Với việc thí điểm xử lý nợ xấu, thương vụ bán Ocean Bank được kỳ vọng sớm hiện thực hóa. Ảnh: Đ.T

Với việc thí điểm xử lý nợ xấu, thương vụ bán Ocean Bank được kỳ vọng sớm hiện thực hóa. Ảnh: Đ.T

Gỡ nợ xấu, M&A ngân hàng bùng nổ

Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được cho là sẽ gỡ nút thắt trong hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) lĩnh vực ngân hàng, đưa các thương vụ này sớm trở thành hiện thực.

Đàm phán rất sôi động, nhưng…

Sau khi thất bại trong việc đàm phán bán lại cho Ngân hàng UOB (Singapore), GPBank lại đang bắt đầu khởi động quá trình đám phán bán lại cho một nhà đầu tư khác.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một nguồn tin cho hay, thương vụ bán lại GPBank cho UOB trước đây thất bại một phần do nhà đầu tư trả giá quá thấp, song một phần tại thời điểm đó, nhà đầu tư đòi quyền “mua đứt, bán đoạn” ngân hàng, bao gồm cả các tài sản đảm bảo nợ xấu, nhưng phía Việt Nam không thể đảm bảo.

Tương tự GPBank, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư ngoại cũng đặt vấn đề tìm hiểu Ocean Bank. Tuy nhiên, cho đến nay, thương vụ vẫn chưa diễn ra, chủ yếu do còn e ngại vấn đề xử lý nợ xấu sau sáp nhập.

Ông Bùi Huy Thọ, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng  và hoạt động ngân hàng (NHNN) thừa nhận, việc mua lại một ngân hàng yếu kém đối với nhà đầu tư nước ngoài là không đơn giản, do tài sản công nợ ngân hàng rất đa dạng, trong khi mạng lưới trải dài toàn quốc…

“Khi tham gia tái cơ cấu mua lại ngân hàng yếu kém, nhà đầu tư nước ngoài phải nhìn thấy triển vọng xử lý nợ xấu”, ông  Thọ nhận định.

Điều đáng mừng là mới đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Theo đó, việc xử lý tài sản đảm bảo sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Thực tế, thương vụ đàm phán bán Ocean Bank cho đối tác ngoại đang có những tiến triển rất tích cực (đã bước vào giai đoạn II của quá trình đàm phán). Với cơ sở pháp lý xử lý nợ xấu khá chắc chắn hiện nay, nhiều khả năng, thương vụ sẽ sớm được hiện thực hóa.

Ngân hàng Việt vẫn hấp dẫn

Được biết, ngoài 3 ngân hàng thuộc diện bắt buộc xử lý, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hiện vẫn còn khá nhiều ngân hàng yếu kém, cần tiếp tục tái cơ cấu. Nghị quyết 42/2017/QH14 đi vào cuộc sống sẽ mở ra cơ hội đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các ngân hàng này, với sự tham gia của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Riêng với các nhà đầu tư nước ngoài, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, các thương vụ M&A với ngân hàng yếu sẽ sôi động hơn nếu Chính phủ cho phép nới mạnh room với các ngân hàng yếu kém.

“Các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là nhà đầu tư đến từ ASEAN và Đông Á, vẫn rất quan tâm đến thị trường Việt Nam”, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết. 

Thực tế, ngân hàng Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, rất nhiều ngân hàng nước ngoài “đổ bộ” vào Việt Nam. Mới đây nhất, giữa tháng 7/2017, Ngân hàng UOB của Singapore đã được NHNN cấp giấy phép thành lập ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam, đưa tổng số ngân hàng ngoại ở Việt Nam lên số 9 ngân hàng. Hiện có ít nhất 2 ngân hàng trong khu vực cũng có ý định thành lập ngân hàng tại Việt Nam.

Việc các nhà đầu tư quan tâm tới các ngân hàng Việt Nam là dễ hiểu, bởi thị trường ngân hàng bán lẻ tăng trưởng hấp dẫn bậc nhất trong khu vực. Để giành miếng bánh trên thị trường này, cách nhanh nhất là M&A. 

Với tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, làn sóng mua công ty tài chính của các tập đoàn tài chính nước ngoài sẽ tiếp tục nóng trong năm 2017 và một số thương vụ sẽ sớm được hiện thực hóa.

Không chỉ tìm cách mua lại các ngân hàng yếu, các nhà đầu tư ngoại cũng đang săn lùng các công ty tài chính. Hiện tại, có ít nhất một nhà đầu tư Nhật Bản và một nhà đầu tư Hàn Quốc đang tìm mua công ty tài chính trong nước. 

Cuối năm ngoái, Shinsei Bank (Nhật Bản) đã mua 49% vốn tại Công ty Tài chính tiêu dùng Mcredit (MB). Trước đó, Credit Saison (Nhật Bản) mua 49% vốn của HDFinance. 

Tin bài liên quan