Nhu cầu vay vốn đóng tàu của ngư dân là rất lớn, song quy định đang còn nhiều bất cập. Ảnh: Đ.T

Nhu cầu vay vốn đóng tàu của ngư dân là rất lớn, song quy định đang còn nhiều bất cập. Ảnh: Đ.T

Giải ngân vốn vay đóng tàu chậm do vướng nhiều khâu

Nhu cầu vay vốn của ngư dân để đóng tàu rất lớn, song theo lãnh đạo các nhà băng, do nhiều vướng mắc và khó khăn, nên tiến độ giải ngân gói tín dụng ưu đãi theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP còn rất chậm.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, nhu cầu vốn đóng tàu của ngư dân trên địa bàn huyện rất lớn, nhưng kể từ khi triển khai chương trình cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đến nay, Agribank Long Điền mới chuẩn bị hoàn tất thủ tục để ký hợp đồng với 1 khách hàng, tổng số tiền dự kiến là 35 tỷ đồng.

Sở dĩ tiến độ giải ngân chậm, theo ông Tâm, không phải vướng thủ tục, mà do thiết kế con tàu theo mô hình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra ban đầu không phù hợp với quy mô cũng như thực tế đánh bắt của ngư dân trên địa bàn huyện Long Điền. Vì vậy, mất nhiều thời gian để điều chỉnh hồ sơ và chờ phê duyệt của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá. Đó là chưa kể, trong quá trình điều chỉnh, chi phí phát sinh, nhưng không biết ai phải chịu.

Thực tế, khi chính sách hỗ trợ cho vay vốn đóng tàu khai thác xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP được ban hành, người dân ồ ạt đăng ký vay vốn, sau đó lại rút lui. Nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng gây khó dễ, khiến ngư dân không thể tiếp cận vốn, nhưng trên thực tế, khó khăn từ nhiều phía.

Ông Huỳnh Tấn Nam, Phó giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Bình Thuận cho hay, đối với cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, đến nay, tổng số tàu được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt là 149 tàu, gồm: đóng mới 24 tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ; đóng mới 92 tàu khai thác hải sản xa bờ và nâng cấp 33 tàu. Trong đó, có 12 tàu ngân hàng thương mại không liên lạc được, 112 tàu ngân hàng thương mại đã tiếp cận, nhưng chưa nhận được hồ sơ vay vốn.

Agribank Chi nhánh tỉnh Bình Thuận cho vay 100% đối với 25 tàu, tổng dư nợ cho vay 74 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2015. Còn với các ngân hàng thương mại khác vẫn chưa giải ngân được đồng nào theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Còn theo ông Đặng Ngọc Ba, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, tính đến ngày 30/9, Agribank Ninh Thuận đã phê duyệt cho vay đóng 8 tàu, với tổng mức đầu tư 71,2 tỷ đồng, đã giải ngân cho vay với tổng số tiền 21,9 tỷ đồng. Trong đó, có 3 tàu hậu cần, với tổng vốn hỗ trợ 31,3 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 9,4 tỷ đồng; 5 tàu khai thác, với tổng vốn hỗ trợ 40 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 13,3 tỷ đồng.

Theo Nghị định 67 của Chính phủ, ngư dân muốn vay vốn ưu đãi để đóng tàu phải bỏ ra 30% vốn đối ứng (với tàu gỗ) hoặc 5% (với tàu vỏ thép). Đây là quy định cần thiết nhằm sàng lọc những chủ tàu có năng lực, đồng thời làm tăng trách nhiệm của chủ tàu với đồng vốn.

Tuy nhiên, đây cũng là một trong những trở ngại chính đối với ngư dân trong tiếp cận vốn vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, nên tình hình giải ngân chậm.

Theo ông Đinh Thế Mẫn, Giám đốc Agribank huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận), ngoài những vướng mắc chính là khâu thiết kế mẫu tàu, quy trình phê duyệt hồ sơ ở địa phương, vốn đối ứng của ngư dân, còn có vướng mắc liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng.

Cụ thể, Nghị định 67/2014/NĐ-CP quy định, chủ tàu khai thác hải sản được hoàn thuế giá trị gia tăng của tàu dùng để khai thác hải sản đối với tàu được đóng mới, nâng cấp có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên. Thế nhưng, theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế và Thông tư số 26/2015/TT-BTC thì tàu đánh bắt xa bờ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Vướng mắc chính là khâu thiết kế mẫu tàu, quy trình phê duyệt hồ sơ ở địa phương, vốn đối ứng của ngư dân, còn có vướng mắc liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng

Do vậy, đơn vị đóng tàu xuất hóa đơn cho ngư dân không có thuế giá trị gia tăng. Điều này sẽ nâng giá thành đóng tàu cho ngư dân.

Thực tế, sau khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP ra đời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẩn trương xây dựng Thông tư 22/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc thực hiện chính sách tín dụng theo nghị định này. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của NHNN, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã tích cực xây dựng kế hoạch triển khai và bố trí nguồn vốn thực hiện.

Cụ thể, 5 ngân hàng thương mại nhà nước đã cam kết dành 14.000 tỷ đồng để cho vay chương trình phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Trong đó, Agribank đăng ký 5.000 tỷ đồng, BIDV 3.000 tỷ đồng, VietinBank 3.000 tỷ đồng, MHB (nay đã sáp nhập vào BIDV) 2.000 tỷ đồng,

Vietcombank 1.000 tỷ đồng. Nhưng đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, Agribank mới cam kết giải ngân được xấp xỉ 200 tỷ đồng; BIDV ký kết 5 hợp đồng tín dụng với tổng trị giá 63,2 tỷ đồng; 2 ngân hàng còn lại tuy đã khởi động, song tỷ lệ giải ngân rất thấp.

Tin bài liên quan