Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 11/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 2,46%

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 11/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 2,46%

Hàng loạt ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro

(ĐTCK) Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2016 cao hơn năm trước, nguyên nhân chính được chỉ rõ là nợ xấu, trong khi việc xử lý nợ xấu gặp nhiều vướng mắc.

Trích lập dự phòng rủi ro cao

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2016 của Vietcombank cho biết, tính đến 31/12/2016, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng là 6.410 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước là 6.068 tỷ đồng.

Với VietinBank, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tính đến 31/12/2016 là 5.022 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước là gần 4.700 tỷ đồng.

Hai ngân hàng có chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2016 giảm so với năm 2015 là MB và Sacombank.

Cụ thể, tính đến 31/12/2016, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của MB là 1.934 tỷ đồng, trong khi cuối năm 2015 là 2.011 tỷ đồng; mức chi phí này của Sacombank cuối năm 2016 là 700 tỷ đồng, trong khi cuối năm 2015 là 2.132 tỷ đồng.

Tại BIDV, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tính đến 31/12/2016 là 9.273 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước là 5.676 tỷ đồng. Đây là ngân hàng có mức tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng mạnh nhất trong số các ngân hàng có vốn chi phối của Nhà nước.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ACB tính đến 31/12/2016 là 1.217 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước là 884 tỷ đồng. SHB có mức tăng tương tự, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tính đến 31/12/2016 là 1.323 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước là 842 tỷ đồng.

… vì nợ xấu chưa giảm nhiều

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các ngân hàng đều chung quan điểm, năm 2016, trích lập dự phòng rủi ro cao bởi tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm không giảm nhiều so với cuối năm 2015 do nợ xấu mới phát sinh trong bối cảnh kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ hết thời gian cơ cấu nhưng nhiều khách hàng không thanh toán được.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 11/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 2,46%. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, tỷ lệ nợ xấu trên chưa tính đến: nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa được thu hồi; nợ cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN và một phần có thể trở thành nợ xấu. Tính sơ bộ: nợ xấu được báo cáo + nợ xấu bán cho VAMC chưa thu hồi = 6,7% tổng dư nợ (tháng 12/2016). Còn theo Credit Suisse, nếu tính đầy đủ, nợ xấu có thể chiếm khoảng 8% tổng dư nợ.

TS. Lực cho rằng, tư duy, quan điểm về bên vay - chủ nợ tại Việt Nam khác thông lệ nên dẫn đến khó khăn trong việc xử lý nợ xấu. Ngoài ra, khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ, chồng chéo và mâu thuẫn; tư duy “hình sự hóa” các trường hợp làm mất tài sản công còn nặng nề. Trong khi đó, việc xử lý tài sản bảo đảm rất phức tạp, thị trường mua bán nợ chưa được hình thành.

“VAMC thiếu đặc quyền, tài chính - ngân sách nhà nước hạn hẹp, chuyên gia xử lý nợ xấu và công nghệ còn hạn chế. Bên cạnh đó, vấn đề định giá nợ xấu, đặc biệt liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, phức tạp và chưa có cơ chế xử lý phần chênh lệch giữa giá mua về và giá bán theo thị trường. Tính tuân thủ, thiện chí hợp tác của bên vay ở mức thấp. Tính cưỡng chế, phối kết hợp của các bên liên quan như tòa án, công an, chính quyền địa phương còn yếu”, TS. Lực nhận xét.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

“Nợ xấu là một vấn đề lớn, nhức nhối, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Sau mấy năm qua, đã xử lý được cơ bản nợ xấu ra khỏi báo cáo tài chính của các tổ chức tín dụng, thiết lập thể chế ban đầu để xử lý nợ xấu, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Cần có giải pháp đột phá, quyết liệt, đồng bộ để xử lý dứt điểm nợ xấu”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nói.

Theo TS. Lực, cần sớm có Luật Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Trong đó, tăng quyền cho VAMC như quyền đấu giá, định đoạt tài sản bảo đảm, được nhận thế chấp là quyền sử dụng đất, cho phép bán dưới giá mua vào, có chế xử lý phần chênh lệch, cho phép sử dụng một phần nguồn lực nhà nước như Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, cho phép ủy thác quản lý/xử lý nợ xấu, tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng.

Đồng thời với đó là cơ chế đột phá trong xử lý tài sản bảo đảm như quyền nhà đầu tư sở hữu tài sản bảo đảm hoặc thông qua ủy thác; tăng cường sự phối kết hợp giữa các bên liên quan; miễn phí thi hành án cho người được thi hành án; chấp nhận bán giá thấp (theo giá thị trường) đối với một số khoản nợ xấu ban đầu, tạo “xúc tác” và quay vòng vốn.

“Đối với thị trường mua bán nợ, cần sớm có Thông tư hướng dẫn Nghị định 69/2016/NĐ-CP về kinh doanh mua bán nợ; xây dựng cơ chế xử lý phần chênh lệch (giá mua bán nợ xấu theo thị trường); cho phép thành lập tổ chức định giá độc lập và VAMC có quyết định giá (có giới hạn) nếu không thống nhất được với bên bán nợ xấu; đa dạng hóa hình thức, đối tượng mua bán nợ như cho phép tư nhân, nước ngoài tham gia”, TS. Lực khuyến nghị.

Về nguồn lực xử lý nợ xấu, theo TS. Lực, nguồn tài chính chủ yếu là dùng trái phiếu nợ xấu (khác trái phiếu đặc biệt) có tính thanh khoản cao hơn. Bên cạnh đó, cho phép sử dụng một phần nguồn lực nhà nước (Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp) để có thêm nguồn mua bán nợ xấu theo giá thị trường, xử lý chênh lệch (nếu có). Đồng thời với đó, VAMC tích cực bán nợ xấu theo giá thị trường để có thể “lấy mỡ nó rán nó”.

Ngoài ra, cần có cơ chế miễn/giảm thuế đối với mua bán nợ xấu. Đại diện một số bộ, ngành, hiệp hội ngân hàng tham gia Hội đồng quản trị VAMC, hoặc thành lập Ban chỉ đạo liên ngành. Vấn đề chuyển nợ thành vốn góp cần lưu ý đến việc cho phép tổ chức trung gian định giá độc lập hoặc tư vấn, có sự thống nhất của các bên.    

Tin bài liên quan