Hai bài toán lớn của ngành ngân hàng

Hai bài toán lớn của ngành ngân hàng

(ĐTCK) Tình hình tín dụng của các nhà băng đang được cải thiện khi các doanh nghiệp dần mở rộng đầu tư, sản xuất - kinh doanh và nhu cầu vay mua nhà gia tăng khi thị trường bất động sản hồi phục. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 18 - 20% trong năm 2017, ngành ngân hàng phải đối mặt với hai bài toán lớn.

Giảm lãi suất

Ngành ngân hàng đã có một năm 2016 khá thành công trong hoạt động cho vay, với mức tăng trưởng tín dụng đạt 18%. Nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp tăng trở lại, bên cạnh đó, thị trường bất động sản ấm lên, kích thích nhu cầu vay mua nhà, đặc biệt là khi mặt bằng lãi suất cho vay dần phù hợp hơn.

Mặt bằng lãi vay các doanh nghiệp đang phải trả hiện nay vào khoảng 9 - 10%/năm. Mức lãi suất này đã thấp hơn so với 2 - 3 năm trước, nhưng so với các nước lân cận như Thái Lan, Singapore và kể cả Indonesia, Philippines, thì vẫn còn cao.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả hàng hóa cũng như sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế, thậm chí cả ở thị trường nội địa. Mục tiêu ngành ngân hàng đưa ra cho năm nay là giảm thêm lãi suất đầu ra ít nhất 1-1,5%/năm.

Nếu nỗ lực của ngành ngân hàng đưa mặt bằng lãi suất về mức thấp hơn thành công thì đây sẽ là đòn bẩy để kích thích tín dụng trong nền kinh tế, cũng như chia sẻ những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Ông Huỳnh Bửu Sơn, Chuyên gia ngân hàng 

Tuy nhiên, lãi suất và lạm phát luôn là “cặp bài trùng” trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Chỉ số lạm phát năm nay được cho là sẽ tăng so với năm 2016, đồng thời lãi suất tiền gửi tiết kiệm cũng có xu hướng đi lên, gây áp lực lên lãi suất đầu ra.

Điều này đang là mối lo đối với các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, lãi suất vay trung và dài hạn khó giảm khi các ngân hàng đang nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới 1 năm tới 6%/năm, thậm chí với các kỳ hạn dài, lãi suất tiền gửi còn được các nhà băng nâng lên tới 7,8%/năm, nhằm tái cơ cấu nguồn vốn theo quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong Thông tư 06/2016/TT-NHNN, áp dụng từ đầu năm nay.

Vậy nhưng, trước bối cảnh cạnh tranh trên thị trường ngân hàng ngày càng gay gắt hiện nay, để có thể giữ được thị phần tín dụng, các ngân hàng đang phải cạnh tranh khốc liệt trong việc cho vay và lãi suất được xem là một công cụ hữu hiệu để thu hút khách hàng.

Các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, kinh doanh hiệu quả hiện được ngân hàng cho vay với lãi suất tương đối cạnh tranh khoảng 6 - 8%/năm.

Ngược lại, với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, kinh doanh chưa mấy thành công, khi có nhu cầu vốn, các ngân hàng phải áp mức lãi suất cao hơn để hạn chế rủi ro. 

Hạn chế rủi ro nợ xấu

Các ngân hàng đang tập trung cho vay bất động sản, không chỉ với đối tượng khách hàng cá nhân vay mua nhà, mà còn với cả các chủ đầu tư dự án. Đây được xem là một giải pháp kích cầu thị trường bất động sản và tín dụng.

Tất nhiên, các ngân hàng đã cẩn trọng hơn khi rót vốn vào lĩnh vực tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro này. Các ngân hàng cần chọn lọc trong cho vay, rót vốn vào các dự án có mức giá phù hợp và cung ứng vốn cho những khách hàng có thu nhập trung bình trở lên, nhưng ổn định thì sẽ hạn chế được rủi ro nợ xấu.

Ngược lại, với các chủ đầu tư cũng như khách hàng có nhu cầu vay vốn để đầu cơ bất động sản, ngân hàng cần thận trọng vì khá rủi ro. Bởi hiện nay, nguồn cung trên thị trường bất động sản đang khá dồi dào, trong khi hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài có thể bị ảnh hưởng bởi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Dự báo, không chỉ hạn chế đầu tư trực tiếp, mà ngay cả dịch vụ thuê văn phòng cũng sẽ giảm so với trước. Nói cách khác, thị trường bất động sản luôn tiềm ẩn rủi ro, bởi giá cả lên xuống thất thường, hoạt động đầu cơ đôi khi nhiều hơn nhu cầu thực.

Thực tế cho thấy, nợ xấu của ngành ngân hàng cao trong những năm trước chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản, do các nhà băng đã đẩy mạnh vốn vào thị trường này, nhưng thiếu sự kiểm soát. Đó là bài học mà chắc hẳn các ngân hàng không thể quên, vì đến tận hôm nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm hệ lụy của nó.

Cuối năm 2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng để góp phần thực hiện các mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ - CP ngày 7/1/2016, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 9/5/2016, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016.

Chỉ thị khẳng định, trong những tháng cuối năm 2016, Ngân hàng Nhà nước kiên định thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng không chủ quan với diễn biến của lạm phát.

Cùng với đó là theo dõi, giám sát chặt chẽ và cảnh báo tổ chức tín dụng có quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông; tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng cải thiện đáng kể trong năm qua, với dư nợ tăng 18%, trong đó một phần chảy vào bất động sản. Đáng chú ý, khi thị trường bất động sản ấm dần, ngân hàng không chỉ rộng cửa cho cá nhân vay mua nhà, mà còn đẩy mạnh vốn cho chủ đầu tư, chạy đua bảo lãnh dự án... khiến rủi ro tiềm ẩn và đáng lo ngại.

Ngân hàng Nhà nước cũng sớm có cảnh báo rủi ro “bong bóng” tín dụng lĩnh vực này. Vì bài toán nợ xấu chưa thể đẩy nhanh tiến độ giải quyết, ảnh hưởng đến dòng chảy tín dụng của các ngân hàng, tác động tiêu cực lên sức hấp thụ vốn nền kinh tế. Do vậy, các ngân hàng cũng phải cân đối và hạn chế rót vốn cho các chủ đầu tư, dự án có rủi ro tiềm ẩn.

Để giải quyết được bài toán nợ xấu, khơi thông dòng chảy tín dụng, cũng cần có giải pháp để các ngân hàng có thể giải quyết nhanh bài toán phát mại tài sản, mà thực tế đang gặp nhiều rào cản, vướng mắc.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đặt ra cho năm nay ở mức 18 - 20% là phù hợp với tình hình kinh tế, nhưng cũng phải xem xét kỹ về con số tăng trưởng thực và số liệu thống kê từ các ngân hàng thương mại. Bởi sẽ khó tránh khả năng để đạt được chỉ tiêu tín dụng, các ngân hàng sẽ sử dụng biện pháp đảo nợ, khó biết con số tăng trưởng dư nợ thật là bao nhiêu.

Vì thế, nói mức tăng trưởng tín dụng ở mức nào là hợp lý thì chúng ta cũng phải xét đến con số tăng trưởng dư nợ thực chất.

Tin bài liên quan