lệ chung của cả nước là 14,1%. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tổng dư nợ đã lên tới trên 60.000 tỷ đồng, tăng 7,49% và chiếm trên 40% tổng dư nợ toàn vùng.

Bên cạnh đó, tín dụng phục vụ người nghèo để thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ cũng đã được triển khai quyết liệt. Cụ thể, qua hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, trong 10 năm qua đã có tới trên 466.000 hộ thoát nghèo, 1,7 triệu việc làm được tạo lập mới, trên 260.000 học sinh sinh viên được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội…

“Các con số nói trên đã cho thấy, những năm qua, hệ thống ngân hàng đã tập trung một phần nguồn vốn rất lớn cho phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội các tỉnh Tây Bắc”, Thống đốc nói.

Phát biểu tại Họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ thêm thông tin, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư khu vực Tây Bắc năm 2013 tổ chức tại Tuyên Quang, các ngân hàng thương mại đã ký kết 14 hợp đồng tín dụng, cam kết tài trợ số vốn vay lên đến 20.116 tỷ đồng. Đến cuối tháng 12/2014, các ngân hàng đã bước đầu giải ngân cho vay được một số dự án với số tiền gần 5.000 tỷ đồng.

“Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội khu vực Tây Bắc 2015, tính đến thời điểm hiện nay, ngành ngân hàng tiếp tục cam kết đầu tư vốn tín dụng cho các dự án tại khu vực Tây Bắc với số tiền cam kết cho vay hơn 4.700 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như thủy điện, khai khoáng, công nghiệp chế biến, vận tải”, Phó Thống đốc Tú nói.

Vốn của ngành ngân hàng đã chuẩn bị sẵn, nhưng trao đổi với ĐTCK, nhiều DN vẫn còn tỏ ý e ngại khi triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh tại khu vực Tây Bắc với lý do chủ yếu là cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn.

Về vấn đề này, trả lời ĐTCK, ông Trương Xuân Cừ, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc cho biết, Ban chỉ đạo đã nắm được tình hình và đưa ra giải pháp nên có những chuyển biến tích cực, bên cạnh đó, các phương án khác vẫn tiếp tục được đưa ra.

“Năm 2014, đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai đã được khánh thành mang lại những thay đổi rõ rệt cho khu vực và Ban Chỉ đạo đang lên phương án kết nối các đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai với các tỉnh còn lại. Dự kiến năm 2015 sẽ triển khai cao tốc Hà Nội-Hòa Bình theo hình thức BOT, đồng thời, nghiên cứu mời gọi đầu tư 2 sân bay Lào Cai (đã xong quy trình thủ tục và có nhà đầu tư) và Lai Châu đang được khảo sát. Ngoài ra, đường liên tỉnh, liên huyện sẽ cố gắng triển khai bằng các nguồn vốn như nhà nước 70% và nhân dân 30% cùng làm để kiên cố hóa đường…”, ông Cừ nói.

Tin bài liên quan