Giáo sư Gregory F.Udell

Giáo sư Gregory F.Udell

Giám sát tốt thì động sản làm tài sản đảm bảo vẫn tốt

(ĐTCK) Nếu có những biện pháp, quy trình giám sát tốt nhất, ban giám sát độc lập và chuyên nghiệp… thì tổn thất trong nghiệp vụ cho vay thế chấp bằng động sản cũng chỉ tương đương các loại hình cho vay khác.

>> Cho vay: Đừng nhìn vào BĐS thế chấp

Đó là nhận xét của Giáo sư Gregory F.Udell, chuyên ngành tài chính ngân hàng, Trường kinh doanh Kelly, Đại học Indiana (Mỹ).

Theo ông, đặc điểm chính của hình thức cho vay có tài sản đảm bảo (TSĐB) là động sản là gì?

Đây là một trong nhiều nghiệp vụ cho vay của ngân hàng với đặc điểm chính là tài sản đảm bảo là các công nợ phải thu, hàng tồn kho… dùng cho các khoản cấp vốn lưu động. Điều này khác với hoạt động cho vay chủ yếu dựa vào sự tín nhiệm tín dụng của DN, như cho vay thương mại truyền thống - tức hoạt động kinh doanh của DN sẽ được xem như nguồn trả nợ chính và tài sản bảo đảm chỉ là nguồn trả nợ phụ.

 

Những rủi ro trong cho vay có TSĐB là động sản là gì?

Theo thông lệ của các quốc gia như Mỹ, Anh, New Zealand, Canada, Australia, cho vay có TSĐB là động sản khá rủi ro. Đối với khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì loại hình cho vay này nhìn chung rủi ro hơn so với các loại hình cho vay khác.

Thứ nhất, đó là mâu thuẫn tự nhiên giữa người đi vay và cho vay. Một số DN nhìn hoạt động kinh doanh của họ qua lăng kính mầu hồng. Tuy nhiên, nhiều khả năng các DN có động cơ tự nhiên để nói giảm rủi ro và nói quá tiềm năng lợi nhuận của mình. Đó là bởi các DN có xu hướng mập mờ thông tin. Đây chính là sự bất cân xứng thông tin giữa những gì DN biết về chất lượng (rủi ro, lợi nhuận kỳ vọng) của mình và những gì bên cho vay biết được về DN họ cho vay - với lợi thế thông tin thuộc về các DN.

Thứ hai, một ảnh hưởng quan trọng khác của việc thiếu minh bạch thông tin đến quá trình cho vay là gian lận. Trong khi gian lận rõ ràng không phải là đặc trưng cho hầu hết các khoản vay kinh doanh, nhưng có một tỷ lệ nhất định gây ra thiệt hại cho các bên cung cấp tín dụng. Gian lận có thể được xem là hậu quả nghiêm trọng nhất từ việc thông tin mập mờ. Có 5 loại gian lận chính mà một bên cung cấp tín dụng dựa trên giá trị tài sản đảm bảo cần phải lưu ý là: lập hồ sơ giả về các khoản phải thu và tạo ra các chứng từ giao hàng giả mạo; khai khống hàng tồn kho hoặc thiết bị; thế chấp một tài sản cho nhiều tổ chức tín dụng; không thực hiện ghi nhận hàng hóa bị trả lại; không thanh toán nợ vay từ tiền thu của các khoản phải thu cầm cố tương ứng…

 

Còn rủi ro đạo đức?

Đây là vấn đề phổ biến trong tất cả loại hình cho vay. Các DN có xu hướng kinh doanh rủi ro, mạo hiểm dễ bị ảnh hưởng, chi phối hơn về vấn đề đạo đức. Rủi ro đạo đức là một thách thức rất lớn đối với bên cho vay. Tài sản của chủ DN chưa đủ để hạn chế việc DN chấp nhận những hoạt động nhiều rủi ro hơn, mặc dù đã có bảo lãnh cá nhân cùng với các tài sản cá nhân khác. Đối với các DN nhỏ, các giao ước cho vay thường không khả thi vì báo cáo tài chính thường không được kiểm toán.

Tuy nhiên, cũng có những rủi ro đạo đức không nhất thiết có nghĩa là DN cố tình làm tình hình công ty trở nên rủi ro hơn. Ở một mức độ nào đó, DN bằng trực giác cảm thấy rằng, với tư cách là chủ DN, họ có thể hưởng lợi nhiều hơn từ những lợi ích - nếu có, trong khi người cho vay chịu rủi ro nhiều hơn…

 

Tình trạng thông tin không minh bạch là khá phổ biến trong các DN Việt Nam . Ông có gợi ý nào cho các ngân hàng khi cho vay có TSĐB là động sản để khắc phục vấn đề này?

Việc thẩm định tài sản thế chấp cần hết sức chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro. Cần phải đảm bảo nguồn thu, chứng từ chứng tỏ là kho hàng này đúng là có tồn tại, đúng thực trạng và giám sát nguồn này thật chặt chẽ. Trong lĩnh vực cho vay có TSĐB là động sản, nhóm thẩm định rất quan trọng. Ở các quốc gia khác trên thế giới, nhóm thẩm định thực hiện kiểm tra việc vay nợ 4 lần/năm nhằm giám sát khoản vay. Kinh nghiệm cho thấy rằng, để nhận biết, ngăn chặn gian lận hiệu quả hơn, bộ phận thẩm định, giám sát cần phải độc lập.

Cần phải hiểu rằng, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa có rủi ro nhiều hơn, nhưng không có nghĩa là khoản cho vay các DN này có cùng rủi ro như vậy. Nếu có những biện pháp, quy trình giám sát rủi ro tốt thì tổn thất cho vay cũng chỉ tương đương các loại hình cho vay khác. Và bởi vì khi cho vay thì giá trị tài sản thế chấp bao giờ cũng lớn hơn giá trị khoản vay thực nên cho dù DN có phá sản hay vỡ nợ thì vẫn còn nguồn tài sản đảm bảo để ngân hàng giải quyết.