Cần sự cải tiến đồng bộ của tất cả các lĩnh vực kinh tế để Việt Nam được xếp vào nhóm khuyến khích đầu tư

Cần sự cải tiến đồng bộ của tất cả các lĩnh vực kinh tế để Việt Nam được xếp vào nhóm khuyến khích đầu tư

Hệ thống ngân hàng: Bất lợi hội nhập khi bị xếp hạng thấp

(ĐTCK) “Hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục không được nhìn nhận một cách tích cực dưới con mắt của các nhà tài chính và đầu tư thế giới nếu không có kế hoạch nâng cấp xếp hạng tín nhiệm một cách nghiêm túc ngay từ bây giờ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đánh giá.

Ông có thể chia sẻ những thông tin cơ bản nhất về việc xếp hạng tín nhiệm?

Hiện tại, những xếp hạng tín nhiệm/rủi ro cho các quốc gia chủ yếu được thực hiện bởi 3 công ty là Moody’s, Standard & Poor's (S&P) và Fitch. Các công ty này sử dụng các tiêu chí ổn định chính trị, triển vọng kinh tế, ổn định chính sách tài khóa, ổn định chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, cán cân thanh toán, tình hình ngoại thương, dự trữ quốc gia, hệ thống tài chính ngân hàng, các lĩnh vực kinh doanh phi tài chính, để xếp hạng tín nhiệm cho các quốc gia với 3 cấp độ: khuyến khích đầu tư, không khuyến khích đầu tư/mang tính đầu cơ và vỡ nợ. Trong mỗi cấp độ rủi ro, có nhiều cấp bậc rủi ro từ thấp đến cao.

Các NĐT quốc tế thường ưu ái với các quốc gia thuộc nhóm khuyến khích đầu tư và sẵn sàng chấp nhận một lãi suất thấp để mua trái phiếu chính phủ do các quốc gia này phát hành. Các quốc gia thuộc nhóm không khuyến khích đầu tư thường phải trả một lãi suất tương đối cao tùy theo cấp độ rủi ro. Còn các quốc gia được xếp hạng vỡ nợ thường khó có thể phát hành trái phiếu trên các thị trường tài chính thế giới.

Bên cạnh xếp hạng tín nhiệm, các quốc gia cũng được đánh giá về triển vọng thay đổi xếp hạng trong thời gian sắp tới với các cấp độ: tích cực; tiêu cực; ổn định/không thay đổi; đang phát triển/có thể thay đổi xấu hơn hay tốt hơn; không có ý nghĩa. Cấp độ “triển vọng” ở đây không đồng nghĩa với triển vọng phát triển kinh tế của quốc gia được xếp hạng, mà là dự báo của công ty xếp hạng về khả năng quốc gia đó tăng hay giảm xếp hạng tín nhiệm trong thời gian sắp tới. Đây là điều dễ gây nhầm lẫn khi báo chí nói đến “triển vọng” của xếp hạng tín nhiệm.

Việt Nam đang được Moody’s xếp hạng ở mức B1, S&P xếp hạng ở mức BB- và Fitch xếp hạng ở mức B+. Cả ba hạng này đều nằm trong nhóm “không khuyến khích đầu tư/mang tính đầu cơ”. Xếp hạng B1 và B+ mang ý nghĩa, Việt Nam ở mức mang tính đầu cơ cao.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Theo ông, khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các xếp hạng này có tác động như thế nào?

Việt Nam đã và đang ngày càng gia nhập nhiều hơn vào thị trường thế giới, với rất nhiều NĐT vào Việt Nam kinh doanh. Các NĐT hay các nhà nghiên cứu xem xếp hạng tín nhiệm là một trong những điểm cần xem xét khi đầu tư hay nghiên cứu. Ngoài hạng tín nhiệm, NĐT thường xem xét môi trường kinh doanh và tính khả thi của dự án.

Với hạng tín nhiệm không cao, các NĐT sẽ thận trọng trong quyết định đầu tư và thường đòi hỏi một tỷ lệ lợi nhuận cao để đền bù cho rủi ro. Chẳng hạn, với trái phiếu tại các quốc gia được xếp hạn “không khuyến khích đầu tư”, lãi suất thường cao hơn mức lãi suất của trái phiếu phát hành từ các quốc gia được xếp hạng “khuyến khích đầu tư”.

Trong bối cảnh cạnh tranh cho nguồn vốn đầu tư trong khu vực TPP, xếp hạng tín nhiệm quốc gia sẽ trở thành vấn đề chính được các đối tác, NĐT lớn quan tâm. Trong số 12 thành viên tương lai của TPP, Việt Nam có mức xếp hạng tín nhiệm thấp nhất, thấp hơn cả Peru và Chile (ngoại trừ Brunei không được xếp hạng tín nhiệm).

Theo cách đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, các thành phần kinh tế trong một quốc gia không thể xếp hạng tín nhiệm cao hơn quốc gia của mình. Chẳng hạn, nếu Việt Nam được xếp hạng B1, thì tất cả các DN, ngân hàng, tổ chức tài chính sẽ không được xếp hạng cao hơn mức B1.

Với các mức xếp hạng hiện tại (B1, BB-, B+), các tổ chức kinh tế của Việt Nam được nhiều NĐT quốc tế nhìn nhận là không hấp dẫn so với những nền kinh tế có mức độ rủi ro thấp hơn. Không chỉ các NĐT, mà tất cả các đối tác, tổ chức kinh tế làm ăn với Việt Nam đều quan tâm đến xếp hạng tín nhiệm, trong đó có các hãng bảo hiểm, các ngân hàng nước ngoài khi xác nhận tín dụng thư do ngân hàng Việt Nam phát hành. Cụ thể, bảo hiểm tín dụng cho các đối tác tại các quốc gia có hạng tín nhiệm thấp có mức phí bảo hiểm cao hơn so với các đối tác tại các quốc gia được xếp hạng cao.

Các đối tác mua, bán hàng cũng thường xem mức độ rủi ro của quốc gia mình sẽ bán hàng như thế nào để có quyết định thương mại. Ngay cả ngân hàng trong khu vực TPP, khi muốn thiết lập quan hệ với một ngân hàng ở Việt Nam, họ cũng sẽ xem xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng Việt Nam như thế nào. Nếu xếp hạng tín nhiệm quốc gia thấp, ngân hàng đương nhiên được xếp hạng tín nhiệm thấp. Do vậy, định hạng tín nhiệm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyết định làm ăn của các đối tác nước ngoài đối với Việt Nam.

Về xếp hạng của các ngân hàng thương mại Việt Nam thời gian qua, ông có nhận xét gì?

Trong Báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015 - 2016 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), xếp hạng tín nhiệm Việt Nam tăng 12 bậc, từ 68 lên 56 trong tổng số 140 quốc gia được xếp hạng. Đây là một tin vui, nhưng Việt Nam vẫn đứng dưới các quốc gia khác trong ASEAN, đặc biệt trong khu vực thị trường tài chính. Cụ thể, Việt Nam ở dưới Singapore tại bậc 2, Malaysia bậc 18, Thái Lan bậc 32, Indonesia bậc 37, Philippines bậc 48.

Như tôi đã trao đổi ở trên, đánh giá của Moody’s, S&P và Fitch xếp hạng Việt Nam thấp nên các ngân hàng Việt Nam không thể cao hơn và điều này sẽ có tác động nhất định đến quyết định đầu tư của các NĐT nước ngoài khi có ý định đầu tư vào hệ thống ngân hàng Việt Nam. Hiện các ngân hàng Việt Nam được Moody’s xếp hạng cao nhất là B1 - hạng không khuyến khích đầu tư và mang tính đầu rất cơ cao; S&P xếp hạng cao nhất là BB-, đây là hạng không khuyến khích đầu tư và mang tính đầu cơ; Fitch xếp hạng cao nhất là B+, cũng là hạng không khuyến khích đầu tư và mang tính đầu cơ.

Theo đánh giá về năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF, trong phần đánh giá về sự phát triển thị trường tài chính, WEF đánh giá sự lành mạnh của ngành ngân hàng tại Việt Nam với số điểm 3,7 trong thang điểm 0 - 7 (7 cao nhất) và xếp hạng 124 trong tổng số 140 quốc gia.

Việt Nam đang tiến vào một giai đoạn hội nhập mới với sự cạnh tranh được cho là sẽ rất khốc liệt trong nền kinh tế hàng hóa với sự tự do hóa mậu dịch giữa các quốc gia, đặc biệt trong nền kinh tế tiền tệ khi dòng vốn đầu tư sẽ dịch chuyển mạnh mẽ giữa các quốc gia.

Để hấp thụ dòng vốn này, việc nâng cấp tín nhiệm quốc gia trở nên quan trọng hơn bất cứ thời điểm nào trong quá khứ. Hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục không được nhìn nhận một cách tích cực dưới con mắt của các nhà tài chính và đầu tư thế giới nếu không có kế hoạch nâng cấp xếp hạng tín nhiệm một cách nghiêm túc ngay từ bây giờ.

Điều này đòi hỏi sự cải tiến đồng bộ của tất cả các lĩnh vực kinh tế. Khi đó, Việt Nam có khả năng thoát ra khỏi nhóm “không khuyến khích đầu tư” để đi vào nhóm “khuyến khích đầu tư” trong vòng 3 - 5 năm tới.

Tin bài liên quan