Hai kịch bản tăng trưởng tín dụng

Hai kịch bản tăng trưởng tín dụng

Nếu tín dụng bơm ra ồ ạt mà lãi suất tiếp tục neo cao, thì dòng tiền sẽ đổ vào các khu vực có tính đầu cơ, bong bóng, chứ không đổ vào các ngành sản xuất. Điều này càng đáng lo khi tín dụng bất động sản có nhiều chiêu luồn lách tinh vi.

Lãi vay vẫn còn quá cao

Liên quan đến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng trưởng tín dụng năm nay cố gắng đạt 21 - 22%, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này không hề đáng lo ngại nếu như việc bơm tín dụng phải đi kèm hạ lãi suất, để dòng vốn đến được với các ngành sản xuất thực.

“Tăng trưởng tín dụng 20% đối với quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện nay không gây ra nguy cơ lớn, song điều kiện đi kèm là phải giảm lãi suất thêm nữa thì nền kinh tế mới hấp thụ được vốn. Còn với lãi suất cao như hiện nay thì tín dụng sẽ chỉ chảy vào các lĩnh vực không mong muốn như chứng khoán, bất động sản, vay tiêu dùng…”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cảnh báo.

Theo ý kiến của các nhà phân tích, việc tín dụng tăng trưởng trên 20% có thể dẫn tới 2 kịch bản.

Kịch bản thứ nhất, nếu tín dụng tăng trên 20%, đi kèm lãi suất giảm, tổng cầu sẽ tăng, vốn sẽ chảy vào các ngành sản xuất, công nghiệp chế biến, dịch vụ.

Trong 7 tháng đầu năm nay, tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 10% (khoảng 560.000 tỷ đồng). Nếu tín dụng năm nay tăng 21 - 22%, có nghĩa là trong 5 tháng cuối năm, sẽ có gần 700.000 tỷ đồng bơm ra nền kinh tế.    

Kịch bản thứ hai, nếu lãi suất vẫn cao như hiện nay, khi tăng tín dụng trên 20%, các doanh nghiệp ngành hàng sản xuất sẽ không dám vay vốn, tiền sẽ chảy vào những kênh rủi ro, gây nguy cơ nợ xấu cho giai đoạn tới, hoặc sẽ gây ra lạm phát.

Đó cũng chính là lý do mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Tuy mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã giảm khá mạnh so với giai đoạn trước, song số khách hàng được tiếp cận với lãi suất lĩnh vực ưu tiên vẫn chưa nhiều. Đại bộ phận doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với lãi suất 9 - 12%/năm, lãi vay tiêu dùng lên tới 20 - 30%/năm, khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm sút.

Cần rạch ròi tín dụng bất động sản

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tín dụng vẫn chảy vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng. Tuy nhiên, trong bối cảnh sản xuất mới phục hồi ở mức độ vừa phải, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, nếu không kiểm soát chặt, dòng vốn bơm ra sẽ lại đổ vào các lĩnh vực “nóng” như bất động sản, chứng khoán…

TS. Nguyễn Thạc Hoát, Trưởng khoa Tài chính - Tiền tệ (Học viện Chính sách và Phát triển) cho rằng, dù Chính phủ khuyến khích các ngân hàng thương mại rót vốn vào 5 lĩnh vực ưu tiên, song đây chỉ là khuyến khích về định hướng, không phải là chỉ tiêu, nên dòng vốn tín dụng có được nắn vào sản xuất hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại.

Thực tế, trong khi tín dụng sản xuất tăng chậm thì mấy năm gần đây, tín dụng tiêu dùng, tín dụng bán lẻ của các ngân hàng lại tăng rất mạnh. Đặc biệt, cho vay mua nhà đang chiếm thị phần rất lớn trong mảng cho vay tiêu dùng. Số liệu khảo sát của Viện Chiến lược ngân hàng (thuộc NHNN) cho thấy, cho vay mua và sửa chữa nhà ở luôn chiếm tỷ trọng trên 50% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng.

Đáng nói là, vốn rót vào các lĩnh vực nóng, đặc biệt là rót vào bất động sản đang ngày càng tinh vi nhằm né quy định của NHNN. Các ngân hàng hiện không còn trực tiếp cho vay doanh nghiệp bất động sản, mà chuyển sang cho người tiêu dùng vay mua nhà và cho vay tài trợ vật liệu xây dựng.

“Thanh tra nội bộ của từng ngân hàng thương mại phải bóc tách rõ các khoản vay. Bên cạnh đó, thanh tra NHNN cũng cần phải vào cuộc để kiểm soát rủi ro”, ông Nghĩa đề nghị.

Liên quan đến chỉ đạo tăng trưởng tín dụng 21 - 22% mới đây của Thủ tướng Chính phủ, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cho rằng, chỉ tiêu trên chỉ mang tính định hướng, chứ không phải đòi hỏi NHNN phải tìm mọi cách đạt được. Theo ông, NHNN cần cần tập trung vốn rẻ cho lĩnh vực ưu tiên, hướng tới chất lượng, thay vì số lượng.

Tin bài liên quan