Gói 30.000 tỷ đồng lại được “hâm nóng”

Gói 30.000 tỷ đồng lại được “hâm nóng”

(ĐTCK) Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng vừa được “hâm nóng” với những thông tin khơi thông hết cỡ để dòng tín dụng từ gói hỗ trợ này chảy nhanh đến các đối tượng thụ hưởng.

Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2014” được tổ chức tại TP. HCM trung tuần tháng 2 vừa qua, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh đưa ra một số thông tin quan trọng liên quan đến tín dụng bất động sản, trong đó có thông tin, sẽ sửa đổi một số nội dung của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Theo ông Nghĩa, một số nội dung tại gói tín dụng này sẽ được nới rộng như điều kiện cho vay sẽ được vận dụng trên giá bán căn hộ chứ không phải trên diện tích; chỉ cần xác nhận nơi cư trú thay vì xác nhận tình trạng nhà ở của chính quyền địa phương; tăng thời hạn cho vay từ 10 lên 15 năm, thay cụm từ cho vay nhà ở xã hội thành cho vay nhà ở phổ thông.

Nếu thông tin mở rộng đối tượng cho vay trong gói 30.000 tỷ đồng mà TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết là chính xác, thì nhiều khả năng, cơ hội giải phóng hàng tồn căn hộ hạng trung, nằm ở các quận nội thành sẽ tăng lên. Bởi khi đó, ngân hàng chắc chắn sẽ ưu tiên giải ngân cho các đối tượng có thu nhập trung bình khá trở lên, những đối tượng chứng minh được nguồn trả nợ ổn định, nhằm tránh rủi ro tăng nợ xấu như cho đối tượng người thu nhập trung bình và thu nhập thấp vay. Chưa kể đến việc phát mãi tài sản thế chấp là nhà ở thương mại dễ thu hồi vốn hơn so với nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, xung quanh thông tin này, đã có nhiều ý kiến trái chiều từ phía các chuyên gia, nhà quản lý cũng như doanh nghiệp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM cho biết, bản chất của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là chủ trương hết sức nhân văn của Chính phủ, tạo điều kiện cho người thu nhập từ trung bình trở xuống trong đô thị chưa có nhà ở mua nhà. Vì thế, nếu là nhà ở phổ thông, thì đối tượng sẽ được mở rộng cho cả đối tượng thu nhập khá. Khi đó, xét về tính cạnh tranh, thì đương nhiên người thu nhập khá sẽ đảm bảo được điều kiện trả nợ tốt hơn so với người thu nhập trung bình, người thu nhập thấp. Như vậy, gói hỗ trợ mất đi mục tiêu ban đầu của nó.

Trong khi đó, theo đề xuất mới nhất của Bộ Xây dựng, việc sửa đổi gói 30.000 tỷ đồng này không phải là mở rộng đối tượng, mà là xem xét điều kiện cho vay.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, lý do lớn nhất khiến người thu nhập thấp khó tiếp cận gói này vẫn là việc bắt họ phải chứng minh được khả năng trả nợ, vì đa số họ làm nghề tự do. Vì vậy, tháo được nút thắt này, thì điều kiện tiếp cận gói ưu đãi sẽ dễ hơn, nguồn cầu của thị trường cũng theo đó được khơi thông.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Cửu, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển Nhà Hà Nội nhận định, việc địa phương phải xác nhận tình trạng nhà ở khiến nhiều người mất đi cơ hội mua nhà ở xã hội.

“Việc bỏ quy định xác nhận tình trạng nhà ở, thay bằng xác nhận nơi cư trú sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người mua, tăng tính thanh khoản trên thị trường. Tình trạng đủ điều kiện, nhưng không chứng minh được làm cho cả người mua và các đơn vị xây dựng nhà ở xã hội mất đi cơ hội”, ông Cửu nhìn nhận.

Dù chưa có quyết định chính thức cụ thể, nhưng thông tin mở rộng đối tượng cho vay gói 30.000 tỷ đồng làm giới văn phòng và những người có thu nhập khá “sôi lên sùng sục”.

Chị Khánh, nhân viên tại một cơ quan hành chính cho biết: “Mình cũng thuộc diện đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, nhưng 2 vợ chồng đều làm ở quận 1, còn con đi học ở quận 3, nếu mua nhà ở xã hội cách nơi làm việc, nơi học của con từ 15 - 20 km thì mình không mua. Tuy nhiên, cho mua nhà ở thương mại chỉ giới hạn về giá căn hộ được vay lãi suất ưu đãi thì sẽ mua ngay”.

Không riêng gì chị Khánh, thông tin chỉ giới hạn về giá bán trong việc tiếp cận gói hỗ trợ nhà ở cũng khiến nhiều người có thu nhập khá dự tính ngay kế hoạch mua nhà. Tuy nhiên, anh Thanh, Phó giám đốc CTCP Quốc tế Đông Dương lại không kỳ vọng nhiều ở gói 30.000 tỷ đồng.

“Chỉ cần lãi suất hạ xuống 7 - 8%/năm, ổn định trong 5 năm là có thể tính toán mua nhà, chứ hiện nay vẫn ở mức 12%/năm trở lên, một vài ngân hàng có ưu đãi 9%/năm, nhưng chỉ được 6 tháng, sau đó thả nổi, nên cũng rủi ro cho người vay. Đa phần những người có thu nhập trung bình trở lên đều tính chuyện mua căn hộ từ trung cấp trở lên với điều kiện lãi suất cho vay phải hạ thấp hơn”, anh Thanh nói.

Chưa biết thực hư câu chuyện sửa đổi quy định về gói 30.000 tỷ đồng thế nào, nhưng với những thông tin vừa được đưa ra, ít nhất gói 30.000 tỷ đồng này cũng đang được "hâm nóng" trở lại.

Tin bài liên quan