Gia hạn cho vay bằng ngoại tệ: Việc đặng chẳng đừng…

Gia hạn cho vay bằng ngoại tệ: Việc đặng chẳng đừng…

(ĐTCK) Lần thứ 4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận thấy cần duy trì việc cho vay bằng ngoại tệ đối với nhu cầu thanh toán chi phí trong nước thực hiện phương án sản xuất hàng xuất khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nên dự kiến gia hạn cho vay bằng ngoại tệ đến 31/12/2018.

Lý do gia hạn

Theo NHNN, hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần tiếp tục được hỗ trợ theo chủ trương của Chính phủ. Trong khi đó, DN có nguồn thu bằng ngoại tệ để trả nợ vay nên việc cho vay bằng ngoại tệ ảnh hưởng không lớn đến thanh khoản ngoại tệ của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Ngoài ra, trong bối cảnh chênh lệch lãi suất cho vay bằng VND cao hơn lãi suất cho vay bằng ngoại tệ (khoảng 3%/năm), việc cho vay bằng ngoại tệ với lãi suất thấp hơn giúp cho các DN xuất khẩu tiết kiệm chi phí vay vốn, góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, việc cho vay bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh hàng hoá xuất khẩu giúp các TCTD có cơ hội quản lý và thu hút được nguồn ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu, khách hàng không bị rủi ro về tỷ giá.

Theo đó, NHNN nhận thấy, cần duy trì việc cho vay bằng ngoại tệ đối với nhu cầu thanh toán chi phí trong nước thực hiện phương án sản xuất hàng xuất khẩu để hỗ trợ DN tiết kiệm chi phí vay vốn, tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời tạo điều kiện cho các DN có thời gian tiếp cận dần với các sản phẩm phái sinh tỷ giá, lãi suất và giá cả hàng hóa để phòng ngừa rủi ro tỷ giá và rủi ro khác liên quan.

Chính vì vậy, NHNN đã dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN ngày 8/12/2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú theo hướng gia hạn hoạt động cho vay ngoại tệ.

Cần giải pháp dài hơi

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, nền kinh tế Việt Nam dựa rất nhiều vào xuất khẩu nên các DN xuất khẩu cần vay ngoại tệ với lãi suất thấp để giảm chi phí, giá thành nhằm tăng khả năng cạnh tranh. Đây là “xung đột” giữa chủ trương của Chính phủ, NHNN trong việc chống đô la hóa với nhu cầu vay ngoại tệ của các DN xuất khẩu.

“Tuy vậy, tôi ủng hộ NHNN gia hạn cho vay bằng ngoại tệ bởi thời điểm hiện nay chưa nhìn thấy được ánh sáng cuối đường hầm trong việc loại bỏ cho vay ngoại tệ của những DN này. Thực tế, NHNN trong trạng thái đặng chẳng đừng khi làm việc này vì chủ trương chống đô la hóa, cụ thể ở đây là muốn chuyển quan hệ vay mượn đô la sang mua bán”, TS. Hiếu nói.

Một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết, không chỉ ngân hàng nhỏ mà cả các ngân hàng lớn được cho là có nguồn ngoại tệ dồi dào vẫn đang âm thầm huy động ngoại tệ thông qua việc tặng quà, trả tiền mặt cho khách hàng khi gửi tiết kiệm ngoại tệ. Cho vay ngoại tệ trong năm 2017 tăng so với các năm trước.

Lãi suất cho vay USD hiện phổ biến trong khoảng 2,8 - 6,0%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn từ 2,8 - 4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 4,6 - 6,0%/năm. Nếu trừ đi chi phí huy động USD thì các ngân hàng vẫn lãi khi cho vay bằng ngoại tệ, do đó các ngân hàng rất "nhiệt tình" trong việc huy động và cho vay ngoại tệ.

“Trong bối cảnh Chính phủ, NHNN vẫn chủ trương chống đô la hóa, không thể đều đặn mỗi năm lại gia hạn cho vay bằng ngoại tệ. NHNN nên đưa ra một chính sách dài hạn, có lộ trình 3 - 5 năm hay 5-10 năm trong việc siết chặt hơn cho vay ngoại tệ”, TS. Hiếu nói.   

- Theo Thông tư số 43/2014/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú, có 4 nhóm đối tượng vay ngoại tệ.

Nhóm 1, cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Nhóm 2, cho vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài. Hai nhóm đối tượng này không giới hạn về mặt thời gian.

Nhóm 3, cho vay ngắn hạn đối với DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Nhóm 4, vay ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất - kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Hai nhóm đối tượng 3 và 4 có quy định giới hạn thời gian được vay tới 31/12/2015.

- Ngày 8/12/2015, NHNN ban hành Thông tư 24 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, thay thế Thông tư 43. Theo đó, nhóm 1 và 2 được vay bình thường, nhóm 3 được vay không giới hạn thời gian. Riêng nhóm 4, thời hạn thực hiện đến 31/3/2016.

- Ngày 27/5/2016, NHNN ban hành Thông tư số 07 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24. Theo đó, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với một nhóm khách hàng có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu kể từ 1/6/2016 cho đến hết 31/12/2016.

- Ngày 15/11/2016, NHNN ban hành Thông tư số 31 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24. Theo đó, khi được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Quy định này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2017.

Tin bài liên quan