Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội nghị

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội nghị

Giảm nghèo bền vững, chặng đường còn nhiều chông gai

(ĐTCK) Chiều hôm qua (26/11), tại Pleiku, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và 2 năm phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên. 

Thông tin tại Hội nghị cho thấy, sau 3 năm thực hiện, Đề án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng để thực hiện giảm nghèo bền vững tại khu vực này vẫn còn nhiều việc phải làm…

Những con số ấn tượng

Thông tin tại Hội nghị cho biết, vào thời điểm 31/12/2011 (thời điểm xây dựng Đề án) tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng Tây Nguyên là 11.394 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 11% dư nợ của toàn quốc), trong khi đó tổng số nợ quá hạn gần 175 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn 1,54%, cao hơn 0,26% so với tỷ lệ nợ quá hạn bình quân chung toàn quốc là 1,28%.

Công tác vận động, tuyên truyền cho các tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hành tiết kiệm chưa được triển khai mạnh ở hầu hết các đơn vị. Đến cuối năm 2011, tỷ lệ số tổ viên gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH mới đạt 44,2% và bình quân một huyện trong vùng Tây Nguyên có số dư tiền gửi tiết kiệm của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn là 1,1 tỷ đồng/huyện trong khi bình quân toàn quốc là 1,9 tỷ đồng/huyện, thấp hơn 0,8 tỷ đồng/huyện.

Còn nhiều Tổ tiết kiệm và vay vốn yếu kém và hoạt động không hiệu quả, có nợ quá hạn cao, lãi tồn đọng lớn, kéo dài và thường xuyên bị xếp loại yếu kém. Điển hình một số đơn vị có tỷ lệ Tổ tiết kiệm và vay vốn yếu kém cao như: Kon Tum 7,1%, Đắk Nông 3,1%, 4 huyện miền núi của Bình Phước thuộc vùng Tây Nguyên 2%...

Tuy nhiên, qua 03 năm thực hiện Đề án, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội thông tin, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên đã tăng 4.883 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt gần 9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân toàn quốc là 1,3%/năm.

Chất lượng tín dụng đã được cải thiện rõ rệt, so với thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án đến nay, dư nợ quá hạn tại vùng Tây Nguyên chỉ còn 65,5 tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng dư nợ của cả vùng (giảm 109,6 tỷ đồng, tương đương giảm 1,14% so với cuối năm 2011). Tất cả 12/12 chi nhánh trong vùng có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1% (chi nhánh có tỷ lệ nợ quá hạn cao nhất là 0,77%).

Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn Tây Nguyên đã giúp trên 1.185 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn ngân hàng; giúp trên 121 ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 34 ngàn lao động; giúp trên 55 ngàn lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập… góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Nguyên trong thời kỳ 2011-2014 giảm từ 18,92% xuống còn 11,22%...

Ông Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhận định: “Có thể khẳng định, NHCSXH là công cụ của các cấp chính quyền trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn”.

Để giảm nghèo bền vững

Để tạo điều kiện cho việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đề xuất: Đảng, Nhà nước cần tập trung ưu tiên nguồn lực một cách mạnh mẽ cho Tây Nguyên nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng vì thực tế nguồn vốn đầu tư trong những năm qua chưa đáo ứng được so với nhu cầu tại địa phương. NHCSXH bố trí nguồn vốn cho chi nhánh đảm bảo tăng trưởng hàng năm ít nhất là từ 10% để đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Cụ thể hơn, bà Y Phương, Phó Chủ tịch thường trực UBMTTQ tỉnh Kon Tum kiến nghị: đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cấp kinh phí hỗ trợ cho 1.023 hộ nghèo dân tộc thiểu số đã vay vốn NHCSXH từ năm 2002-2004 để làm nhà ở theo Quyết định 154/2002/QĐ-TTg với tổng kinh phí hỗ trợ 6.094.275.959 đồng theo chính sách hỗ trợ tại Thông tư liên tịch số 08/2009/TTLT-BXD-BTC-BKHĐT-BNNPTNT-NHNN ngày 15/5/2009.

Bên cạnh đó, đề nghị các Bộ, ngành liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn lên mức 50 triệu đồng/hộ; cho vay hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để phát triển sản xuất từ 8 triệu đồng/hộ lên mức 15 triệu đồng/hộ và đáp ứng nhu cầu vay vốn theo kế hoạch hàng năm do địa phương xây dựng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đánh giá cao sự phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và NHCSXH trong việc phối hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đã thành công.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách, bảo đảm tốt các chính sách an sinh xã hội và tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững, Đại tướng Trần Đại Quang cũng đưa ra một vài đề nghị.

Trong đó, có việc coi trọng chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động giao dịch tại cơ sở; thực hiện công khai các chủ trương chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng, tạo điều kiện tốt nhất cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách… Thường xuyên phối hợp, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn để phát hiện, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh và xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hộ dân, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của ngân hàng.

“Các TCTD tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm tín dụng phù hợp, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong việc cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững khu vực Tây Nguyên”, Đại tướng Trần Đại Quang nói.

Tin bài liên quan