Dòng vốn ngân hàng đã được hướng mạnh vào khu vực sản xuất

Dòng vốn ngân hàng đã được hướng mạnh vào khu vực sản xuất

Hệ thống ngân hàng: “Mạch máu” đã thông

(ĐTCK) Năm 2016 được xác định là năm mở đầu, tạo nền tảng phát triển quan trọng cho giai đoạn 2016 - 2020, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Hoạt động của hệ thống tăng trưởng khá và quan trọng là được đảm bảo an toàn; hệ thống ngân hàng tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc cung ứng vốn đối với nền kinh tế…

Những con số ấn tượng

Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, lợi nhuận năm 2016 của Ngân hàng đạt 8.250 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015 và hoàn thành 104% kế hoạch đã được ĐHCĐ thông qua trước đó. Hai ngân hàng khác cùng có nguồn gốc Nhà nước là Vietcombank và BIDV cũng báo cáo kết quả kinh doanh 2016 với mức lợi nhuận trước thuế và sau trích lập dự phòng lần lượt là 8.212 tỷ đồng và 7.507 tỷ đồng.

Thông tin cũng khả quan từ khối ngân hàng thương mại cổ phần. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt 4.929 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của riêng Ngân hàng là hơn 3.403 tỷ đồng. Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) và hiệu suất sinh lời vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) năm 2016 đạt tương ứng là 1,86% và 26%.

Kết thúc năm tài chính 2016 của Techcombank, tổng tài sản toàn Ngân hàng đạt 235.363 tỷ đồng, tăng 22,6% so với năm 2015 và đạt 106% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 3.997 tỷ đồng, tăng 96,2% so với năm 2015 và đạt 113% kế hoạch.

Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016 của LienVietPostBank công bố tại ĐHCĐ 2017 cho thấy, đây là một trong những ngân hàng có kết quả hoạt động tích cực nhất với thu nhập lãi đạt 8.908 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2015, cộng với việc chi phí lãi tăng với tốc độ chậm hơn nhiều (12,3%) đã giúp Ngân hàng ghi nhận khoản lãi kỷ lục. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1.348 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ (422 tỷ đồng). Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) ở mức 1.582 đồng (năm 2015 là 524 đồng).

LienVietPostBank báo lãi lớn phần nhiều nhờ nghiệp vụ tín dụng tăng trưởng ấn tượng. Số dư cho vay khách hàng tại thời điểm 31/12/2016 là 78.706 tỷ đồng, gần gấp rưỡi thời điểm đầu năm (55.470 tỷ đồng). Tổng tài sản của Ngân hàng cũng theo đó tăng mạnh, từ 107.587 tỷ đồng lên 141.865 tỷ đồng cuối năm 2016.

Kết quả kinh doanh khởi sắc cũng thể hiện tại khối các ngân hàng nước ngoài 100% vốn tại Việt Nam. Cụ thể, báo cáo tài chính cho năm tài chính 2016 kết thúc vào ngày 31/12/2016 của HSBC cho biết, lợi nhuận sau thuế năm 2016 đạt gần 1.441 tỷ đồng so với năm 2015 là hơn 934 triệu đồng, tăng trưởng 54%; nợ xấu giảm còn gần 429 triệu đồng so với năm 2015 là 508 triệu đồng. Hay như Ngân hàng Shinhan Việt Nam tăng trưởng 14% so với năm 2015 và đạt con số lợi nhuận 1.037 tỷ đồng.

Khảo sát cũng cho thấy hoạt động cho vay, dịch vụ và kinh doanh ngoại hối là 3 mảng chính đóng góp vào thu nhập, trong đó, thu nhập lãi thuần 2016 của HBSC tiếp tục dẫn đầu với hơn 2.300 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% còn Shinhan tăng trưởng nhiều nhất với 19%, đạt 1.710 tỷ đồng.

Tăng trưởng trên nền tảng cơ bản

Trái với xu hướng những năm trước đó, tín dụng tăng mạnh trong những tháng đầu năm trước khi tăng chậm lại kể từ giữa tháng 8 cho đến tháng 11 và sau đó tăng tốc mạnh trong những ngày cuối tháng 12. Ước tính đến hết tháng 12/2016, tăng trưởng tín dụng tăng hơn 18,5% so với cuối năm trước đó.

Phân loại theo tiền, tốc độ tăng trưởng tín dụng VND cao hơn so với tín dụng ngoại tệ, tỷ trọng tín dụng VND tiếp tục cải thiện so với cuối năm 2015 khi tăng thêm 20,7%, chiếm 91,6% tổng tín dụng (năm 2015: chiếm 90,4%). Tín dụng ngoại tệ tăng 4,7%, chiếm 8,4% (năm 2015: chiếm 9,6%).

Có một vấn đề mà Chính phủ cần xử lý một cách tổng thể trong dài hạn là tái cân bằng thị trường tài chính để hướng đến một hệ thống tài chính cân bằng hơn giữa lĩnh vực ngân hàng và thị trường vốn, thị trường trái phiếu

- Ông Sebatian Eckardt, Chuyên gia kinh tế cấp cao của WB

Huy động vốn trên thị trường 1 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước đó cả từ tổ chức kinh tế và dân cư, tập trung chủ yếu ở huy động vốn bằng VND. Ước đến cuối tháng 12/2016, huy động vốn tăng 19% so với đầu năm. Trong đó, huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư ước tăng tương ứng 19,5% và 17,7%, lớn hơn so với mức tăng 11,5% và 17,2% của cùng kỳ năm 2015.

Đặc biệt, huy động bằng VND tăng 21%, cao hơn nhiều mức tăng 14,5% của cùng kỳ năm 2015, trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ của dân cư giảm mạnh đã khiến tổng huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 1,63%, trái ngược với diễn biến tăng của cùng kỳ các năm trước đó (2015: 15%; 2014: 9,2%). Tỷ trọng giá ổn định trong hầu hết năm 2016 làm giảm tâm lý găm giữ ngoại tệ, đồng thời, lãi suất tiền gửi ngoại tệ duy trì ở mức 0%/năm khiến dân cư chuyển sang gửi tiền bằng VND.

Tỷ giá năm 2016 được đánh giá khá ổn định. Tỷ giá trung tâm trong phiên cuối cùng của năm 2016 (ngày 30/12) ở mức 22.159 VND/USD, tăng 269 đồng, tương đương mức tăng 1,23% so với cuối năm trước đó. Trong điều kiện cung ngoại tệ dồi dào, Ngân hàng Nhà nước mua ròng được ngoại tệ để tăng mạnh dự trữ ngoại hối. Tính chung cho cả năm 2016, tỷ giá liên ngân hàng tăng 1,18% là không lớn và thậm chí là cần thiết để duy trì lợi thế cạnh tranh tương đối cho hàng xuất khẩu Việt Nam.

Nhìn trong tổng thể

Mặc dù quy mô hệ thống tài chính Việt Nam vẫn nhỏ hơn các nước trong khu vực với tổng tài sản hệ thống tài chính tương đương 187,6% GDP, thấp hơn so với số bình quân của nhóm 5 quốc gia hàng đầu ASEAN (318% GDP), tuy nhiên, tổng tài sản hệ thống tài chính năm 2016 ước tăng 13,5%; tổng vốn chủ sở hữu tăng 6,8% so với cuối năm 2015. Khả năng sinh lời của hệ thống tài chính được cải thiện. ROA bình quân đạt 0,58% (năm 2015: 0,49%), ROE bình quân đạt 7,57% (năm 2015: 5,98%).

Hiệu quả sinh lời của hệ thống tổ chức tín dụng năm 2016 cao hơn so với năm 2015. Thu nhập lãi thuần tăng 9% so với 2015, chiếm 79,0% trong tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh. Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên - NIM cả năm 2016 tăng nhẹ từ 2,7% (năm 2015) lên 2,8%.

Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 18,5%, hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 44,0%, hoạt động góp vốn mua cổ phần tăng 51,7%, hoạt động khác tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2015. Lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro năm 2016 ước tính tăng 10% so với 2015.

Chi phí dự phòng rủi ro chỉ tăng nhẹ 3,2% so với năm 2015, tỷ lệ chi phí dự phòng rủi ro/lợi nhuận trước trích lập giảm từ 62,5% (năm 2015) xuống 58,5%. Lợi nhuận sau thuế ước tăng 26,8% so với năm 2015. ROA và ROE ước tính lần lượt là 0,54% và 7,87% (năm 2015 là 0,46% và 6,42%).

Và những điểm cần chú ý

Ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, khu vực ngân hàng Việt Nam đã trở lại hoạt động khá tốt với tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần so với ngân hàng quốc doanh thấp hơn một chút do e ngại mức độ rủi ro hơn nên yêu cầu về tài sản thế chấp ngặt nghèo hơn.

Các ngân hàng nước ngoài vẫn rất quan tâm đến thị trường ngân hàng Việt Nam bởi Việt Nam đang chứng tỏ là một trong những trung tâm sản xuất của khu vực.

“Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là Việt Nam cần phải đa dạng hóa được cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài, nới lỏng các quy định, hạn mức ngăn cản nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam”, ông Aaron Batten nói.

Ông Sebatian Eckardt, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh, tín dụng vẫn tiếp tục tăng mạnh. Tuy nhiên, điều quan trọng cần tính tới là tín dụng được sử dụng như thế nào, vào mục đích gì, có phải là cho mục tiêu sản xuất không?

Do vậy, ở đây có một vấn đề mà Chính phủ cần quản lý, xem xét một cách tổng thể trong dài hạn là cần phải tái cân bằng thị trường tài chính để hướng đến một hệ thống tài chính cân bằng hơn giữa lĩnh vực ngân hàng và thị trường vốn, thị trường trái phiếu.

Chuyên gia kinh tế của WB phân tích, đối với một nền kinh tế có thu nhập trung bình, một trong những cách tăng trưởng hiệu quả nhất trong dài hạn, đó là huy động vốn tập trung vào những lĩnh vực tăng trưởng dài hạn.

Phát triển thị trường vốn đóng vai trò rất quan trọng, đồng thời, hệ thống ngân hàng cũng phải phát huy hết vai trò của mình với tư cách là trung gian trong nền kinh tế, dẫn vốn đến những lĩnh vực mang lại hiệu quả cao.

“So với các quốc gia khác trong khu vực, quy mô của thị trường vốn Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với quy mô của hệ thống ngân hàng, vẫn chưa có sự cân đối giữa một bên là hệ thống ngân hàng và một bên là thị trường vốn. Đây cũng là vấn đề Chính phủ cần phải tái cơ cấu để cân bằng quy mô của cả hai thị trường này”, ông Sebatian Eckardt chia sẻ.

Tin bài liên quan