Hạn chế tín dụng đen và vai trò của công ty tài chính

Hạn chế tín dụng đen và vai trò của công ty tài chính

(ĐTCK) Chính phủ và các bộ, ngành đã đề ra hàng loạt biện pháp nhằm đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen, trong đó, thúc đẩy hoạt động tín dụng tiêu dùng lành mạnh được xem là một trong những giải pháp trụ cột.

Hoàn thiện hành lang pháp lý cho CTTC phát triển

Thông tin tại Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức cuối tuần trước, các chuyên gia trong ngành đã đưa ra hàng loạt kiến nghị liên quan đến hành lang pháp lý cho hoạt động của các công ty tài chính.

Theo ông Nguyễn Đình Vinh, Phó tổng giám đốc VietinBank, đối với các ngân hàng thương mại chưa có giấy phép hoạt động CTTC riêng, NHNN cần có hướng dẫn để cấp giấy phép mới; hoặc cơ cấu lại các CTTC yếu kém chuyển về các ngân hàng thương mại lớn có nhu cầu; hoặc cho phép ngân hàng thương mại chuyển loại hình công ty cho thuê tài chính không hiệu quả sang CTCT; cho phép các ngân hàng thương mại được thành lập các khối tín dụng tiêu dùng.

“Cần có riêng hành lang pháp lý của NHNN dành cho các tổ chức tín dụng hướng dẫn cho vay với đối tượng có nhu cầu vay tài chính tiêu dùng; đồng thời, nới lỏng hệ điều kiện vay vốn, tinh gọn quy trình, thủ tục hồ sơ và thời gian xử lý khoản vay theo một tiêu chuẩn khác biệt để người dân có thể tiếp cận và đáp ứng được nhu cầu của đa phần trong số khách hàng có mức thu nhập thấp”, ông Vinh nêu quan điểm.

Phân tích hoạt động cho vay tiêu dùng tiềm ẩn rủi ro cao, ông Vinh kiến nghị NHNN ban hành hướng dẫn mức trần lãi suất cho vay theo Bộ luật Dân sự 2015 theo hướng không áp dụng đối với hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại, CTTC đối với phân khúc khách hàng vay tiêu dùng.

Tuy nhiên, NHNN cũng có thể khống chế một mức trần riêng đủ để bù đắp rủi ro (khoảng 40%/năm) và yêu cầu tổ chức tín dụng công khai minh bạch về lãi suất, cũng như điều kiện vay vốn.

Ông Vinh cũng đề xuất, cần sớm có hành lang pháp lý đối với các công ty FinTech, yêu cầu các công ty FinTech hoạt động phải có sự hợp tác bắt buộc với ngân hàng thương mại để tránh tình trạng FinTech biến tướng, cho vay dưới hình thức tín dụng đen, mà không dưới một tổ chức tài chính hợp pháp nào. Việc hợp tác với các công ty FinTech cũng hỗ trợ các ngân hàng trong việc tiết giảm chi phí về đầu tư công nghệ và sàng lọc khách hàng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Đức, Phó tổng giám đốc HD Saison đề xuất: “Để có thể mở rộng hơn nữa mạng lưới điểm giới thiệu dịch vụ tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hiện chưa có sự hiện diện của các ngân hàng thương mại, HD Saison rất mong được NHNN xem xét hỗ trợ thêm về nguồn vốn ưu đãi (ưu đãi hơn so với khoản vay thương mại trên thị trường), qua đó HD Saison có thể đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng tại các khu vực này với mức lãi suất và thủ tục ưu đãi, từ đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen”.

Lãnh đạo CTTC này cũng khuyến nghị NHNN xem xét điều chỉnh cơ chế cho vay đặc thù cho nhóm khách hàng sinh sống tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân còn hạn chế hiểu biết về tài chính thông qua việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng và các văn bản liên quan để đảm bảo tính pháp lý và minh bạch.   

Thống đốc NHNN: sớm hoàn thiện khung pháp lý

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, mặc dù lãi suất cho vay còn cao và có những hạn chế trong công tác quản lý khách hàng, nhưng các CTTC đã tích cực đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với thủ tục đơn giản, nhanh chóng.

Ông Hùng dẫn số liệu, cuối năm 2018, toàn hệ thống có 78 tổ chức tín dụng tham gia cho vay phục vụ đời sống với dư nợ vay đạt khoảng 1.416.933 tỷ đồng, chiếm 19,65% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 29,38% so với thời điểm cuối năm 2017. Trong đó, dư nợ cho vay tiêu dùng của 12 công ty tài chính đạt 89.384 tỷ đồng.

Phó tổng giám đốc HD Saison thông tin, tỉnh Gia Lai là địa bàn có số lượng điểm giới thiệu dịch vụ nhiều nhất của CTTC này và chiếm dư nợ cho vay tiêu dùng lớn nhất so với 4 tỉnh còn lại của khu vực Tây Nguyên. Tại thời điểm 31/12/2018, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của HD Saison tại tỉnh Gia Lai tăng 23,43 tỷ đồng so với tổng dư nợ là 154,8 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2017.

Số lượng khách hàng của HD Saison còn dư nợ tại thời điểm 31/12/2018 tại Gia Lai tăng 2.285 người so với thời điểm 31/12/2017, đạt 23.819 khách hàng. Lãi suất cho vay tiêu dùng trung bình đến thời điểm 31/12/2018 tại Gia Lai là 31,52%/năm và thấp nhất là 0%.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ tín dụng ngân hàng, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân, góp phần cùng Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương liên quan đấu tranh đẩy lùi tín dụng đen thông qua các giải pháp, trong đó bao gồm hoàn thiện khung khổ pháp lý.

Theo Thống đốc, NHNN sẽ sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của các CTTC nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các CTTC, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của loại hình này thông qua quản lý về quy mô, điều kiện kinh doanh, phạm vi địa bàn hoạt động, khuôn khổ lãi suất… để ngăn chặn tình trạng và nguy cơ mất an toàn và tiếp tay cho tín dụng đen hoạt động; tăng cường vai trò trách nhiệm, quyền hạn của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân; phát triển các sản phẩm cho vay tín dụng tiêu dùng lành mạnh, đặc biệt sản phẩm tín dụng trong sinh hoạt đối với các vùng công nghiệp, khu vực đông dân.

Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, nhằm tách bạch hoạt động cho vay phục vụ đời sống và cho vay tiêu dùng cá nhân của các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện để các ngân hàng mở rộng cho vay tiêu dùng cá nhân; nghiên cứu hoàn thiện quy định về cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm.

“Hai nhiệm vụ này tôi giao Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; Vụ Chính sách tiền tệ NHNN phối hợp với các đơn vị thuộc NHNN triển khai thực hiện, hoàn thành trong quý II/2019”, Thống đốc nói.

Nhằm cung cấp các thông tin hữu ích tới bạn đọc và người dân, Báo Đầu tư sẽ tổ chức cuộc Tọa đàm về hoạt động cho vay tiêu dùng năm thứ ba với chủ đề “Phát triển Tín dụng tiêu dùng – Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” vào hồi 9h ngày 15/3 (thứ Sáu) tại trụ sở Báo Đầu tư – 47, Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội.

Tham dự Tọa đàm có các chuyên gia kinh tế tài chính hàng đầu hiện nay gồm TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; TS. Phạm Minh Điển, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương; Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước; TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, LS. Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành BASICO; và nhiều chuyên gia, lãnh đạo các tổ chức tài chính lớn hiện nay.

    Tin bài liên quan