Đồng USD trên thị trường thế giới đã duy trì xu hướng mạnh lên rõ nét trước sự hồi phục của kinh tế Mỹ và chính sách tăng lãi suất của Fed

Đồng USD trên thị trường thế giới đã duy trì xu hướng mạnh lên rõ nét trước sự hồi phục của kinh tế Mỹ và chính sách tăng lãi suất của Fed

Giảm giá VND chưa phải mối lo

(ĐTCK) Tỷ giá trung tâm VND/USD tăng 0,85% so với cuối năm 2017, trong khi đó tỷ giá tại các ngân hàng thương mại tăng khoảng 0,63%. Liệu có đang tồn tại “sóng ngầm” âm ỉ trên thị trường ngoại tệ?

Tỷ giá tăng liên tục

Báo cáo với đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cơ quan này tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm theo sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, kết hợp với điều chỉnh linh hoạt tỷ giá mua ngoại tệ từ tổ chức tín dụng (TCTD) và phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác để nâng cao giá trị và vị thế VND.

“Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung ổn định, hệ thống TCTD mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. NHNN mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước, nâng mức dự trữ ngoại hối lên mức cao nhất từ trước đến nay”, NHNN nhấn mạnh.

Tuy nhiên, số liệu thống kê thực tế cho thấy, không chỉ tăng mạnh trong tuần cuối cùng của tháng 5, mà tỷ giá USD/VND cũng duy trì xu hướng tăng kể từ đầu năm đến nay. Cụ thể, tỷ giá trung tâm đã được NHNN liên tục điều chỉnh tăng kể từ đầu năm 2018 đến nay, từ mức 22.415 VND/USD vào ngày 31/12/2017 lên mức 22.605 VND/USD vào ngày 29/5/2018 (tương đương mức tăng 0,8%). Trong khi đó, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại lại có biến động trồi sụt và so với thời điểm cuối năm ngoái hiện có mức tăng 0,5%.

Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính tháng 5/2018 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố cũng cho biết, tỷ giá USD/VND tăng nhẹ. Tính đến ngày 29/5/2018, tỷ giá trung tâm ở mức 22.605 VND/USD, tăng 0,85% so với cuối năm 2017. Trong khi đó, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại tăng khoảng 0,63%, tỷ giá thị trường tự do tăng khoảng 0,66%, giao dịch ở mức tương ứng là 22.830 VND/USD và 22.870 VND/USD. Trong hai tuần cuối tháng 5, tỷ giá có biến động nhẹ (khoảng 40 đồng mỗi chiều mua vào – bán ra).

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp khối nguồn vốn BIDV cho biết, riêng tuần từ 21/5 - 25/5/2018, tỷ giá USD/VND đóng cửa tuần tăng 23 đồng so với mức đóng cửa của tuần trước, dao động trong biên độ 22.765 - 22.805 VND/USD. Tỷ giá ổn định trong hai phiên đầu trước khi tăng 10 - 30 đồng trong ba phiên cuối. Tổng khối lượng giao dịch bình quân phiên tương đương so với tuần trước, dao động trong khoảng 1,7 - 2,9 tỷ USD.

Nguyên nhân khiến tỷ giá tăng?

Đi tìm nguyên nhân khiến tỷ giá tăng, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn, HSBC Việt Nam nhận định, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bám sát lộ trình tăng lãi suất đã vạch ra, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng đáng kể, đồng bạc xanh gia tăng sức mạnh trong thời gian vừa qua đã tạo áp lực khó tránh khỏi lên tỷ giá trong nước.

“Kết hợp các yếu tố trên với các diễn biến nội bộ như nhu cầu thanh toán ngoại tệ theo chu kỳ tăng cao, cán cân thương mại thâm hụt trong tháng 5, dòng vốn ngoại có dấu hiệu đảo chiều trong khoảng thời gian hai tuần cuối tháng 5 đã khiến tỷ giá USD/VND đã có những biến động với biên độ lớn nhất kể từ đầu năm”, ông Khoa nói.

Theo lãnh đạo BIDV, chỉ số giá USD (US Dollar Index) đo lường biến động đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã giảm nhẹ trong phiên đầu tuần trước khi điều chỉnh tăng dần vào các phiên sau đó. Thông tin đáng chú ý nhất trong tuần qua là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ hủy cuộc họp thượng đỉnh với Triều Tiên vào ngày 12/6 tại Singapore. Tuy nhiên, căng thẳng sau đó đã dịu bớt khi các bên tuyên bố sẵn sàng trở lại bàn đàm phán khi tìm được tiếng nói chung.

“Ngoài ra, biên bản họp của FOMC cho biết tình hình lạm phát của Mỹ đang khá tích cực, tiệm cận mức lạm phát mục tiêu 2%, một tín hiệu cho thấy khả năng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 6 là khá chắc chắn”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Đồng quan điểm, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) phân tích thêm, các thống kê cho thấy, kể từ giữa tháng 4/2018 đến nay, đồng USD trên thị trường thế giới đã duy trì xu hướng mạnh lên rõ nét trước sự hồi phục của kinh tế Mỹ và chính sách tăng lãi suất của Fed. Theo đó, chỉ số giá USD đã tăng từ mức thấp nhất 88,2 điểm lên mức 94,8 điểm trong phiên ngày 30/5 và có sự giảm nhẹ xuống mức 94,0 điểm trong phiên giao dịch ngày 1/6. Tính toán của BVSC cho thấy, so với thời điểm đầu năm, USD Index đã tăng 2,6%.

“Việc tăng tỷ giá trung tâm của NHNN là hợp lý khi thuận theo xu hướng khách quan của thế giới”, các chuyên gia phân tích của BVSC đánh giá.

Chưa phải mối lo

Một điểm đáng chú ý, khi so sánh tương quan thì mức tăng của tỷ giá trung tâm trong nước (0,8%) thấp hơn hẳn so với mức tăng của USD Index (2,6%) trên thị trường thế giới. Do đó, việc chủ động điều tiết giảm giá VND của NHNN được thị trường nhận định nhằm góp phần đảm bảo lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam (khi đồng nội tệ của nhiều nước có mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam cũng suy yếu so với đồng USD).

“Về tổng thể, mức tăng của tỷ giá dù liên tục nhưng biên độ còn khá nhỏ (dưới 1%) nên chưa ảnh hưởng nhiều tới sự ổn định của kinh tế vĩ mô hiện nay”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Ở góc độ khác, động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua chủ yếu qua các giao dịch khớp lệnh. Còn nếu tính cả giao dịch thỏa thuận (đặc biệt là thương vụ lớn Vinhomes) thì dòng vốn nước ngoài vẫn đang chảy vào thị trường cổ phiếu với giá trị mua ròng đạt 1,5 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay. Với diễn biến cung cầu ngoại tế thực tế vẫn đang nghiêng về phía cung, hiện BVSC chưa thấy nhiều rủi ro đối với tỷ giá trong thời gian còn lại của năm 2018.

Còn theo ông Khoa, đồng USD mạnh hơn cùng với đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ là những chỉ báo không mấy tích cực cho thị trường châu Á nói chung và Việt Nam không phải ngoại lệ. Các khoản vay nước ngoài và nghĩa vụ tài chính bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn. Sức hút của các thị trường mới nổi và thị trường ngoại biên, trong đó có Việt Nam trở nên bớt hấp dẫn hơn, khi chênh lệnh lãi suất thu hẹp dẫn tới các dòng vốn đầu tư chảy ngược trở về Mỹ.

“Tuy nhiên, lợi thế về nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định cùng nguồn dự trữ ngoại hối tích lũy thời gian qua sẽ đảm bảo nguồn lực cần thiết cho cơ quan quản lý chủ động trong việc điều hành chính sách linh hoạt, ổn định tỷ giá khi cần thiết”, ông Khoa nhấn mạnh.

Trong một tương quan khác, lãnh đạo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tỏ ra khá thận trọng khi dự báo rằng: “Từ nay đến cuối năm 2018, đồng USD giữ xu hướng tăng và Fed nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần nữa trong năm 2018. Do vậy, chính sách tỷ giá cần tiếp tục bám sát và có những động thái điều hành linh hoạt”.

Tin bài liên quan