Giá vàng còn dư địa tăng thêm

Giá vàng còn dư địa tăng thêm

(ĐTCK) Trái với diễn biến giật cục của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước tiếp tục thẳng tiến khi áp sát mức 40 triệu đồng/lượng và được dự báo vẫn còn dư địa để tăng thêm.

Trên thị trường thế giới, biến động của giá USD, căng thẳng thương mại lan rộng... đang tác động mạnh tới giá vàng. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 2/7, USD-Index - chỉ số đo biến động của đồng USD so với một số loại tiền tệ giá trị cao khác trong rổ tiền tệ giảm 0,2% xuống 96,681 điểm. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động ở mức 1,97%/năm, còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm giảm xuống 1,76%/năm.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý nối lại đàm phán thương mại trong tuần này, song động thái này sẽ khó mang lại một thỏa thuận chung trong tương lai gần sau khi cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết, các cuộc đàm phán thương mại đang đi đúng hướng, nhưng sẽ nhiều thời gian để thực hiện hóa. Tâm lý lo ngại về thương mại tăng thêm sau khi Hoa Kỳ đề xuất tăng thuế lên 4 tỷ USD hàng hóa của Liên minh Châu Âu (EU). Khối này được cho là đang chuẩn bị trả đũa, nhưng cũng sẵn sàng đàm phán với Washington.

Giới phân tích tài chính cho rằng, việc trái phiếu chính phủ Mỹ và "đồng bạc xanh" không thể tận dụng được sức tăng, cùng với những bất ổn trong thương mại sẽ thúc đẩy giá vàng tăng. Tuy nhiên, trên thực tế, giá vàng thế giới lại có diễn biến "giật cục".

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 2/7, tại thị trường New York, giá vàng giao kỳ hạn tháng 8/2019 tăng 18,7 USD/ounce, tương đương tăng 1,4% lên 1.408 USD/ounce. Trước đó, ngày 1/7, giá vàng giảm 24,4 USD/ounce, tương đương giảm 1,7%. Đây là mức giảm tính theo giá trị USD và tỷ lệ phần trăm cao nhất từ tháng 6/2018.

Bước sang phiên giao dịch sáng ngày 3/7, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đã leo lên mức 1.434,4 USD/ounce (lúc 8h14 sáng theo giờ Việt Nam). Theo giới phân tích, vàng đang tăng trở lại để chinh phục ngưỡng đỉnh 6 năm vừa thiết lập vào cuối tháng 6 tại 1.442 USD/ounce. Tuy nhiên, trong buổi chiều, giá vàng bất ngờ giảm trở lại khi giao dịch quanh ngưỡng 1.425 USD/ounce, sau khi tăng lên mức 1.438 USD/ounce. Đây là lần thứ hai trong vòng 9 ngày, kim loại quý này mất động lực tăng sau khi tiếp cận mức 1.440 USD/ounce.

Theo giới quan sát, sự giật cục của giá vàng có phần gây bất ngờ, song cũng mang lại cơ hội cho nhà đầu tư "lướt sóng" kim loại quý này. Về mặt kỹ thuật, việc liên tục điều chỉnh khi tiếp cận mức giá cao 1.440 USD/ounce cho thấy đà tăng giá của vàng không còn mạnh. Dù vậy, theo đánh giá của Nhóm phân tích tiền tệ Eximbank, một sự đảo ngược để chuyển sang kịch bản giảm giá ngắn hạn sẽ chỉ được xác nhận nếu giá giảm xuống dưới mức thấp gần đây là 1.382 USD/ounce.

Trái với diễn biến tăng - giảm bất ngờ của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước tiếp tục thẳng tiến khi áp sát mức 40 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, tính đến chiều ngày 3/7, giá vàng miếng SJC được Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tại TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ được niêm yết ở mức 38,9-39,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 38,9-39,4 triệu đồng/lượng, tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 38,9-39,22 triệu đồng/lượng, tăng tới 0,8-1 triệu đồng/lượng so với mức giá cuối phiên trước đó.

Trong buổi sáng, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước ở mức âm 770.000 đồng/lượng (tính theo tỷ giá quy đổi tại Vietcombank ở mức 23.300 đồng/USD).

Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), giá vàng tăng mạnh đến đâu cũng sẽ đến lúc chững lại và điều chỉnh, nên nhà đầu tư cần tỉnh táo. Tuy vậy, dự báo về diễn biến giá vàng trong thời gian tới, ông Hải cho rằng, mặt hàng kim loại quý này vẫn còn dư địa để tăng tiếp.

Tin bài liên quan