Giảm lãi suất, ngành nào hưởng lợi?

Giảm lãi suất, ngành nào hưởng lợi?

(ĐTCK) Việc giảm lãi suất thời gian qua giúp các ngân hàng cho vay nhiều hơn, tăng cung vốn, đồng thời giải quyết nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp...

Giảm lãi suất ở lĩnh vực ưu tiên

Với chủ trương hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, từ 1/8 - 31/12/2019, 4 ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank đã cùng giảm lãi suất cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, khởi nghiệp… So với mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước, mức giảm dao động từ 0,5-1%/năm, về còn 5,5%/năm.

Ngay sau đó, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng đồng loạt hạ lãi suất cho vay, nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên. Tại HDBank, ngân hàng này có gói tín dụng 10.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên cả nước. Lãi suất cho vay ưu đãi với mức giảm 1%/năm so với lãi suất thông thường.

Riêng lĩnh vực năng lượng sạch, doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái sẽ được HDBank ưu đãi vốn vay với tỷ lệ 70% giá trị khoản vay, thời hạn cho vay 5 năm. Tài sản đảm bảo chính là hệ thống điện với mức tài trợ tối đa 10 tỷ đồng. Các hộ gia đình cũng có thể tiếp cận gói vay này với mức vay tối đa 200 triệu đồng, thời gian vay 24 tháng.

Sau nửa năm kể từ khi triển khai gói tín dụng xanh đến nay, HDBank đã cấp tín dụng cho nhiều dự án điện mặt trời áp mái với tổng mức cấp 300 tỷ đồng. Kế hoạch đến cuối năm 2019, HDBank sẽ cấp 1.100 tỷ đồng cho các dự án điện sạch. HDBank cũng đã triển khai gói tài trợ cho các dự án năng lượng sạch - dự án điện mặt trời  thuộc quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam với tổng số vốn 7.000 tỷ đồng.

HSBC cũng hỗ trợ vốn vay cho khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái, lãi suất từ 11,99%/năm. HSBC cam kết đến năm 2025 cung cấp 100 tỷ USD hỗ trợ tài chính và đầu tư bền vững. Tính đến hết quý I/2019, HSBC đã giải ngân thành công 33,6 tỷ USD các khoản vay này.

Tương tự, Viet Capital Bank hỗ trợ 100% phương án vay vốn dành cho khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Lãi vay giảm 1%/năm so với mức lãi suất Ngân hàng áp dụng.

Nam A Bank đang triển khai chương trình tín dụng xanh nhằm cung cấp giải pháp tài chính cho các dự án bảo vệ môi trường, giảm khí thải CO2. Ðối với khách hàng cá nhân, Nam A Bank cho vay từ 7%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 7,5%/năm đối với khoản vay trung - dài hạn. Lãi vay đối với dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn từ 9,9%/năm.

Lãi suất vay tiêu dùng vẫn cao

Các ngân hàng đã và đang đổi mới danh mục cho vay, trong đó tập trung đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, hướng tới khách hàng cá nhân và hộ gia đình nhằm giải quyết nhu cầu vốn phục vụ đời sống thường ngày như mua ô tô, mua nhà, chữa bệnh, du lịch..., bởi đây là phân khúc tín dụng có biên lãi ròng (NIM) cao.

Tại Sacombank, người vay có thể tiếp cận nguồn vốn 500 triệu đồng với lãi suất từ 0,73% mỗi tháng, tức 8,76%/năm, thời hạn vay đến 5 năm. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), Sacombank dành 10.000 tỷ đồng vốn ưu đãi, lãi vay từ 6-7%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 8,5%/năm đối với khoản vay trung - dài hạn.

Nam A Bank cho vay tiêu dùng, kinh doanh, xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, mua xe ô tô… đối với khách hàng cá nhân với lãi suất từ 9,99%/năm, tỷ lệ cho vay 100% nhu cầu vốn. Viet Capital Bank hỗ trợ vay mua ô tô với khoản vay 85% giá trị xe, thời gian vay từ 24-72 tháng, lãi suất từ 8,3%/năm...

Với khách hàng là SME, VPBank giảm 1%/năm lãi suất nếu vay tín chấp và 0,5%/năm với các khoản vay đảm bảo kỳ hạn ngắn; ACB có gói tín dụng 3.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm; Techcombank cho vay ngắn hạn VND mức lãi suất giảm 0,5%/năm; BaoViet Bank có gói tín dụng 1.500 tỷ đồng từ cuối quý II/2019, lãi suất giảm 0,5%/năm...

Tại OCB, ngân hàng này cho vay tiêu dùng tín chấp đối với người có thu nhập từ 3 triệu đồng/tháng, cung cấp gói tín dụng 100 triệu USD cho các SME do phụ nữ làm chủ, gói vay ưu đãi 3.000 tỷ đồng cho SME lĩnh vực xuất nhập khẩu và logistic...

“Với gói tín dụng dành cho SME, lãi suất cho vay từ 5,99%/năm. Ngoài ra, OCB còn giảm thêm 2,3%/năm lãi suất trong vòng 6 tháng cho 23 khách hàng đầu tiên mỗi tháng vay có tài sản bảo đảm (vay mua nhà, vay tậu xe, tiêu dùng, vay sản xuất kinh doanh), 23 khách hàng đầu tiên mỗi tháng vay tín chấp được giảm 2,3% trong vòng 3 tháng...”, ông Nguyễn Ðình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay.

Thận trọng khi giảm lãi suất

Chia sẻ vơi Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, với gói ưu đãi lãi suất dành cho tín dụng xanh, Nam A Bank mong muốn góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp và cá nhân phát triển kinh doanh bền vững gắn liền với công tác bảo vệ môi trường. Tuy vậy, trên thực tế, có không ít dự án trong quá trình triển khai lại gây ảnh hưởng xấu đến môi trường nên bị ngừng giải ngân vốn. Ðiều này vừa khiến doanh nghiệp chịu tổn thất, vừa khiến ngân hàng gặp rủi ro trong thu hồi nợ.

Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), động thái giảm lãi suất thời gian qua giúp các ngân hàng cho vay nhiều hơn, tăng cung vốn, đồng thời giải quyết nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tác động trên thực tế không lớn, bởi mức giảm không nhiều, độ lan tỏa chủ yếu diễn ra ở một số lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ, thay vì toàn bộ phân khúc khách hàng. Nguồn vốn cho vay chủ yếu là ngắn hạn, thay vì trung - dài hạn. Với lĩnh vực tiêu dùng, lãi suất cho vay cũng chỉ ưu đãi trong thời gian ngắn, sau đó sẽ cộng thêm biên độ từ 3-4%/năm, tức là lãi suất thực tế có thể lên tới 13-14%/năm.

BVSC cho rằng, trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam vẫn chỉ có thể điều chỉnh giảm ở một số lĩnh vực ưu tiên. Do đó, khó thiết lập được mặt bằng lãi suất mới thấp hơn hiện nay.

Ðồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - TS. Võ Trí Thành cũng đưa ra nhận định, lãi suất đầu ra sẽ khó giảm sâu trong bối cảnh chi phí đầu vào của các ngân hàng vẫn ở mức cao.

Ở một góc nhìn khác, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc các ngân hàng giảm lãi suất sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhưng cũng kéo theo hệ lụy.

Ðó là mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% có thể bị phá vỡ nếu không được kiểm soát chặt chẽ, đồng thời tác động tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bởi giảm lãi suất đồng nghĩa với nguồn cung tiền ra nền kinh tế sẽ tăng, khiến áp lực lạm phát tăng. Chưa kể, việc giảm lãi suất cũng sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng.

“Ðây là những tác động cần lưu ý, nhất là trong bối cảnh giá dầu và một số mặt hàng do Nhà nước quản lý vẫn đang ở lộ trình tăng”, ông Lực khuyến cáo.

Tin bài liên quan